Lây lất trung tâm bóng đá trẻ

09/01/2010 01:11 GMT+7

Đào tạo lực lượng kế thừa luôn là nhu cầu bức thiết của bất cứ hoạt động thể thao nào. Từ hơn 5 năm qua, trong quá trình hội nhập và từng bước khẳng định chất lượng của nền bóng đá quốc gia, vấn đề đào tạo trẻ ngày càng được quan tâm hơn. Bên cạnh các lò của Sông Lam Nghệ An, Thể Công, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Nam Định... đã xuất hiện nhiều trung tâm đào tạo của tư nhân hoặc theo hình thức liên kết đầu tư, đem lại hy vọng lớn cho người hâm mộ về tương lai của bóng đá VN. Tuy nhiên, sau vài năm, những hy vọng đã dần phai nhạt...

Một buổi tập của học viên Scavi Rocheteau - Ảnh: Khả Hòa

Đào tạo lực lượng kế thừa luôn là nhu cầu bức thiết của bất cứ hoạt động thể thao nào. Từ hơn 5 năm qua, trong quá trình hội nhập và từng bước khẳng định chất lượng của nền bóng đá quốc gia, vấn đề đào tạo trẻ ngày càng được quan tâm hơn. Bên cạnh các lò của Sông Lam Nghệ An, Thể Công, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Nam Định... đã xuất hiện nhiều trung tâm đào tạo của tư nhân hoặc theo hình thức liên kết đầu tư, đem lại hy vọng lớn cho người hâm mộ về tương lai của bóng đá VN. Tuy nhiên, sau vài năm, những hy vọng đã dần phai nhạt...

Nỗi buồn Scavi Rocheteau

3 năm trước, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Scavi Rocheteau tưng bừng ra mắt tại Thành Long. Người dân TP.HCM vui mừng trước viễn cảnh hàng loạt tài năng trẻ sẽ ra đời từ lò đào tạo mang tên cựu danh thủ bóng đá Pháp Dominic Rocheteau.

Làn gió mới...

Sau Học viện HAGL Arsenal JMG - lò đào tạo bóng đá trẻ ở Pleiku với sự tham gia của nước ngoài, Trung tâm Scavi Rocheteau cũng nhanh chóng hình thành tại TP.HCM.

Với 55% vốn của Scavi, 15% của LĐBĐ TP.HCM và 30% vốn của Công ty Rocheteau, liên doanh này tỏ ra gắn kết. Sự hiện diện của cựu danh thủ Dominic Rocheteau (từng vô địch Euro 1984, hạng ba World Cup 1982 và 1986) trong liên doanh này đã thu hút sự chú ý của dư luận.  Ông Rocheteau - bằng kinh nghiệm cũng như quan hệ của mình với FIFA và UEFA (ông là Trưởng ban đạo đức của FIFA và là bạn thân của đương kim Chủ tịch UEFA Michel Platini) - chính là đảm bảo bằng vàng cho trung tâm đào tạo này. Bên cạnh đó, LĐBĐ TP.HCM cũng rất nhiệt thành khi tham gia công tác tổ chức, tuyển chọn đầu vào, bố trí học văn hóa, sắp xếp đội ngũ HLV trong nước để hỗ trợ chuyên gia người Pháp Henry Tamanink.

Ngày trung tâm tuyển sinh, có rất đông cầu thủ nhí từ 13-14 tuổi tại TP.HCM và nhiều địa phương khác tham gia. Rất nhanh chóng, những chuyên gia đến từ trung tâm đào tạo nổi tiếng Clairefontain đã chọn được 32 em có tố chất tốt về kỹ, chiến thuật. 32 học viên may mắn này đã trở thành niềm tự hào cho gia đình và là niềm mơ ước cho biết bao em còn lại. Trong buổi khai giảng và ra mắt, một không khí vui vẻ, hồ hởi chưa từng có diễn ra tại Thành Long. Nếu so với mô hình đào tạo trước đây của TP.HCM thì việc tham gia của tư nhân - đặc biệt là sự có mặt của các chuyên gia nước ngoài - đã đem lại một làn gió mới trong công tác đào tạo tài năng bóng đá trẻ.

Lúc đó chỉ có vài phụ huynh đắn đo về vấn đề phí bồi thường.  Theo đó, trung tâm đưa ra hợp đồng như tại các nước châu Âu, trong đó có điều khoản nếu cầu thủ được đào tạo mà đơn phương chấm dứt hợp đồng một cách không rõ ràng sẽ phải bồi thường đến... 75 tỉ đồng cho 10 năm đào tạo! Thực chất đó là cách để đảm bảo nguồn nhân lực do trung tâm đào tạo không bị “bốc hơi” trước sự săn lùng của nhà tuyển trạch các câu lạc bộ.

...tắt dần

Năm đầu tiên, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Scavi Rocheteau duy trì các hoạt động rất nhịp nhàng. Sáng các cầu thủ học văn hóa tại trường THPT Nam Mỹ, chiều tập bóng đá tại sân Thành Long. Do các học viên ăn ở tập trung nên mọi sinh hoạt cũng thuận lợi. LĐBĐ TP.HCM luôn cử người xuống tham gia trực tiếp hoặc cố vấn cùng ban quản lý trung tâm để theo sát quy trình đào tạo, nếu có gì bất cập sẽ khắc phục ngay. Thậm chí các HLV Trần Duy Long, Tam Lang được mời thỉnh giảng cũng thường xuyên góp ý trao đổi kinh nghiệm với các học viên, rồi các trợ lý HLV như Huỳnh Anh Tuấn, Phạm Thái Vinh và hiện nay thêm HLV thủ môn Nguyễn Văn Đông đều rất năng nổ, bám sát học viên. Tất cả đều mong muốn góp phần tạo ra một lực lượng kế thừa tài năng cho bóng đá TP.HCM.

Thế nhưng sau khi LĐBĐ TP.HCM thay đổi nhân sự với việc ông Trần Văn Mui - người rất tích cực tham gia xây dựng trung tâm đào tạo trẻ này - không còn đảm đương chức vụ Tổng thư ký, lập tức đã có những thay đổi.  Nhiều ý kiến trong giới chức quản lý bóng đá TP.HCM đề nghị đánh giá lại mô hình đào tạo này cũng như xem xét quy trình hợp tác. Theo đó, đây là trung tâm tuyển đầu vào mà không trả phí cho những phát hiện từ các quận huyện; hay bộ máy của Scavi Rocheteau còn nhập nhằng khi vai trò của LĐBĐ TP.HCM còn mờ nhạt; LĐBĐ TP.HCM đầu tư công sức tiền bạc vào trung tâm nhưng sau này liệu có bao nhiêu phần trăm quyền quyết định trong việc chuyển nhượng...

Hoạt động của LĐBĐ TP.HCM cứ dần “co” lại khiến cho Trung tâm Đào tạo Scavi Rocheteau rơi vào tình cảnh hỏng chân vì thiếu sự quan tâm của các cấp có trách nhiệm. Một vài phụ huynh đã không cho con em mình tiếp tục theo học vì theo họ, nếu không được LĐBĐ TP.HCM hậu thuẫn thì tương lai của Scavi Rocheteau sẽ rất bấp bênh. Thế là từ 32 cầu thủ ban đầu, dù trung tâm đã cố tìm thêm nguồn từ địa phương khác bổ sung nhưng cũng chỉ còn trên dưới 20 em còn trụ lại. Năm 2009, trung tâm cũng không tổ chức được tuyển sinh đợt 2 (theo dự kiến là 2 năm tuyển sinh một lần). Một phần vì thiếu nguồn cầu thủ cung cấp từ quận huyện, mà tổ chức tuyển sinh rộng rãi thì trung tâm chưa có đủ nhân lực và kinh nghiệm.

Hiện tại LĐBĐ TP.HCM vẫn cử một vài quan chức của mình tham gia vì vẫn còn 15% vốn trong trung tâm này, nhưng dường như chỉ có mặt chiếu lệ và mọi việc khoán hết cho trung tâm tự lo. Phó chủ tịch LĐ Trần Duy Long còn nói: “Bây giờ LĐ phải tính đến nhiều mô hình khác xem chỗ nào tốt thì khuyến khích đầu tư, chứ không nhất thiết chỉ là Scavi”. Scavi Rochetaeau hiện như đứa con bị (LĐBĐ TP.HCM) từ chối; niềm hy vọng, làn gió mới ngày nào đã gần tắt lịm với giấc mơ trở lại bóng đá đỉnh cao của người hâm mộ Sài Gòn...

* Ông Trần Văn Mui (nguyên Tổng thư ký LĐBĐ TP.HCM): “Scavi Rocheteau là một mô hình đào tạo mang tính xã hội hóa thiết thực nhằm hỗ trợ tạo nguồn cầu thủ tài năng kế thừa cho TP.HCM. Họ đã không tiếc tiền của cũng như công sức khi đầu tư mỗi năm hơn 200.000 USD góp phần vực dậy bóng đá TP; hâm nóng bầu không khí bóng đá qua việc mời các cựu danh thủ Pháp sang thi đấu, tổ chức nhiều cuộc giao lưu để kích thích lòng yêu nghề và khát vọng của cầu thủ trẻ. Một trung tâm như thế là rất cần được những người có trách nhiệm kiên trì hỗ trợ. Nếu đánh giá rằng cách đào tạo của trung tâm Scavi là không hiệu quả thì nên cùng nhau ngồi lại phân tích giúp đỡ và hợp tác tốt để trung tâm ngày càng mạnh hơn, chứ không thể ngoảnh mặt để họ “tự bơi”.

* Ông Trần Duy Long (Phó chủ tịch LĐBĐ TP.HCM): “Tôi là người được phân công theo dõi hoạt động của Scavi Rocheteau. Về chuyên môn chúng tôi không thể tham gia sâu vì trung tâm có HLV nước ngoài và cách huấn luyện cũng theo một giáo án riêng. Mỗi năm LĐBĐ TP.HCM rót 50 triệu đồng mang tính hỗ trợ. Nhưng mô hình này chỉ là một cách đào tạo. Bây giờ LĐ phải tính đến nhiều mô hình khác xem chỗ nào tốt thì khuyến khích đầu tư, chứ không nhất thiết chỉ là Scavi”.

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.