“Đóng băng” bản quyền truyền hình các giải lớn tại Việt Nam

21/04/2020 08:34 GMT+7

Việc đàm phán bản quyền truyền hình một số giải đấu hấp dẫn có sự tham dự của thể thao Việt Nam đang bị ngưng trệ do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Giai đoạn “ủ đông”

Quá trình đàm phán bản quyền truyền hình (BQTH) Thế vận hội Olympic 2020 đã kéo dài suốt hơn 2 năm nay mà chưa có bất kỳ đơn vị truyền hình, truyền thông nào của Việt Nam (VN) mua nổi bởi giá bản quyền quá đắt. So với BTQH Olympic 2016, vào tháng 4.2018, đối tác nước ngoài đã hét giá cao không tưởng, gấp 20 lần. Ban đầu cuộc đua có khoảng 4 đơn vị truyền hình trong nước nhưng đến tháng 9.2018 chỉ còn Đài truyền hình VN (VTV) một mình một ngựa.
Tuy nhiên giữa đối tác và VTV luôn có sự giằng co về mặt giá cả. Phía đơn vị sở hữu BQTH Olympic 2020 trên lãnh thổ VN đã chia thành các gói nhỏ trên các hạ tầng truyền dẫn khác nhau và yêu cầu VTV phải mua trọn gói. VTV chấp nhận phương thức này nhưng không đồng ý mua với giá quá cao như vậy. Tháng 6.2019, trong cuộc họp với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử của Bộ TT-TT, VTV cho biết đã được đối tác đồng ý giảm giá nhưng số tiền vẫn còn cao hơn gấp 10 lần so với kỳ Thế vận hội 2016. Các bên đã một vài lần ngồi vào bàn thương thảo song chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Nhưng dịch bệnh Covid-19 đã ập đến bất ngờ khiến VTV đang phải tạm dừng đàm phán vì trên thực tế Thế vận hội 2020 đã buộc phải dời sang tháng 7 năm sau. Ngày 20.4, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV, cho hay mọi việc liên quan đến BQTH đang ở giai đoạn “ủ đông”, chưa thể tiến hành thêm bất kỳ công đoạn nào. Thậm chí, việc đàm phán có thể sẽ chỉ được khởi động trở lại vào tháng 5 năm sau. Tương tự, do tình hình đại dịch nên các cuộc đàm phán về BQTH giải vô địch bóng đá U.19 châu Á 2020 hay vòng loại U.23 châu Á dự kiến thi đấu tháng 3.2021, giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á năm 2021 cũng chưa thể tiến hành ngay thời điểm này.
Với gói BQTH giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2020, VTV đã được Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cấp phép độc quyền truyền thông (gồm truyền hình và phát thanh). Giải đấu này cũng đang hoãn và dời đến sang năm nhưng vì đã ký nên hợp đồng giữa các bên vẫn được giữ nguyên đến mùa hè năm sau mà không phát sinh điều khoản mới nào.

Chưa đài nào công bố mua được bản quyền AFF Cup

Liên quan đến BQTH một số giải đấu có đội tuyển bóng đá VN, người hâm mộ vừa mừng vừa lo. Mừng vì cho dù các trận đấu còn lại tại bảng G vòng loại World Cup 2022 cũng phải chuyển lịch sang tháng 10 (gặp Malaysia dự kiến ngày 12.10) và tháng 11.2020 (dự kiến gặp Indonesia ngày 13.11, gặp UAE ngày 17.11) nhưng Next Media đã mua được bản quyền nên khán giả vẫn được xem.
Nhưng giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - AFF Cup dành cho các đội tuyển nam vào cuối năm nay, vấn đề BQTH còn khá phức tạp. VTV đang cân nhắc việc có nên tiếp tục thương thảo nữa hay dừng hẳn. Tuy nhiên theo nguồn tin của Thanh Niên, cuộc “chiến đấu” giữa các đơn vị truyền thông ở VN để có thể sở hữu gói bản quyền giải đấu lớn nhất khu vực đã diễn ra khá gay cấn từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Chưa năm nào, giá BQTH AFF Cup lại cao như năm nay (không dưới 5 triệu USD). Được biết, VTV muốn mua trọn gói như mua BQTH Olympic 2020 nhưng lại chỉ đủ kinh phí để mua với giá không quá cao (vì VTV đã dành một khoản lớn mới mua được BQTH EURO 2020 - giải đấu đã bị hoãn đến năm sau). Đối tác Pháp không đồng ý với con số mà Đài truyền hình Việt Nam đưa ra. Còn hai đơn vị khác cũng cạnh tranh với phần thắng đang nghiêng về một đơn vị truyền thông mới nổi khoảng 3 năm nay. Tuy nhiên, cuộc chiến tạm chưa có hồi kết vì chưa bên nào tuyên bố chiến thắng. Hiện tại các bên cũng đang nghe ngóng tình hình chứ chưa đưa ra tuyên bố gì cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.