Hành trình đưa cầu thủ xuất ngoại của bầu Đức

Quốc Việt
Quốc Việt
13/02/2019 08:54 GMT+7

Bầu Đức khẳng định “đào tạo cầu thủ trẻ đã khó, đưa họ đi xuất ngoại còn khó hơn”.

Bởi ông và HAGL trong vai trò tiên phong “ném đá dò đường”, dù đã chuẩn bị rất kỹ vẫn phải chấp nhận những bài học đắt giá trong việc thay đổi định kiến của những nền bóng đá hàng đầu về trình độ cầu thủ VN.
[VIDEO] HLV CỦA INCHEON MUỐN CÓ CÔNG PHƯỢNG VÌ LÝ DO CHUYÊN MÔN

Chuyến xuất ngoại không êm ả

Sau khi tạo ra cú hích đào tạo trẻ, HAGL tiếp tục tiên phong trong việc tìm đường xuất khẩu cầu thủ VN ra nước ngoài. Chính xác là phá vỡ định kiến hàng chục năm của những nền bóng đá lớn về trình độ của các cầu thủ VN vẫn nằm ở vùng trũng Đông Nam Á. Ngày 11.12.2015, Tuấn Anh nhận chiếc áo đấu Yokohama FC từ Chủ tịch CLB Onodera Hiroshi cho bản hợp đồng mượn có thời hạn 1 năm trị giá 100.000 USD. Ngày 23.12.2015, bầu Đức hôn tạm biệt và 3 lần liền nói những lời gửi gắm Công Phượng với Chủ tịch CLB Mito Hollyhock của Nhật Bản. Riêng tiền vệ Xuân Trường cập bến Incheon United ở K-League 1 với bản hợp đồng 2 năm.
Ông bầu phố núi khẳng định, trong 40 năm qua, chưa có một câu lạc bộ bóng đá lớn nào dòm ngó tới lứa cầu thủ trẻ tại VN, nhưng HAGL đã được 3 CLB hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc để mắt tới nên ông quyết tâm cho cả 3 ra đi để trui rèn và tích lũy trận mạc. Thực tế bộ 3 cầu thủ HAGL đã được chuẩn bị rất kỹ từ việc trau dồi ngoại ngữ đến tiếp cận văn hóa của 2 cường quốc bóng đá châu lục này, nhưng tựu trung chưa gặt hái thành công ở chuyến xuất ngoại đầu tiên.
Ở mùa 2016, Công Phượng - Tuấn Anh - Xuân Trường đều chỉ mới tuổi đôi mươi. Họ được trang bị kỹ chiến thuật bài bản và tư duy năng động từ châu Âu. Tuy nhiên, như Công Phượng từng thừa nhận, chơi bóng ở Nhật Bản phải giàu thể lực, nhưng các tài năng trẻ của chúng ta đều chung một điểm yếu - sức mạnh và sức bền kém hẳn những cầu thủ Đông Bắc Á cực to và khỏe. Đáng tiếc cho Công Phượng khi anh đến Mito Hollyhock với cái vai bị gãy phải ngồi ngoài nhiều tháng trời. Tuấn Anh không ăn uống được sau khi hậu vệ Iraq giật chỏ làm lung lay 5 cái răng và xuống sức, dẫn đến chấn thương sau đó. Xuân Trường cũng bị quá tải khi áp ngay vào cường độ tập luyện cực nặng ở K-League.
Hành trình đưa cầu thủ xuất ngoại của bầu Đức1
Công Phượng trong màu áo Mito Hollyhock Ảnh: Mito Hollyhock FC

Bài học xương máu để trưởng thành

Thật ra khi đó giáo án của HAGL JMG quá chú trọng về tố chất kỹ thuật đầu vào và không để tâm đến thể hình, sức vóc cũng là một yếu tố quan trọng để đứng được ở sân chơi nước ngoài. Cộng thêm việc Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chỉ mới được thử sức đúng 1 mùa đỉnh cao V-League tại VN nên họ vẫn chưa hoàn thiện mọi yếu tố cần thiết để chơi ở 2 giải đấu hàng đầu châu Á thường xuyên xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu. Chính những hạn chế này, cộng thêm định kiến về trình độ cầu thủ VN thể hiện qua các kết quả lẹt đẹt của đội tuyển quốc gia khiến Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường dù được đánh giá rất cao về tiềm năng nhưng rất khó chen chân vào đội hình chính. Công Phượng và Tuấn Anh sau đó đã về lại VN để phục vụ SEA Games 2017. Xuân Trường khi hết hợp đồng với Incheon United và Gangwon FC cũng trở về đeo băng đội trưởng HAGL.
Không thành công trong bước 1, nhưng đó là trải nghiệm quý giá để rút ra những kinh nghiệm xương máu. Bầu Đức sau khi tiếp nhận trở lại 3 trụ cột này vẫn khẳng khái cho biết: “Con đường để bóng đá VN tiến bộ không thể là con đường nào khác ngoài việc phải để cho cầu thủ xuất ngoại sang những giải đấu hàng đầu châu Á, từ đó sẽ giúp nâng tầm cho đội tuyển VN và hình ảnh bóng đá VN. Vì mục tiêu này, HAGL chấp nhận không so đo thành tích ở V-League trong nhiều năm, dám mạnh tay làm điều chưa hề có tiền lệ là sẵn sàng tạo điều kiện cho các tài năng của mình ra nước ngoài thi đấu, học hỏi.
Nhiều người cũng thấy sau bộ ba Tuấn Anh - Công Phượng - Xuân Trường, HAGL còn âm thầm đưa Nguyễn Hữu Anh Tài hay Lê Đức Lương đến Hàn Quốc một thời gian ngắn. Qua những chuyến xuất ngoại đó, chúng tôi rút ra bài học để cầu thủ HAGL nói riêng và những cầu thủ khác của VN đứng vững trên đôi chân của mình ở các giải như K-League hay J-League thì bắt buộc họ phải khẳng định hùng hồn giá trị của mình và cùng đội tuyển VN phải có thành tích tầm châu lục. Muốn vậy, cần phải có HLV giỏi để tạo nên những đột phá làm nên những thay đổi này. Do vậy tôi đã quyết tâm tìm người thầy đáp ứng được điều đó. Chính là ông Park Hang-seo”.
Câu chuyện tiếp theo thì người hâm mộ VN đã biết. Thầy Park được bầu Đức và VFF mời về cuối năm 2017. Và chỉ trong vòng 1 năm qua, ông đã thổi luồng sinh khí mới, khai phá tiềm năng của cầu thủ trẻ VN, gầy dựng sức mạnh đầy năng động, tự tin cho bóng đá VN, mang lại cái nhìn ngưỡng mộ của cả châu lục với tuyển thủ VN và đội tuyển VN. Từ đây đã là bước bản lề cực kỳ quan trọng, tạo nên giá trị thương hiệu vững chắc với vị thế khác hẳn cho bóng đá VN khi xuất ngoại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.