Khi cầu thủ phá đội bóng - Kỳ 8: Chuyên gia Trần Duy Long: “Giới chủ giờ nghe cầu thủ hơn”

08/09/2010 09:10 GMT+7

Nếu như HLV Đặng Trần Chỉnh bị cầu thủ đá mất ghế trong mùa bóng này, ông Nguyễn Văn Vinh từng bị các học trò “lật kèo” cách nay khoảng chục năm thì ông Trần Duy Long lại là người đứng ngoài cuộc hoàn toàn trong những lần “binh biến” ấy. Mà thường thì lời của người ngoài cuộc bao giờ cũng khách quan…

Ông Trần Duy Long rất hiểu bóng đá Việt Nam - Ảnh: B.D

Nếu như HLV Đặng Trần Chỉnh bị cầu thủ đá mất ghế trong mùa bóng này, ông Nguyễn Văn Vinh từng bị các học trò “lật kèo” cách nay khoảng chục năm thì ông Trần Duy Long lại là người đứng ngoài cuộc hoàn toàn trong những lần “binh biến” ấy. Mà thường thì lời của người ngoài cuộc bao giờ cũng khách quan…

Mùa giải 2010 là mùa giải mà người ta chứng kiến quá nhiều HLV bị mất việc, theo ông thì nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu?

Có nhiều nguyên nhân, chuyện người ta thay tướng nhiều ở CLB TP.HCM mang một tính chất khác, ở V.Ninh Bình mang tính chất khác và ở B.Bình Dương lại mang một màu sắc khác… Ở đây, họ giống nhau là thay HLV rất nhiều, mất ổn định từ những lần thay tướng triền miên ấy, nhưng nguyên nhân dẫn đến chuyện thay tướng liên tục thì không giống nhau.

Vậy ở đâu người ta thay tướng vì chiều cầu thủ, bỏ HLV?

Ở B.Bình Dương là rõ nhất. Tính chất việc thay tướng nhiều ở B.Bình Dương khác xa tính chất của việc thay tướng ở CLB TP.HCM. Ở đội bóng thành phố, cầu thủ không lũng đoạn đội bóng, nhưng ở B.Bình Dương, đôi khi tiếng nói của cầu thủ còn to hơn tiếng nói của những người làm chuyên môn.

Nhưng tại sao lại có hiện tượng tiếng nói của cầu thủ to hơn tiếng nói của HLV, vì về lý thuyết HLV mới là người có quyết định cao nhất về chuyên môn?

… một số ông chủ CLB sợ đội bóng mình sẽ sa sút nếu cầu thủ không chịu đá, họ muốn danh hão, nên họ chiều các cầu thủ, cốt chỉ là để cầu thủ chịu đá.” _Trần Duy Long
Vì một số ông chủ CLB sợ đội bóng mình sẽ sa sút nếu cầu thủ không chịu đá, họ muốn danh hão, nên họ chiều các cầu thủ, cốt chỉ là để cầu thủ chịu đá. Vì thế, khi có xung đột giữa cầu thủ và HLV, vài lãnh đạo CLB chọn cách hy sinh HLV, giữ lại cầu thủ. Mà phàm là một tập thể nhiều người thì xung đột là điều khó tránh khỏi.

Khoảng chục năm trước, khi HLV Nguyễn Văn Vinh bị văng khỏi CA TP.HCM vì cái gọi là “quyền lực đen”, dư luận phản ứng khá mạnh. Giờ, dường như người ta không còn phản ứng mạnh với những hiện tượng tương tự như thế nữa, theo ông nguyên nhân do đâu?

Do bây giờ người ta nhìn thấy cảnh ấy nhiều rồi. Chục năm trước, đấy là hiện tượng thuộc vào loại hiếm. Nhưng chục năm sau thì những HLV có số phận tương tự như số phận của ông Vinh không hiếm. Nhiều cầu thủ bây giờ sẵn sàng làm ngược lại chỉ thị của thầy, sẵn sàng không cố gắng hết mình bất chấp những đồng đội xung quanh, đấy chẳng phải là chuyện nhỏ, nhưng vấn đề là một vài người lại xem đấy là chuyện bình thường. Rồi từ chuyện họ xem việc ấy là bình thường, họ càng sử dụng chiêu ấy nhiều hơn, dẫn đến chuyện nhiều HLV cứ rơi rụng vì tư tưởng không thích đá theo ý HLV của họ.

Vấn đề ở đây là các ông chủ nhìn nhận việc đó như thế nào?

Trong những năm gần đây, có hiện tượng cầu thủ sau khi quậy tưng ở đội này, ngay lập tức lại được đội khác săn đón, thậm chí còn săn đón với mức đãi ngộ cao. Điều ấy càng khiến cho họ càng có cơ sở để quậy.

Ngay cả cách làm bóng đá của một vài ông chủ CLB cũng theo kiểu tức nhau tiếng gáy. Tức là người nọ sẵn sàng lôi kéo quân của người kia bằng mọi cách, mọi giá. Thế nên, họ sẵn sàng trải thảm đỏ để đón người vừa gây chuyện ở nơi khác về. Mà những ông chủ CLB càng làm thế, thì chẳng khác nào khuyến khích những cầu thủ đã quậy có cơ sở để quậy tiếp. Nếu cầu thủ khi gây sự ở CLB này, đá thầy ở CLB này, mà có nguy cơ mất việc, có nguy cơ không được đội khác nhận vì thành tích bất hảo của họ, họ có dám làm không?

Xin cám ơn ông!

Đôi nét về ông Trần Duy Long

Năm 1971, khi mới 30 tuổi, ông Trần Duy Long đã là HLV trưởng của đội Trường Huấn Luyện – đội bóng mạnh nhất Việt Nam thời bấy giờ, là thầy của rất nhiều HLV tên tuổi bây giờ như Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính, Mai Đức Chung, Hoàng Gia…

Ngày 7.11.1976, ông Long lãnh sứ mệnh lịch sử: HLV trưởng đội Tổng cục Đường Sắt đá trận đấu đầu tiên kể từ sau ngày đất nước Thống Nhất với một đội bóng miền Nam là Cảng Sài Gòn (do Phạm Huỳnh Tam Lang làm HLV, cùng các cựu danh thủ như Lưu Kim Hoàng, Tư Lê, Dương Văn Thà…) trên sân Thống Nhất. Trận ấy Tổng cục Đường sắt do ông Long dẫn dắt thắng 2-0, bằng các bàn thắng của Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải.

Năm 1984, nhận lời mời của nguyên Giám đốc Sở TDTT TP.HCM Lê Bửu, ông Long vào TP.HCM định cư, bắt đầu mối lương duyên với bóng đá thành phố.

Năm 1996, sau khi HLV Wiegang bất ngờ rút lui khỏi ĐTQG Việt Nam, ông Long nhận lời dẫn dắt đội tuyển, tham gia vòng loại World Cup 1998. Nhưng cũng sau lần ấy, ông Long chính thức tuyên bố vĩnh viễn chia tay với sự nghiệp HLV đỉnh cao.

Tung Sơn
(thực hiện)

Kỳ tới: HLV Đoàn Minh Xương: Không HLV nào ở Việt Nam chưa bị cầu thủ “đá”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.