LĐBĐ TP.HCM học theo mô hình của Hàn Quốc

10/04/2010 09:26 GMT+7

Mới đây, LĐBĐ TP.HCM (HFF) đã có một hướng đi mới dành cho bóng đá học đường, đó là tổ chức các trận đấu lứa tuổi U.13 trong toàn thành phố theo dạng league (tức là đá vòng tròn). Một mô hình tương tự như kiểu làm bóng đá học đường của Hàn Quốc.

Các cầu thủ “nhí” này sẽ có cơ hội thi đấu nhiều hơn - Ảnh: B.D

Mới đây, LĐBĐ TP.HCM (HFF) đã có một hướng đi mới dành cho bóng đá học đường, đó là tổ chức các trận đấu lứa tuổi U.13 trong toàn thành phố theo dạng league (tức là đá vòng tròn). Một mô hình tương tự như kiểu làm bóng đá học đường của Hàn Quốc.

Bóng đá trẻ không thể tách rời học đường

Thật ra đây không phải là vấn đề xa lạ với các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới, vì các nền bóng đá phát triển mạnh đều chú trọng đến công tác phát triển bóng đá ngay trong học đường. Trong chương trình “Tầm nhìn châu Á – Dự án TP.HCM”, mỗi khi các chuyên viên của AFC sang TP.HCM làm việc, họ cũng nhấn mạnh với HFF về vấn đề này. Các chuyên viên AFC cho rằng học đường chính là nơi cung cấp nguồn cầu thủ dồi dào nhất, phát triển đúng hướng nhất cả về nhân cách lẫn chuyên môn. “Thậm chí, khi một cậu học trò không thể theo đuổi nghiệp cầu thủ, cậu ta vẫn có thể trở thành một nhà quản lý bóng đá giỏi nếu như được đào tạo bóng đá từ ngay trong học đường”, các chuyên viên AFC khuyến cáo thế.

Tuy nhiên, bóng đá học đường là khâu những nhà điều hành bóng đá thành phố bỏ lỏng trong nhiều năm qua. TP.HCM có trường Nghiệp vụ TDTT đi theo mô hình này. Trước đây trường Nghiệp vụ từng cho ra lò rất nhiều thế hệ cầu thủ tài năng cho bóng đá thành phố như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Võ Hoàng Bửu… Những người này không chỉ giỏi về chuyên môn mà có phẩm chất đạo đức tốt. Nhưng giờ, do công tác bị bỏ lỏng, nên trường không thể cho ra lò những thế hệ cầu thủ như thế nữa.

Mô hình của bóng đá học đường Hàn Quốc

Phó chủ tịch HHF, ông Trần Duy Long: “Cách nay vài năm, tôi đã xem giải bóng đá học sinh, sinh viên ở Hàn Quốc, các cầu thủ chỉ đá giải những ngày cuối tuần. Riêng ở châu Âu, mô hình này còn có trước đó. Đừng xem nhẹ bóng đá học đường, ban đầu cứ để các em chơi đi cái đã, sau đó những người điều hành, hay bản thân các em sẽ định hướng nghề nghiệp cho mình. Nếu đã tổ chức, chúng ta phải tổ chức thật bài bản, cho các em đá nhiều trận theo dạng giải vô địch mới mong tạo ra sự phát triển đồng bộ”.

Cầu thủ xuất thân là học sinh và sinh viên của bóng đá Hàn Quốc hiện rất nhiều. Để cho ra đời nhiều cầu thủ tài năng từ học đường ấy, người Hàn Quốc làm rất kỹ công tác phát triển bóng đá từ các trường học. Hằng năm, Hàn Quốc đều tổ chức các giải bóng đá học đường các cấp. Các em học sinh được thi đấu rất nhiều, nên chuyên môn của họ chắc chắn cũng tiến bộ.

Phó chủ tịch HFF Trần Duy Long và TTK Dương Vũ Lâm kể có thời họ được xem các học sinh Hàn Quốc thi đấu giải vô địch rất căng, nhiều trận đấu khiến họ rất thích.

Theo mô hình này, giải vô địch học sinh, sinh viên Hàn Quốc chỉ diễn ra vào 2 ngày cuối tuần là thứ bảy và Chủ nhật, y hệt như giải VĐQG, còn những ngày khác các em vẫn học văn hóa.

TP.HCM hẳn chưa thể áp dụng rộng rãi ngay mô hình ấy, nhưng những người làm bóng đá thành phố có thể bắt đầu từ lứa U.13. Sân cỏ nhân tạo trong thành phố hiện nay không thiếu, có thể đáp ứng yêu cầu nhiều đội đá nhiều trận trong 1 – 2 ngày liền.

HFF sẽ bàn với Sở GD-ĐT về vấn đề trên, nếu có thể sẽ cho ra đời giải vô địch học sinh thành phố lứa tuổi U.13 ngay trong năm nay, trước khi nhân rộng ra các lứa tuổi khác.

Cái chính là giúp cho các em làm quen với quả bóng tròn, tạo niềm đam mê với quả bóng, có một môi trường sinh hoạt lành mạnh, trước khi hướng đến những cái đích lớn hơn.

Tung Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.