Khủng hoảng bóng đá Sài Gòn

07/05/2010 00:25 GMT+7

Từ một trung tâm hàng đầu của cả nước với nhiều đội mạnh, bóng đá Sài Gòn hiện nay đang chìm trong khủng hoảng khi 2 CLB Navibank Sài Gòn và CLB TP.HCM thua tan tác và gần như rơi tự do ở các giải đấu quốc gia, khiến người hâm mộ mất niềm tin quá lớn.

Nỗi buồn của thủ môn Khoa Điền sau khi CLB TP.HCM thua tan nát Hà Nội ACB - Ảnh: Nhô Nguyễn

Từ một trung tâm hàng đầu của cả nước với nhiều đội mạnh, bóng đá Sài Gòn hiện nay đang chìm trong khủng hoảng khi 2 CLB Navibank Sài Gòn và CLB TP.HCM thua tan tác và gần như rơi tự do ở các giải đấu quốc gia, khiến người hâm mộ mất niềm tin quá lớn.

Quá khứ vàng son

Sau khi đất nước thống nhất, bóng đá Sài Gòn - TP.HCM được xem là cái nôi của bóng đá cả nước với 4 đại diện hàng đầu gồm Cảng Sài Gòn, Hải quan, Sở Công nghiệp, Lương thực thực phẩm làm mưa làm gió trong nhiều giải đấu quốc gia và thành tích luôn sánh ngang với những tượng đài phía Bắc như Thể Công, Công an Hà Nội, Tổng Cục Đường sắt.

Đến cuối thập niên 80 xuất hiện thêm đội Công an TP.HCM cũng chơi thăng hoa không kém. Thời đó, người Sài Gòn rất tự hào về những đứa con cưng của mình khi họ ra sân rất tâm huyết, luôn cống hiến hết mình để mang về niềm vui và vinh quang cho bóng đá thành phố. Những cái tên như Tam Lang, Tư Lê, Võ Thành Sơn, Dương Văn Thà, Hồ Thanh Cang, rồi Kim Hằng, Minh “nhí”, Lưu Tấn Liêm, Đặng Trần Chỉnh, Trương Văn Dưỡng, Võ Hoàng Bửu, Lư Đình Tuấn; hay sau này là Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Đỗ Khải... đã đi vào lòng người bằng tài hoa và sự nỗ lực không mệt mỏi. Lúc đó, bóng đá thành phố cũng có hệ thống đào tạo chân rết tốt với trường năng khiếu liên tục cung cấp nhiều tài năng rồi các tuyến đào tạo quận huyện, trường học rất được chăm chút, hình thành nên một đội ngũ kế thừa sẵn sàng bổ sung những thế hệ cầu thủ mới tiếp nối truyền thống.

Đến đầu thế kỷ này, một vài khó khăn chung về kinh tế, về cách đào tạo cũng như nuôi dưỡng tài năng cho bóng đá thành phố bắt đầu xuất hiện. Cảng Sài Gòn là đội bóng duy nhất đến thời điểm đó vẫn còn giữ được cái tên lẫy lừng của mình, nhưng trong vòng xoáy chung buộc phải ghép tên với Thép Miền Nam để tồn tại. Dù vậy, họ vẫn được vòng tay người hâm mộ thành phố bảo bọc, thương yêu và bản thân đội dù xuống hạng năm 2003, nhưng đã biết cách gượng dậy để chỉ 2 năm sau lên hạng trở lại. Chính điều đó đã giữ được cho hình ảnh bóng đá Sài Gòn luôn không nhạt phai.

Tuột dốc

Thế nhưng, tất cả đã bắt đầu suy sụp từ sự kiện đội Ngân hàng Đông Á Thép Pomina dính líu vào tiêu cực do hối lộ trọng tài năm 2005 khiến cho bóng đá Sài Gòn vốn hào hoa đã trở nên dính bẩn, rồi bắt đầu những chuỗi ngày đi xuống thực sự do nhiều tài năng nối nhau ra đi. Từ Lê Huỳnh Đức, Giang Thành Thông về Đà Nẵng, Minh Phương, Việt Thắng về ĐTLA đến một loạt các trụ cột khác như Hữu Thắng, Quang Thanh, Phùng Công Minh, Hoàng Vương, Minh Chuyên về Bình Dương chỉ vì lý do bóng đá Sài Gòn không có một cơ chế và chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Bản thân TMN-CSG cũng không đủ sức giữ được các trụ cột do một phần sự đầu tư cũng chưa mạnh mẽ, phần khác không có những người thực sự biết làm bóng đá để lèo lái con thuyền, nên dần dần lối đá mất lửa, đội hình thiếu chiều sâu, quản lý lỏng lẻo và sau khi đổi tên thành CLB TP.HCM với hy vọng đổi vận nhưng rồi cuối cùng cũng xuống hạng.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sa sút của bóng đá Sài Gòn trước hết chính là sự thiếu quan tâm và có những động thái quyết liệt từ những người có trách nhiệm, cụ thể là từ Sở VH-TT-DL, LĐBĐ TP.HCM. Cho đến giờ vai trò của bộ môn bóng đá của Sở là rất mờ nhạt, còn LĐBĐ TP.HCM cũng không có những con người theo kịp sự vận hành của bóng đá chuyên nghiệp, nên cách làm vẫn còn mang tính đối phó, đụng đâu chữa cháy ở đó. Không hiểu vì năng lực hay vì lý do gì, Sở VH-TT-DL đã đánh mất vai trò thuyền trưởng của mình trong việc đào tạo tuyến trẻ, không tham mưu được với lãnh đạo thành phố có những định hướng kịp thời để xốc tinh thần cũng như củng cố mạnh mẽ lực lượng và niềm tin cho các đội bóng thành phố, nhiều lúc rất chậm chạp và giống như thả nổi cho phong trào và cho các đội bóng tự bơi. Còn LĐBĐ TP.HCM dù luôn biết phải gắn với các đội để xây dựng và tìm hướng ra, nhưng cách làm còn rất nóng vội nên chọn hướng đầu tư chưa thỏa đáng, còn đốt cháy giai đoạn, như trường hợp Navibank Sài Gòn. Thế nên, bóng đá Sài Gòn đã chìm dần trong mắt người hâm mộ. 

Xây nhà từ nóc

Trước đây, bóng đá Sài Gòn được coi là vùng đất đầy tiềm năng, có những con người rất giỏi, rất năng động, đầy nhiệt huyết, ra sân là chỉ nghĩ làm sao chiến thắng, làm sao vừa chơi đẹp mà vừa hiệu quả, tạo nên hơi thở mạnh mẽ mang vinh quang về cho bóng đá thành phố. Khi đó bóng đá thành phố có nguồn nhân lực dồi dào, có cơ sở vật chất dành cho bóng đá khá mạnh, có đội ngũ HLV và những người quản lý hết lòng vì cái chung, có hệ thống đào tạo năng khiếu từ năng khiếu ban đầu, năng khiếu trọng điểm, năng khiếu bán tập trung, rồi tập trung rất lớp lang, rất quy củ, rất có chiều sâu nên cầu thủ đào tạo ra rất có chất lượng, vào sân là đứng được ngay và luôn biết cách thể hiện lối đá đẹp, chinh phục tình cảm khán giả thành phố và cả nước.

Khi làn gió bóng đá chuyên nghiệp bắt đầu xuất hiện thì chính bóng đá Sài Gòn đi trước lại về sau. Không phải những người có trách nhiệm không thức thời, không hiểu sự vận hành của hệ thống bóng đá chuyên nghiệp, nhất là khi chủ trương xã hội hóa của Chính phủ như chắp cánh cho các doanh nghiệp bắt đầu nhảy vào. Nhưng do cơ chế chồng chéo, chưa có sự phân định rạch ròi chức năng và quyền hạn, chưa cho thấy rõ ai là người quản lý, định hướng bóng đá Sài Gòn, nói cách khác là thiếu người cầm chịch, nên cách làm còn rất lúng túng, đôi lúc bị động. Sự tan rã của hệ thống đào tạo trẻ không hẳn do gia đình VĐV không muốn cho con em theo học bóng đá nữa mà chính do chúng ta chưa xây dựng được hệ thống bóng đá cộng đồng để khuyến khích một sân chơi mới, từ đó phát hiện tài năng. Như ở CLB Benfica, đào tạo trẻ chính là việc tận dụng tốt những giờ ngoại khóa và chỉ những cầu thủ có văn hóa tốt, học giỏi mới được nhận vào học viện này. Trong khi đó, bóng đá Sài Gòn đã đánh mất việc chăm chút nguồn nhân lực tại chỗ, để lộ ra khoảng trống quá lớn làm hỏng sân sau, nên các đội như CLB TP.HCM, Navibank Sài Gòn thiếu tuyến kế thừa, phải chạy vạy tìm cầu thủ khắp nơi và cứ nhặt cho có nên càng đá càng xuống dốc.

Một điều rất lạ là gần đây bóng đá Sài Gòn có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia làm bóng đá trẻ. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư tuyến trẻ phi lợi nhuận với mục đích là vì sự say mê và mong muốn góp phần gầy dựng lại hình ảnh tương lai cho bóng đá thành phố. Chẳng hạn như Scavi Rochetaeu, PVF và sắp tới đây là Học viện Sài Gòn Gia Định - Benfica. Nhưng sự quan tâm từ những người có trách nhiệm với các trung tâm này rất hững hờ, thiếu sự động viên khích lệ. Lẽ ra đó là nền tảng cùng với việc củng cố lại trường nghiệp vụ, chấp nhận mất vài năm để làm lại cho bài bản, lớp lang thì bóng đá Sài Gòn mới trở lại vị trí hàng đầu trước đây. Chứ như hiện nay, bóng đá Sài Gòn vẫn đang xây nhà từ nóc, khi thất bại thì hô hào “Hội nghị Diên Hồng” để lấy ý kiến, nhưng cuối cùng cũng đâu lại vào đó, bỏ ngoài tai những góp ý chân thành mà chỉ chạy theo những cách làm vụn vặt, nên không giải quyết được cái gốc của sự sa sút và tiếp tục làm cho người hâm mộ thêm mệt mỏi.

HLV Vũ Tiến Thành
(TGĐ CT thể thao Sài Gòn Gia Định)

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.