Lê Công Vinh: 'Tôi không phải kẻ ngậm thìa vàng'

22/10/2017 10:53 GMT+7

Hơn một thập niên qua, cái tên Lê Công Vinh luôn tạo sức hút, cả khen lẫn chê. Nhưng để thực sự hiểu hết được anh sẽ vẫn còn nhiều tranh cãi vì Vinh còn rất trẻ, chỉ mới 32 tuổi nhưng đã đứng ở vị trí mà người khác có thể phải phấn đấu cả đời.

Bóng đá là marketing
Xin chào Công Vinh, quyền Chủ tịch CLB TP.HCM đang chơi tại V-League với ngân quỹ được cho là “100 tỉ một năm, trong 10 năm” nhưng vẫn gây tranh cãi, bị cho là “khéo” quá trong những việc nhỏ nhặt như đứng quầy vé hay làm phòng truyền thống bóng đá TP.HCM. Anh nghĩ sao về những dư luận như vậy?
Tôi còn trẻ, tất nhiên hơi liều lĩnh. Nhưng tôi biết cái gì nên và không nên liều lĩnh, cái gì an toàn hay không. Tôi làm điều tốt nhất cho 2 đối tượng quan trọng nhất của bóng đá là cầu thủ, khán giả và trong tương lai sẽ có nhiều hoạt động tốt hơn phục vụ cho họ. Tại sao một chủ tịch CLB không thể đi bán vé? Ở Nhật Bản đó là chuyện rất bình thường, như vừa rồi Tổng giám đốc công ty xăng dầu Nhật Bản gập người chào khách hàng. Tôi đã đến Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Thái Lan…, đối với họ, bóng đá không chỉ là bóng đá mà là môn chơi giải trí, là marketing. Phải marketing tốt thì nhà tài trợ mới nhiều, khi có tiền rồi ta mới mua được cầu thủ, chất lượng đội hình mới cao được.
Vừa rồi có thông tin rằng anh đã từ chối chức danh Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá VN (VFF)?
Tôi đang có những dự án quan trọng tại CLB TP.HCM và xin không nhắc nhiều đến lời mời làm Tổng thư ký VFF vì chuyện đó cũng đã qua rồi. Bóng đá cho tôi rất nhiều thứ nhưng chưa lấy đi của tôi điều gì cả. Bóng đá đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi, để tôi khẳng định được bản thân, giúp đỡ gia đình và đem đến niềm vui cho người hâm mộ. Tôi gần như không mất gì cả.
Vinh cảm thấy thế nào khi ở tuổi 32 đã là quyền chủ tịch một CLB tại V-League?
Tôi bắt đầu ấp ủ trở thành một nhà quản lý từ năm 2010, sau chấn thương đứt dây chằng đầu gối và nhìn ra mặt trái sau những hào quang của một cầu thủ. Khi sang Bồ Đào Nha chơi bóng tại CLB Leixões SC, tôi quan sát cách các nhà quản lý xây dựng đội bóng, tỉ mỉ nhỏ nhất từ người cắt cỏ, tổ chức họp báo ra sao. Ở Nhật Bản cũng vậy, tôi nhớ từng chi tiết mỗi cuộc họp của họ. Mỗi nền bóng đá có một nét riêng, nhưng đều chuyên nghiệp. Họ không để cầu thủ bận tâm gì cả, chỉ đá bóng thôi. Anh tin đi, CLB TP.HCM sắp tới sẽ có những bước chuyển quan trọng. Trong tháng 12 tới, chúng tôi sẽ công bố những bản hợp đồng khủng và mọi người sẽ dần nhận ra được tham vọng và tầm nhìn của CLB.
Công Vinh (đội SLNA), Vua phá lưới giải U.21 Báo Thanh Niên năm 2003 tại An Giang
Những “cột mốc” đỉnh cao và vực sâu


Tôi không có gì hối tiếc cả
Điều gì khiến Vinh hối tiếc nhất?
Suốt mười mấy năm trời, từ khi bố mẹ chia tay, tôi hối tiếc không còn bữa cơm gia đình ấm áp những ngày tết sum vầy. Sau này khi lớn lên, đủ lông cánh và có gia đình thì tôi không còn hối tiếc nữa.  Gần 5 năm trước, tôi đã hàn gắn được cả bố lẫn dượng, cả dì và mẹ có thể đi lại cùng nhau, ăn cơm cùng nhau. Tôi rất hạnh phúc và không hối tiếc gì nữa.

Nhìn lại chặng đường đã qua, nhiều người bảo rằng Công Vinh giống Lê Huỳnh Đức là mẫu người “ngậm thìa vàng”, sinh ra để làm ngôi sao, làm số 1. Vậy đâu là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh?
Cột mốc đầu tiên trong sự nghiệp của tôi là khi được nhận vào đội Sông Lam Nghệ An (SLNA), ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp để thỏa đam mê với trái bóng, giúp đỡ gia đình đã trở thành hiện thực. Kế là chiến thắng tại AFF Cup 2008, trong một đêm mùa đông trên sân Mỹ Đình mà đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn lâng lâng. Bàn thắng vào lưới Thái Lan đến giờ vẫn khiến tôi hạnh phúc. Ngay cả khi giải nghệ, khoảnh khắc lịch sử đó sẽ in mãi, đi mãi với thời gian.
Hai năm sau, năm 2010, khi tôi bị đứt dây chằng đầu gối, thực sự là một bước ngoặt. Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, có tất cả, đột ngột chấn thương, điều này đã đóng sập mọi cánh cửa trước mặt tôi. Tôi không còn nhiều bạn, mọi người quay lưng. Bức tranh gần như đối lập, so với trước đó 1 năm như là đỉnh cao và vực sâu vậy. Đó cũng là thời khắc tôi nhận ra rằng mình sẽ không làm HLV mà phải làm nhà quản lý thể thao.
Còn về cuộc sống ngoài bóng đá, những cột mốc nào Vinh nhớ nhất trong 32 năm qua?
Cú sốc đầu tiên trong đời là bố mẹ tôi chia tay vào năm 2000, khi tôi mới 15 tuổi. Đó là cảm giác bất lực và tự trách của thằng con trai duy nhất trong nhà có 4 chị em. Lúc đó tôi chưa đủ lớn để có tiếng nói trọng lượng góp ý ba mẹ ở lại với nhau. Chỉ đến sau này, khi lớn lên tôi mới hiểu được đó là một phần do ba mẹ không thể hợp tính để có thể hạnh phúc bên nhau. Nhưng ám ảnh đó đã theo tôi một thời gian dài.
Công Vinh: “Thủy Tiên là cán cân để tôi luôn đứng vững” Ảnh: Facebook nhân vật
Cột mốc quan trọng thứ 2 trong đời là khi tôi gặp Thủy Tiên trong buổi chụp ảnh quảng cáo sau chiến thắng ở AFF Cup 2008. Tôi vẫn nhớ chính xác đó là buổi sáng 2.1.2009. Tôi và Tiên giống như cà phê và sữa vậy, gặp nhau là lập tức hòa quyện không một vết cợn. Gần như chúng tôi sinh ra để bù đắp cho nhau. Tiên mất bố từ nhỏ, sống với mẹ, tự lập một mình lên Sài Gòn để theo đuổi ước mơ của mình. Tôi ở với bố, mẹ buôn bán xa, khi vào SLNA cũng tự lập từ nhỏ. Hai người đến từ 2 miền khác nhau nhưng nhập thành một như có duyên phận kiếp trước vậy. Chúng tôi hòa quyện, chia sẻ, đồng cảm và bổ sung khuyết điểm của nhau hoàn toàn tự nhiên như nó phải thế.
Khoảnh khắc đáng nhớ thứ ba là khi em Gạo ra đời ngày 2.1.2013, đúng 4 năm sau ngày đầu tôi gặp Tiên. Được làm bố là hạnh phúc nhất thế giới. Ngày đầu tiên được nhìn thấy con, tôi rất háo hức, nhận ra rằng mình có thể đánh đổi tất cả mọi thứ, làm tất cả mọi thứ để con mình sống hạnh phúc, có tuổi thơ đẹp, có đầy đủ tất cả mọi thứ mà một đứa trẻ xứng đáng nhận, để sau này có hành trang tốt vào đời.
Thủy Tiên luôn bảo bọc an toàn cho tôi
Có vẻ như chuyện bố mẹ ảnh hưởng không nhỏ đến cách Vinh chăm bé Gạo, khi từ chối tuyệt đối với truyền thông dù ba mẹ bé là những người rất nổi tiếng?
Tôi và Tiên xác định làm sao để Gạo có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Như lúc này, may mắn là ở tuổi lên 4, bé Gạo chưa nhận thức được ba mẹ nổi tiếng hay không. Em vẫn cùng ba mẹ đến trường, sinh hoạt bình thường, đi dã ngoại, vào rạp chiếu phim, lên Vincom chơi, hoạt động với tất cả mọi người ở trường hay ở nhà rất bình thường. Vợ chồng tôi xác định phải cho em phát triển tự nhiên nhất có thể, tự lập từ nhỏ nên đã từ chối mọi lời đề nghị hàng tỉ đồng từ các hợp đồng quảng cáo. Nhưng lớn lên Gạo sẽ có quyền tự chọn cuộc sống, sự nghiệp của mình. Ba mẹ không thúc ép, không bắt con vào khuôn khổ.
Tôi không phải kẻ ngậm thìa vàng
Gia đình Công Vinh Ảnh: Facebook nhân vật
Gạo sẽ có thêm em chứ?
Tôi và Tiên sẽ có thêm em bé, không gần nhưng cũng không xa. Riêng với Gạo, vợ chồng tôi thống nhất sẽ chỉ cho em xuất hiện nếu có thiên phú thực sự. Còn không, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ một cuộc sống thanh bình cho em.
Còn bà xã Thủy Tiên, người hợp với Vinh trở thành bộ đôi của làng giải trí thể thao VN?
Vào lúc đen tối nhất khi bị đứt dây chằng, thì bên cạnh tôi là Tiên. Cô ấy luôn đứng ra làm tất cả mọi thứ để tôi có tinh thần tốt nhất, kể cả chống lại thế giới này. Tiên là cán cân để tôi luôn đứng vững. Khi tôi buồn, Tiên làm tôi vui nhất; khi tôi suy sụp, cô ấy giúp tôi tìm được thăng bằng và có những lời khuyên đúng. Dù trong hoàn cảnh nào, Tiên luôn âm thầm đứng sau, bảo vệ để tôi cảm thấy an toàn nhất. Đó có lẽ là duyên số kiếp trước. Tôi may mắn khi có một người vợ như cô ấy. Tiên đã hy sinh vì tôi rất nhiều. Trước đây, cô ấy đi diễn nhiều nhưng từ khi có Gạo thì Tiên đã phân phối thời gian lại, để gia đình cân bằng hơn. Mọi người nói tôi là người “ngậm thìa vàng”, nhưng tôi sẽ không có ngày hôm nay và tương lai sắp tới nếu không có 2 người phụ nữ tuyệt vời là Tiên và bé Gạo.
Ảnh: Khả Hòa
Sinh ngày 10.12.1985, tại Quỳnh Lân, Quỳnh Lưu, Nghệ An
1999 - 2003: Gia nhập lò đào tạo SLNA
2003 - 2004: Lên đội 1 SLNA và tham gia JVC Cup
2004: Nhận giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm và Cầu thủ xuất sắc nhất VN (Quả bóng vàng VN). Giành thêm 2 danh hiệu Quả bóng vàng vào các năm 2006, 2007
10.2008 - 2011: Đầu quân cho Hà Nội T&T với hợp đồng kỷ lục 8 tỉ đồng
2009: Sang Bồ Đào Nha khoác áo CLB Leixões SC
2010: Bị đứt dây chằng đầu gối
2011 - 2013: Khoác áo CLB Hà Nội
2013: Trở lại SLNA, sau đó khoác áo CLB Consadole Sapporo. Tháng 8.2013 về lại SLNA
2014: Chuyển đến B.Bình Dương
8.12.2016: 2 ngày trước sinh nhật thứ 31, Công Vinh tuyên bố giải nghệ sau khi kết thúc AFF Cup 2016
Bên cạnh chức vô địch AFF Cup 2008, Vinh 3 lần nhận Quả bóng vàng VN (2004, 2006, 2007). Anh là chân sút số 1 lịch sử bóng đá VN với 51 bàn sau 83 lần khoác áo tuyển VN. Anh cũng là top 10 cầu thủ ghi bàn tại AFF Cup và khi giải nghệ là top 10 cầu thủ trên thế giới ghi bàn nhiều nhất cho các đội tuyển quốc gia.
Công Vinh là cầu thủ đầu tiên cán mốc 100 bàn tại V-League và là cầu thủ nội ghi bàn nhiều nhất lịch sử V-League (116 bàn, chỉ xếp sau Samson trong danh sách dội bom). Ngày 8.12.2016, 2 ngày trước sinh nhật thứ 31, anh treo giày và sau đó làm quyền Chủ tịch CLB TP.HCM.
       
Hình mẫu cho lứa trẻ ở SLNA
Công Vinh là hình mẫu cho tất cả những cậu bé ở SLNA, là tấm gương để chúng tôi giáo dục và định hướng cho các em tạo ra một thế hệ cầu thủ trẻ cố gắng, giàu ý chí và nghiêm túc trong sinh hoạt. Năm xưa, SLNA cám ơn Vinh rất nhiều khi từ chối trở lại CLB Consadole Sapporo (Nhật Bản) dù SLNA không có nhiều tiền. Đó là giá trị rất lớn thể hiện tình yêu của cậu ấy với màu áo Sông Lam.
Nguyễn Hồng Thanh (Tổng giám đốc CLB SLNA )
       
Bóng đá VN cần thật nhiều Công Vinh
Công Vinh là mẫu tiền đạo chuyên nghiệp nhất mà tôi được biết ở VN. Người ta hay tiếc về Văn Quyến, nhưng với tôi bóng đá VN cần thật nhiều Công Vinh, để các cầu thủ hiểu được giá trị của chuyên cần, của ý chí và khát vọng vươn lên, khát vọng chiến thắng.
HLV Nguyễn Việt Thắng
       
Như món phở quốc hồn quốc túy
Thập niên trước, thử tưởng tượng rằng đội tuyển VN không có sự góp mặt của Lê Công Vinh thì điều đó chẳng khác gì vùng đất này thiếu đi món phở quốc hồn quốc túy.  Không cần là Messi, Công Vinh đã là tượng đài của khu vực.
Cây viết thể thao John Duerden (ESPN) 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.