Giải pháp nào sơ cứu VĐV trên sân từ bài học của cầu thủ Thiện Đức?

06/05/2019 12:32 GMT+7

Bác sỹ từng chăm sóc cho đội tuyển bóng đá Việt Nam Nguyễn Trọng Hiền đã nêu lên các giải pháp để sơ cứu kịp thời vận động viên sau pha va chạm dẫn đến choáng ngất suýt mất mạng trên sân từ bài học của cầu thủ trẻ Nguyễn Hùng Thiện Đức trong trận đấu giữa Becamex Bình Dương gặp Hà Nội ở vòng 8 V-League 2019 vào chiều 5.5.

Mới ở phút 2, trong một pha va chạm rất mạnh với tiền đạo Omar của đội Hà Nội, Thiện Đức - cầu thủ trẻ 20 tuổi của chủ nhà (lần đầu tiên được ra sân đá chính ở mùa này) đã bị lên cơn co giật, rồi bất tỉnh nên xe cấp cứu đã phải đưa anh đi viện ngay lập tức. Trước đó, đồng đội Tấn Tài, đội trưởng Thành Lương của Hà Nội và trọng tài Ngô Duy Lân đã có một số biện pháp sơ cứu tại chỗ như cho tay, cho băng đội trưởng vào miệng Đức nhằm cho Đức không cắn vào lưỡi.
[VIDEO] TRỌNG TÀI DUY LÂN XỬ LÝ RẤT TỈNH TÁO
Tại bệnh viện 512 giường của Bình Dương, kết quả chụp phim cho thấy Đức bị thủng phần mềm thái dương bên phải (móp một bên thái dương). Đến 21 giờ tối qua tuy đã tỉnh nhưng Đức kêu bị đau đầu nên Đức đã được chuyển lên bệnh viện 115 của TP. HCM.
Trở lại với vấn đề sơ cứu tại chỗ trong những trường hợp vận động viên (VĐV) nói chung và cầu thủ đang thi đấu trên sân nói riêng, trái với suy nghĩ của nhiều người là cho tay vào bệnh nhân để tránh tự cắn lưỡi mà phải có thao tác sơ cứu hoàn toàn khác.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền – Trưởng phòng y học Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, nguyên bác sỹ của đội tuyển bóng đá Việt Nam cho biết: “Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2018, tôi đã hướng dẫn rất kỹ về biện pháp sơ cứu đối với những trường hợp bị choáng ngất đột ngột sau va chạm.
Nên nhớ rằng, dị vật đường thở của VĐV (cầu thủ) khi bị chấn thương chính là lưỡi của họ. Khi VĐV mất ý thức và lên cơn co giật, cơ lưỡi uốn cong và lưỡi bị tụt xuống sau họng, chèn hoàn toàn đường thở. Cách để giải quyết là ngửa đầu VĐV ra sau nếu không có chấn thương cổ. Nếu nghi ngờ có chấn thương cổ hay chấn thương có liên quan thì sau khi nhấc cằm đẩy hàm lên thì lấy bỏ dị vật trước miệng bằng kẹp y tế. Không được cho tay vào miệng mà phải mở đường thở bằng sử dụng kỹ thuật ngửa đầu nhấc cằm”.
Thiện Đức đã tỉnh táo khi được chuyển đến bệnh viện 115 TP.HCM Quỳnh Mai
Bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền lưu ý thêm, trong các trận đấu, ê kíp bác sỹ của sân, của ban tổ chức trận đấu hay của đội phải quan sát kỹ mọi động thái, diễn tiến trên sân để khi thấy có tình huống nóng, nguy hiểm đến tính mạng cầu thủ như cầu thủ bất ngờ đổ sập xuống sân hoặc sau va chạm mạnh, bị ngất choáng thì phải lao vào sân ngay lập tức vì vì việc sơ cứu kịp thời là đã cứu được một mạng người.
Hiện tại, chỉ một số ít sân cỏ tại Việt Nam thuê xe cấp cứu có máy sốc tim nhưng hầu hết các sân vẫn còn thiếu đội ngũ bác sỹ cấp cứu được đào tạo chuyên sâu và trang thiết bị y tế hiện đại. Cả Việt Nam mới chỉ có 2 bộ trang thiết bị y tế do Liên đoàn Bóng đá châu Á cấp, nhằm cấp cứu các tình huống nguy hiểm với cầu thủ.
Với trường hợp của Thiện Đức, khá may mắn là đến thời điểm này, bác sỹ bệnh viện 115 đã cho anh xuất viện. Bà Ngọc Linh – mẹ của Thiện Đức cho hay: “Sáng 6.5, con trai tôi đã được về nhà tại Bình Dương. Đức khỏe và đã nói chuyện được bình thường. Đức tỉnh táo, tuy còn kêu hơi choáng và hơi đau đầu nên bác sỹ nói phải theo dõi thêm xem có bị ói hay trở nặng không. Chỗ thái dương vẫn bị móp và chắc phải thời gian dài nữa mới đầy trở lại. Gia đình chỉ mong Đức lành lặn như lúc trước”.
Vụ việc xảy ra trên sân Bình Dương cũng là bài học cho chính những người trong cuộc và ban tổ chức sân, ban điều hành giải V-League trong việc sơ cứu cầu thủ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.