Hai ứng cử viên chức chủ tịch VFF vẫn phải chờ

14/09/2013 11:59 GMT+7

(TNO) Lại có thêm động thái mới về phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 6 Lê Hùng Dũng - ứng cử viên sáng giá nhất cho chức chủ tịch VFF khóa 7. Thành Ủy TP.HCM đã có công văn nêu ý kiến về vấn đề ông Dũng được giới thiệu tranh cử chưa đúng thẩm quyền của cơ quan chủ quản.

(TNO) Lại có thêm động thái mới về phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 6 Lê Hùng Dũng - ứng cử viên sáng giá nhất cho chức chủ tịch VFF khóa 7. Thành Ủy TP.HCM đã có công văn nêu ý kiến về vấn đề ông Dũng được giới thiệu tranh cử chưa đúng thẩm quyền của cơ quan chủ quản.

>> VFF vẫn muốn tổ chức đại hội đúng vào ngày 5.10
>> Bộ Nội vụ chưa cấp phép tổ chức Đại hội VFF
>> Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Tôi sẽ tung con bài tẩy”

 
Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng - Ảnh: Ngô Nguyễn

Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, Thành Ủy TP.HCM cho rằng việc Đảng ủy Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) do ông Dũng làm chủ tịch đứng ra giới thiệu là chưa thực hiện đúng với quy định của Chính phủ, không cho phép thành viên của Hội đồng thành viên Công ty được tham gia làm lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính trị xã hội.

Ông Hỷ nói: “Thực ra, có nhiều đơn vị giới thiệu ông Lê Hùng Dũng, chứ không phải duy nhất Công ty SJC. Tuần trước, đích thân tôi đã vào TP.HCM nhưng chủ tịch UBND TP.HCM đi công tác vắng nên chưa thể trực tiếp làm việc. Tuần tới, tôi sẽ cử một lãnh đạo khác của VFF vào trao đổi kỹ hơn.

Thực ra, công văn của thường trực Thành Ủy TP.HCM chưa chính thức không đồng ý cho ông Dũng ra tranh cử mà chỉ “kín đáo” nói rằng chưa đúng với Nghị định của Chính phủ.

VFF hoàn toàn không phải tổ chức chính trị xã hội mà là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Chính vì thế, cần có cuộc làm việc kỹ càng hơn giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và VFF để trao đổi thẳng thắn những nội dung này để họ nắm bắt đúng bản chất vấn đề”.

Ông Phan Đình Tân - phó Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ông cũng mới nghe thông tin liên quan đến ông Dũng nên chưa thể đưa ra bất kỳ bình luận nào.

 
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải - Ảnh: Ngô Nguyễn

Ông Tân nói: “Còn cho đến thời điểm này, Ban bí thư cũng chưa có văn bản đồng ý cho Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải làm ứng cử viên chức chủ tịch VFF khóa 7. Chúng ta không thể làm sai quy trình được mà vẫn phải chờ có ý kiến chính thức về việc này”.

Trở lại công văn của TP.HCM, chúng tôi cũng có một thắc mắc là tại sao ông Dũng làm phó chủ tịch VFF (cũng là làm lãnh đạo VFF) đã nhiều khóa mà không có sự nhắc nhở từ Thành Ủy. Nay đúng lúc đang chờ ý kiến chính thức để làm ứng viên chủ tịch VFF thì lại cho rằng không đúng với quy định hiện hành.

FIFA cấm dồn phiếu cho ứng viên chủ tịch

Một quan chức của Tổng cục TDTT nói, thời điểm đại hội dự kiến vào 5.10 nhưng đến nay, Bộ Nội vụ vẫn chưa cấp giấy phép. Và dù là đại hội thường niên hay đại hội chính thức, cũng phải đợi công văn của Bộ nội vụ thì VFF mới có thể tiến hành.

Quan chức này cũng cho hay, ngoài vấn đề nhân sự của đại hội, VFF cũng đang phải tích cực chỉnh sửa lại Điều lệ hoạt động VFF khóa mới cho phù hợp với yêu cầu của FIFA. Theo quan chức nói trên, trong hai ngày hội thảo vừa diễn ra mới đây, FIFA đã phát hiện ra một số điều khoản quan trọng mà VFF cần phải điều chỉnh.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận điều này và nói thêm: “Đại diện của FIFA đã cho biết, hiện nay có một thực trạng là nổ ra nhiều cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số tổ chức ở một số nước để đòi trở thành liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) chính thức của nước đó. Lo ngại việc này sẽ xảy ra tại đại hội của VFF, FIFA đã đề nghị chỉnh sửa 2 điều liên quan đến tổ chức thành viên và bầu cử”.

Theo ông Hỷ, điều lệ cũ của VFF trước đây chỉ nói chung chung là các tổ chức thành viên được tham gia bầu cử. Nay, FIFA bắt buộc phải viết rất kỹ có bao nhiêu nhóm CLB chuyên nghiệp, phong trào, có bao nhiêu LĐBĐ thành viên… Ví dụ phải bổ sung VFF có 69 tổ chức thành viên, trong đó có 23 LĐBĐ thành viên, 24 CLB ngoại hạng…

Việc liệt kê này nhằm giúp VFF không chỉ kiểm soát tốt hơn số lượng các thành viên mà một điều hết sức quan trọng là tạo được công bằng trong quá trình bầu cử.

Nếu có sự chênh lệch về số lượng của mỗi nhóm (FIFA yêu cầu mỗi nhóm thành viên chỉ được chiếm 33%), dễ dẫn tới chuyện tiêu cực là một nhóm có tỷ lệ cao dồn phiếu cho ứng viên mà nhóm đó muốn bầu làm chủ tịch. FIFA bắt buộc, khi bầu cử, ứng viên chủ tịch VFF phải nhận được đủ số phiếu của các nhóm thành viên VFF và không dựa vào bất kỳ nhóm nào.

VFF đã cam kết, bầu cử các chức danh chủ chốt tại đại hội khóa 7 sẽ diễn ra công khai, minh bạch. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thời gian đại hội không thể do VFF quyết định mà vẫn phải chờ Bộ Nội vụ.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.