Lây lất trung tâm bóng đá trẻ: Đào tạo nghiệp dư để đá… chuyên nghiệp?!

11/01/2010 23:48 GMT+7

Từng là nơi sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá, nhưng hiện nay, Hải Phòng đã vắng bóng trên tất cả các giải đấu thuộc tuyến trẻ hay Olympic. Đó là một hiện thực khá phũ phàng.

Các cầu thủ trẻ tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn - Ảnh: P.H.S - A.T

Từng là nơi sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá, nhưng hiện nay, Hải Phòng đã vắng bóng trên tất cả các giải đấu thuộc tuyến trẻ hay Olympic.  Đó là một hiện thực khá phũ phàng.

Không có tiền đá giải U.19!

Khá bất ngờ khi một địa phương “máu” bóng đá như Hải Phòng mà lại không có tiền để đưa đội trẻ của mình đi thi đấu giải U.19 toàn quốc sắp tới. Nhìn vào ngân sách rót cho trung tâm bóng đá trẻ Hải Phòng hằng năm, những ai quan tâm đều cảm thấy ngán ngẩm khi chỉ xấp xỉ 1,7 tỉ đồng. Đó là nguồn kinh phí trọn gói cho việc duy trì cả một bộ máy gồm các HLV, VĐV, các đơn vị hành chính... Trong đó hiện nay, trung tâm bóng đá đang có 2 đội ăn ở tập trung là U.15 và U.17. Riêng tiền ăn cho các VĐV theo tiêu chuẩn hiện nay là 55.000đ/người/ngày đã ngốn hết khoảng 60 triệu đồng/tháng, chưa tính đến các khoản chi phí phụ khác như quần áo thi đấu, nước uống khi tập luyện...

Ngoài ra, mỗi khi đi thi đấu các giải lại là một mối lo lớn. Ngày 20.1 tới, đội U.17 của trung tâm tham gia giải U.19 nhưng hiện nay theo một lãnh đạo trung tâm thì cả trung tâm vẫn đang xoay xở tìm kinh phí để cho đội lên đường. Không tham gia các giải đấu thì cầu thủ không được cọ xát nhưng nếu tham gia thì kinh phí luôn là vấn đề hóc búa. Ngoài hai đội bóng trên thì trung tâm cũng có hai đội U.11 và U.13 nhưng chỉ dám tập trung theo thời vụ, bởi không có đủ ngân sách cũng như cơ sở vật chất đáp ứng cho yêu cầu ăn, ở tập trung.

Sau 10 năm thành lập, đến nay trung tâm vẫn chưa có tiêu chuẩn biên chế cho VĐV theo chế độ. Các cầu thủ tập trung thì chi phí do trung tâm tự điều tiết trong khoản tiền được cấp hằng năm. Nói ngắn gọn là nếu như học trò tập trung thì phần tiền dành cho các thầy cũng phải thu hẹp lại để phục vụ công tác đào tạo.

Tập giày ba ta, đá trên sân cát

Khó khăn về chế độ cũng như nguồn ngân sách còn có hướng khắc phục. Nhưng khó khăn về cơ sở vật chất thì quả là một bài toán hóc búa đối với những người làm công tác đào tạo bóng đá trẻ Hải Phòng. Cả thành phố Hải Phòng có mỗi SVĐ Lạch Tray thì đã giao cho CLB Xi măng Hải Phòng quản lý và các cầu thủ trẻ có mơ đỏ con mắt cũng không thể được đạp chân trên thảm cỏ này. Trong khi đó, Trung tâm bóng đá Hải Phòng chỉ có SVĐ Cảng và một sân tại khu liên hợp thể thao để phục vụ công tác đào tạo. Sân Cảng thì toàn cát không có cỏ và cũng không đủ tiêu chuẩn vì quá nhỏ. Các cầu thủ phải tập bằng giày ba ta chứ không phải giày đinh như khi thi đấu. Sân tập ở khu liên hợp thể thao thì toàn cỏ chùm, diện tích nhỏ, mặt sân rất cứng và không được bảo dưỡng thường xuyên nên rất dễ xảy ra chấn thương đối với các cầu thủ.  Do cỏ chùm, sân cứng nên bóng thường xuyên đánh lừa người tập làm ảnh hưởng không nhỏ đến những yếu tố về kỹ thuật cơ bản.

Nói chung, đến thời điểm này các cầu thủ bóng đá trẻ không có nổi một sân tập tiêu chuẩn để rèn luyện. Hệ quả của việc tập với giày ba ta, thi đấu bằng giày đinh là nhiều năm nay các đội bóng đá trẻ của Hải Phòng chưa một lần giành thành tích cao ở các giải toàn quốc. Bởi họ luôn bị ngợp khi ra sân tiêu chuẩn để thi đấu. Trung tâm đã có đề xuất xin được cải tạo lại hệ thống sân bãi phục vụ công tác đào tạo nhưng chẳng hiểu sao dự án đó vẫn chìm trong im lặng.

Từ nhiều năm nay, bóng đá trẻ Hải Phòng mất sự hệ thống trong đào tạo. Sự phối hợp giữa đào tạo trẻ và đội 1 không liền mạch đã tạo ra những khoảng trống trong cả hệ thống. Chính những hợp đồng theo kiểu thời vụ khi bàn giao đội 1 cho các doanh nghiệp trong thời gian quá ngắn đã khiến họ không tập trung đầu tư vào đào tạo trẻ mà chỉ vung tiền để làm mới đội chuyên nghiệp, chẳng hạn như XMHP tìm cách mua về nhiều cầu thủ từ các CLB khác trong khi cầu thủ trẻ tại chỗ thì đẩy đi gần hết và cũng không đầu tư mạnh cho lớp trẻ. Chính điều này khiến hệ thống đào tạo trẻ của Hải Phòng đang có chiều hướng bị ngắt quãng bởi những khoảng trống. Ai cũng biết làm bóng đá trẻ cần ít nhất là 5 năm thậm chí 10 năm mới có thể gặt hái thành quả, nhưng với kiểu quan tâm và đào tạo quá nghiệp dư này làm sao bóng đá Hải Phòng đủ mạnh để lên chuyên nghiệp.

 
Hoạt động của trung tâm đào tạo trẻ hiện rất khó khăn do cơ chế. Không có chỉ tiêu đào tạo nên việc đào tạo tập trung là rất khó khăn. Trung tâm đào tạo các VĐV từ 9 đến 10 tuổi nhưng do kinh phí không có nên các cháu bỏ đi. Không có kinh phí, thiếu sự quan tâm của các cấp, trung tâm luôn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Muốn phát triển cũng thật khó. (Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm bóng đá trẻ Hải Phòng)

 
Các em quá thiệt thòi, không có sân bãi, không có cơ chế, điều kiện ăn ở không được tốt, nhiều năm trước trung tâm không thể đào tạo tập trung vì không có chỗ ở. Mấy năm gần đây nhờ có khu liên hợp thể thao mới xây dựng xong nên U.15 và U.17 mới có chỗ ở để đào tạo tập trung. Tuy nhiên, vì ở cùng với nhiều môn khác nên rất phức tạp, khó quản lý. Trong khi bóng đá có đặc thù riêng, phải độc lập. Chưa kể đến sân bãi không có, thậm chí trung tâm đã nhiều lần có công văn đề nghị cho các em được vào sân Lạch Tray để tập cũng không được. (Ông
Trần Trung Dũng HLV trưởng U.17 Hải Phòng, cựu tuyển thủ quốc gia)

Phạm Hải Sâm - Anh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.