Giải vô địch các CLB Đông Nam Á: Thái Lan, Việt Nam dè dặt

02/08/2010 23:24 GMT+7

Ngay sau khi Bộ trưởng Thể thao 2 nước Malaysia và Indonesia “phát pháo” về việc nên có giải vô địch bóng đá các CLB Đông Nam Á, đại diện các quốc gia trong khu vực lần lượt có ý kiến.

Chỉ có Vissai Ninh Bình, HAGL, ĐTLA là hào hứng với giải đấu này - Ảnh: Khả Hòa

Ngay sau khi Bộ trưởng Thể thao 2 nước Malaysia và Indonesia “phát pháo” về việc nên có giải vô địch bóng đá các CLB Đông Nam Á, đại diện các quốc gia trong khu vực lần lượt có ý kiến.

Singapore ủng hộ

Tổng thư ký LĐBĐ Singapore, ông Winston Lee tiết lộ: “Chúng tôi đã xúc tiến việc thành lập giải đấu vô địch các CLB Đông Nam Á này từ nửa cuối năm ngoái với một ủy ban đặc biệt có sự góp mặt của các đại diện từ LĐBĐ Malaysia, Indonesia, Singapore và đại diện của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF). Mục đích là thảo luận các giải pháp cũng như đưa ra những phương án hiệu quả nhất để giải đấu được hình thành và hoạt động lâu dài, trở thành một sân chơi thu hút người hâm mộ khắp khu vực Đông Nam Á”. Ông Lee cũng nói trên kênh truyền hình MediaCorp của Singapore: “Nếu mọi việc thuận lợi, giải đấu dự định diễn ra trong khoảng thời gian sớm nhất là từ năm 2012, hoặc chậm nhất là vào năm 2014”.

Ngoài ra, ông Lee cũng hé lộ một phần về giải vô địch các CLB Đông Nam Á là ủy ban đặc biệt của giải đấu này đang cân nhắc giữa 2 mô hình thi đấu. Một là sẽ thi đấu theo hình thức giải VĐQG với các CLB chuyên nghiệp tham dự độc lập, đáp ứng các điều kiện về mặt tài chính của ban tổ chức giải, và sẽ không tham dự giải đấu trong nước, nhưng vẫn được chọn như đại diện của giải đấu này dự các giải đấu tầm châu lục như AFC Champions League, AFC Cup. Mô hình thứ hai là thi đấu theo hình thức giải vô địch các nước Bắc Âu trước đây, nghĩa là các CLB vẫn dự giải trong nước, nhưng sau khi kết thúc giải sẽ chọn 3 hoặc 5 đội hàng đầu từ các giải VĐQG của liên đoàn thành viên để dự giải đấu các CLB Đông Nam Á.

Có vẻ như mô hình thứ nhất khả thi hơn. Bởi đơn vị đối tác của AFF nắm các phương án về tiếp thị, bán bản quyền truyền hình và hình ảnh của giải đấu là World Sport Group (WSG) muốn các CLB tham dự phải thật sự độc lập, và bảo đảm lực lượng mạnh nhất thi đấu xuyên suốt giải, để từ đó họ có phương án thu lợi nhuận và chia sẻ các lợi ích về mặt kinh tế cho các CLB như tiền bản quyền truyền hình và các hợp đồng về thương mại khác...

Cũng trên MediaCorp, ông Lee quả quyết: “Kế hoạch của chúng tôi đang tiến triển rất khả quan. Chúng tôi sẽ hoàn thiện một số điều luật nữa, và sắp tới sẽ trình lên AFC (LĐBĐ châu Á) để chính thức thông báo”. Ngoài ra, ông Lee cũng cho biết tại Hội thảo bóng đá châu Á cuối tuần qua, Giám đốc truyền thông của CLB Liverpool là Ian Ayre cũng tỏ ý sẽ hỗ trợ ủy ban đặc biệt giải vô địch các CLB Đông Nam Á về công tác tổ chức, cách thức điều hành, chia sẻ lợi nhuận... và cũng như tư vấn về các vấn đề khác, dựa trên kinh nghiệm từ sự ra đời của giải Ngoại hạng Anh hồi năm 1992, để đến nay trở thành giải đấu hấp dẫn nhất thế giới.

Trong khi đó, nhà tài phiệt người Malaysia, ông Tony Fernandes - đồng sở hữu đội đua xe F1 Lotus, cũng là nhà sáng lập hãng hàng không giá rẻ AirAsia - đã lên tiếng ủng hộ giải đấu và hứa sẽ góp một tay để lập ra giải vô địch các CLB Đông Nam Á. Ông Tony Fernandes cũng là người sáng lập ra giải vô địch bóng rổ các CLB Đông Nam Á và nay đã bước sang mùa giải thứ hai rất thành công. Ông nói: “Giấc mơ của tôi là được góp một tay vào việc thành lập giải đấu bóng đá chung cả khu vực, dĩ nhiên là trên khía cạnh tài chính.

Mỗi tuần, các CLB mạnh từ các nước trong khối ASEAN tranh tài với nhau, chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của người hâm mộ vì chất lượng, sự cạnh tranh sẽ cao hơn các trận đấu ở giải VĐQG mỗi nước như hiện nay”. Mặc dù vậy, ông Tony Fernandes cũng cho rằng: “Vấn đề lớn nhất có thể cản trở giải đấu này thành hiện thực là các liên đoàn thành viên khác có chấp nhận tham gia hay không, bởi nếu họ bảo thủ với giải VĐQG trong nước thì có thể cản trở một số CLB có tiềm lực tham gia”.

Tài chính sẽ là trở ngại

Trước những động thái tích cực của 3 quốc gia Malaysia, Indonesia và Singapore, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới và báo chí khu vực đang chờ đợi sự lên tiếng của lãnh đạo thể thao 2 quốc gia quan trọng là Thái Lan và Việt Nam.

Hôm qua, Phó chủ tịch LĐBĐ Thái Lan, ông Chaichok Poompuang phát biểu trên tờ TODAY Online: “Tôi rất ngạc nhiên về đề xuất thành lập giải vô địch các CLB Đông Nam Á. Bởi lẽ, hiện các nước trong khu vực đều đã có giải VĐQG riêng của mình. Bên cạnh đó, các CLB còn tham dự các giải thuộc tầm châu Á như AFC Champions League, AFC Cup. Các đội tuyển trong khu vực thì có giải AFF Cup, còn tuyển U.23 thì dự SEA Games. Đội tuyển Olympic cũng có lịch thi đấu tại vòng loại các kỳ thế vận hội... Vì vậy, tôi nghĩ nếu giải đấu này được thành lập, không biết làm sao người ta có thể bố trí được một lịch thi đấu hợp lý, hài hòa với các giải đấu khác trong khu vực lẫn ở châu Á. Quan điểm của tôi là sẽ rất khó để giải vô địch các CLB Đông Nam Á được hình thành, vì các CLB sẽ không thể đưa các ngôi sao của mình ra sân thi đấu liên tục hết giải VĐQG trong nước, đến các Cúp ở châu Á, rồi cả giải đấu này nữa. Ngoài ra, yếu tố tài chính cũng là một trở ngại lớn khiến các CLB có thể từ chối không tham dự giải đấu mới trong khu vực”.

Còn Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ hôm qua cho biết: “Giải đấu sẽ góp phần nâng chất lượng bóng đá khu vực lên một tầm mới, từ đó mới có đủ lực để cạnh tranh với các nền bóng đá khác ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Uzbekistan, cũng như các nước ở khu vực vùng Vịnh như Qatar, UAE, Saudi Arabia. Nếu giải đấu này ra đời với tiềm lực mạnh có thể sẽ thu hút nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới đến thi đấu và qua đó, cũng nâng dần chất lượng cầu thủ nội để tiến đến mục tiêu xa hơn là giành quyền góp mặt ở các kỳ World Cup. Nhưng để các CLB VN có thể tham gia, tôi nghĩ phải bàn bạc kỹ vì 2 lý do. Một là vấn đề kinh phí. Vì đa phần CLB VN đầu tư cho bóng đá trong nước cũng đã khó khăn, nếu thêm một giải đấu tầm cỡ như thế sẽ tốn kém hơn rất nhiều, có thể gấp 3, 4 lần. Ví dụ, một đội

V-League hiện nay đầu tư không dưới 50 tỉ đồng, nếu thêm giải đấu này sẽ thêm ít nhất 100-150 tỉ đồng nữa, nghĩa là gần 200 tỉ đồng/năm (khoảng 10 triệu USD). Đó là con số không nhỏ, mà theo tôi sẽ có rất ít CLB trong nước kham nổi. Hai là mô hình thi đấu phải hết sức phù hợp để đảm bảo cho V-League. Không thể một CLB nào của VN tham gia giải đấu này mà bỏ sân chơi trong nước được, mà cần có sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế. Chúng tôi sẽ sớm lấy ý kiến các CLB trong hội nghị tổng kết V-League vào tháng 10 tới để xem bóng đá VN nên tham gia thế nào sao cho hiệu quả nhất”.

Giang Lao - Đăng Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.