Đừng ngại cầu thủ nhập tịch khoác áo đội tuyển

10/01/2010 10:25 GMT+7

Có lẽ không cần bình luận thêm về chuyện khát khao cống hiến cho ĐTQG của thủ môn Dương Hồng Sơn. Bởi, không chỉ chuyện báo mất hộ chiếu, Hồng Sơn còn vài lần khác đưa ra lý do để vắng mặt ở đội tuyển trước các giải đấu mà cơ hội thành công của đội tuyển không lớn.

Thủ môn Đinh Hoàng La luôn khao khát được khoác áo đội tuyển Việt Nam - Ảnh: Bạch Dương

Có lẽ không cần bình luận thêm về chuyện khát khao cống hiến cho ĐTQG của thủ môn Dương Hồng Sơn. Bởi, không chỉ chuyện báo mất hộ chiếu, Hồng Sơn còn vài lần khác đưa ra lý do để vắng mặt ở đội tuyển trước các giải đấu mà cơ hội thành công của đội tuyển không lớn.

Một thủ môn thiếu khát khao với đội tuyển như thế không còn xứng đáng đứng trong thành phần của ĐTVN. Vấn đề là ngoài Hồng Sơn, bóng đá Việt Nam hiện không thiếu người có thể thay anh ở vị trí ấy, không thiếu người khát khao chơi cho đội tuyển. Thậm chí, bóng đá Việt Nam cũng không thiếu người thay thế nhiều vị trí khác, nếu xảy ra những trường hợp tương tự như Hồng Sơn, trong đó có các các cầu thủ ngoại đã có quốc tịch Việt Nam, đủ sức thi đấu cho đội tuyển.

Nếu nhà nước đã công nhận họ là công dân Việt Nam, đã cho họ cái quyền tự do hành nghề công bằng với các cầu thủ nội chính gốc khác ở sân chơi trong nước, cũng chẳng có lý do gì họ không được cạnh tranh công bằng ở đội tuyển.

Dĩ nhiên, để được khoác lên mình màu áo của ĐTVN, cầu thủ nhập tịch phải chứng minh được sự cần thiết của họ với đội và nhất là phải khát khao cống hiến cho ĐTVN, tránh trường hợp đã từng xảy ra với thủ môn Phan Văn Santos trước AFF Cup 2008 (cương quyết rời đội vì thiếu tính cống hiến và cũng không thực sự máu mê trở thành tuyển thủ quốc gia Việt Nam).

Một vấn đề khác là sử dụng các cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển ra sao để vừa có thể bổ sung sức mạnh cho đội, vừa phải đảm bảo sự vươn lên của các tài năng trẻ, nhất là vừa đủ để không làm mất bản sắc của đội tuyển.

Chắc chắn rằng bản thân khán giả Việt Nam cũng không thích thú chuyện cầu thủ nhập tịch tràn lan trong đội tuyển. Bởi ĐTQG mang tính đại diện cho cả một nền bóng đá, đại diện cho sự vươn lên của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam thông qua thể thao, chứ không phải một đội tuyển đã đánh mất bản sắc của chính mình.

Sử dụng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển cũng là một cách tạo ra sự cạnh tranh giữa các tuyển thủ trong đội, tránh tư tưởng ngôi sao vốn rất dễ xuất hiện nơi các tuyển thủ khi thấy vị trí của mình đã chắc suất. Nhưng cũng tránh tối đa trường hợp việc sử dụng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển dẫn đến việc triệt tiêu luôn cơ hội vươn lên của bóng đá trẻ.

Hẳn mọi người còn nhớ thủ môn Đinh Hoàng La, tiền đạo Huỳnh Kesley và Đinh Hoàng Max đều từng được HLV Calisto gọi vào đội tuyển tham dự một số trận giao hữu với CLB Olympiakos (Hy Lạp) hoặc đội tuyển Kuwait hồi giữa năm 2009. Thế nhưng, sau đó những cầu thủ này bỗng nhiên không hề có tên trong những đợt tập trung đội tuyển thời gian gần đây, và thậm chí không có một lời giải thích vì sao. Khi được hỏi về vấn đề này, HLV Calisto từng nói trong danh sách ông gửi lên VFF đều có những cái tên như Hoàng La, Huỳnh Kesley… nhưng không hiểu sao đều bị gạt bỏ.

Nếu xét về trình độ chuyên môn, thủ môn Hoàng La khó có đối thủ trong đội tuyển cả về thể hình lẫn kỹ thuật bắt bóng. Còn Huỳnh Kesley với việc được xếp vào tốp 50 chân sút hay nhất thế giới trong năm 2009 đã đủ chứng tỏ sự vượt trội của mình. Đặc biệt, cả hai cầu thủ này đều khao khát được khoác trên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia, hơn hẳn những cầu thủ như Hồng Sơn.

Dùng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển là cần thiết để nâng chất đội tuyển, để tăng tính cạnh tranh trong đội. Nhưng dùng như thế nào và dùng bao nhiêu là việc mà các HLV phải tính, nếu như vị HLV ấy muốn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Việt Nam.

Ý kiến giới chuyên môn

Chuyên gia Trần Duy Long: “Nếu các cầu thủ ngoại nhập tịch đã được tự do hành nghề thì họ cũng có quyền tự do cạnh tranh suất vào đội tuyển. Vấn đề ở đây là họ có thực sự cần thiết cho đội tuyển hay không, các HLV có thực sự cần đến họ hay không, họ có đáp ứng các tiêu chuẩn để khoác áo đội tuyển hay không. Nếu họ đáp ứng được các tiêu chí ấy, họ được gọi vào đội tuyển là đương nhiên”.

HLV Calisto: “Theo tôi, ĐTQG chỉ nên có tối đa ba cầu thủ nhập tịch. Không nên nhiều hơn vì như thế sẽ làm làm cho bản sắc của ĐTQG nhạt dần”.

HLV Vũ Quang Bảo (Navibank Sài Gòn): “cầu thủ ngoại sẽ giúp cho sự cạnh tranh tăng lên, nhưng sử dụng cầu thủ nhập tịch phải hết sức cân nhắc. Bởi, nếu dùng nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự vươn lên của bóng đá trẻ. Khi đó, chẳng biết người ta còn mở các học viện đào tạo trẻ làm gì nữa?”.

Thu Cúc (ghi)

Cầu thủ nhập tịch khoác áo ĐTQG:
Xu thế toàn cầu

Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch trong màu áo ĐTQG không còn là chuyện lạ tại bóng đá thế giới. Các cầu thủ bóng đá cũng thích tìm đến đội bóng quê hương thứ hai để cống hiến hơn là chờ đợi cơ hội từ cố quốc. Các quốc gia cũng thông thông thoáng hơn với chuyện cầu thủ nhập tịch. Pháp và Anh sử dụng cầu thủ không phải bản xứ từ rất lâu rồi. Nhưng giờ cả Đức, Ý, Tây Ban Nha cũng dùng cầu thủ nhập tịch.

Tuyển Đức là một ví dụ điển hình. Người Đức có tinh thần dân tộc rất cao và trước đây rất dị ứng với chuyện cầu thủ nhập tịch, nhưng giờ thì hàng tiền đạo của họ hầu như không có người Đức gốc. Lukas Podolski và Miroslav Klose là những người gốc Ba Lan, tiền đạo Mario Gomez có cha là người Tây Ban Nha, tiền đạo Kuranyi cũng là người gốc Brazil. Trước đó, Đức còn cho cả cầu thủ da màu Asamoah và Odonkor vào đội hình.

Tuyển Ý cũng không còn khắt khe với cầu thủ da màu dù CĐV của họ vẫn không ít người mang tư tưởng kỳ thị. Tiền đạo Mario Balotelli đang được gọi vào tuyển trẻ Ý, tiền đạo Amauri là người Brazil 100% cũng được báo chí Ý ủng hộ vào tuyển thiên thanh. Còn tuyển Tây Ban Nha, trong đội hình vô địch Euro 2008, không ai quên được tiền vệ Marcos Senna. Trong lúc Senna ăn mừng chức vô địch, cả cha mẹ, vợ con của anh tại Brazil cũng ăn mừng.

Tại Đông Nam Á, Singapore cũng xác định cầu thủ nhập tịch là nguồn quan trọng cho các kế hoạch tương lai. Nhiều cầu thủ thuộc Nam Tư cũ và châu Phi đã có mặt trong đội hình Singapore vô địch Đông Nam Á 2004 và 2007.

Anh Tú

Tung Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.