Lê Huỳnh Đức - Sóng gió sông Hàn: Kỳ 1: Về miền đất mới

28/08/2010 09:22 GMT+7

Từng là đứa con cưng của bóng đá TP.HCM nhưng khúc cua số phận đã đưa Lê Huỳnh Đức đến với thành phố bên bờ sông Hàn.

Lê Huỳnh Đức từng là tiền đạo số 1 Việt Nam trong thập niên 90 - Ảnh: B.Dương

Từng là đứa con cưng của bóng đá TP.HCM nhưng khúc cua số phận đã đưa Lê Huỳnh Đức đến với thành phố bên bờ sông Hàn.

Từ cầu thủ, đến một chỗ ngồi trong khu kỹ thuật và bây giờ là chiếc ghế HLV trưởng đầy quyền lực, Huỳnh Đức đã trở thành một phần lịch sử của bóng đá Đà Nẵng với cú đúp vô địch ở mùa giải 2009. Thanh Niên Tin nhanh Thể thao xin giới thiệu với bạn đọc những điều ít được biết đến về cựu tuyển thủ quốc gia này qua hồ sơ nhiều kỳ: “Lê Huỳnh Đức – Sóng gió sông Hàn”.

Tháng 8 năm 2003, Lê Huỳnh Đức chia tay Ngân hàng Đông Á và điểm đến của anh là thành phố biển bên bờ sông Hàn. Ở thời điểm đó, dù khá bất ngờ nhưng không ai lại nghĩ quyết định ấy đã mở ra bước ngoặt lớn với cuộc đời Huỳnh Đức, cũng như với bóng đá Đà Nẵng.

Sau nghi án “quyền lực đen”

Đến tận bây giờ, Lê Huỳnh Đức vẫn chưa thể quên được những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời quần đùi áo số của mình, khi tên tuổi của anh gắn liền với cái mà người ta gọi là “quyền lực đen” ở Ngân hàng Đông Á. Sức ép từ dư luận, từ báo chí, và từ cả những người từng là đồng đội khiến Đức gần như suy sụp. Chân sút số 1 của đội tuyển Việt Nam ngày nào đã lâm vào một cuộc khủng hoảng.

Lúc ấy, Đức đã phân vân trước rất nhiều ý định, hoặc giải nghệ, hoặc tìm đến với một đội bóng khác để khẳng định lại mình. Cuối cùng, Đức quyết định ra đi và để đi đến quyết định ấy, anh đã phải suy nghĩ rất nhiều. Bóng đá TP.HCM đã cho anh quá nhiều. Nhờ đội bóng Công an TP.HCM, Lê Huỳnh Đức đã xác lập được đẳng cấp của mình – trung  phong số 1 Việt Nam ở thời điểm ấy. Công an TP.HCM cũng là bệ phóng để Huỳnh Đức phát tiết trong màu áo đội tuyển quốc gia. Rồi khi được chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á, Đức cũng chính là cầu thủ được trả lương cao nhất Việt Nam và được hưởng không ít ưu đãi về vật chất… Thế nên, Đức đã phải đắn đo, trăn trở rất nhiều trước khi quyết định ra đi.

Ở thời điểm đó, CLB Perak (Malaysia) đã mời Lê Huỳnh Đức sang thi đấu với mức lương khá hậu hĩnh - khoảng 2.500 USD/tháng, một con số trong mơ thời bấy giờ, nhưng cuối cùng anh lại chọn Đà Nẵng làm điểm đến sau khi nhận được lời mời từ một lãnh đạo cấp cao của thành phố. Lý giải cho quyết định của mình, Đức cho biết nếu anh chọn giải pháp ra nước ngoài thi đấu cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận những gì người ta nói về anh ở Ngân hàng Đông Á là đúng. Bởi vậy, Lê Huỳnh Đức đầu quân cho Đà Nẵng là để khẳng định lại mình.

Họa và phúc

Về với miền đất mới, chưa kịp thể hiện gì, Lê Huỳnh Đức đã gặp họa. Chỉ sau một ngày có mặt tại Đà Nẵng, anh đã phải vào viện cấp cứu một cách khá bí ẩn. Lúc ấy dân Đà Nẵng đồn rằng ngôi sao đến từ phương Nam đã dính vào một vụ ẩu đả ở quán bar Tommy trên đường Lý Tự Trọng. Khi xảy ra vụ việc, Huỳnh Đức chưa ký hợp đồng với đội bóng sông Hàn. Sau rất nhiều lời đồn thổi ấy, cuối cùng cơ quan chức năng kết luận Đức đi cấp cứu vì “vỡ bàng quang do vận động quá mạnh”. Dù đã có kết luận chính thức nhưng bóng mây ngờ vực xung quanh câu chuyện vẫn còn lởn vởn cho đến tận hôm nay.

Hành trình của Huỳnh Đức khởi đầu bằng một tai họa, nhưng chặng đường sau đó lại rất suôn sẻ. Ngày Huỳnh Đức ký hợp đồng với đội bóng sông Hàn thực sự là ngày hội lớn với người hâm mộ nơi đây, thậm chí có người còn so sánh với việc Kiatisak đầu quân cho đội bóng phố núi. Mức lương Đức nhận tại đây cũng thuộc loại “khủng” nhất lúc bấy giờ, 19 triệu đồng/tháng. Về với đội bóng mới, Huỳnh Đức nhanh chóng khẳng định chỗ đứng và trở thành một trụ cột không thể thay thế của đội bóng sông Hàn. Từ ngày có Lê Huỳnh Đức về đầu quân, cùng với sự đầu tư ồ ạt của lãnh đạo thành phố, thành tích của đội bóng ngày càng tiến bộ. Chiếc băng đội trưởng dành cho Đức ngay ở mùa giải đầu tiên đủ để nói lên tầm ảnh hưởng của anh ở đội bóng. Nguyên HLV trưởng đội Đà Nẵng Trần Vũ từng nhận xét: “Huỳnh Đức đã có nhiều đóng góp cho đội bóng. Không chỉ về mặt chuyên môn mà trong tác phong sinh hoạt, Đức cũng là một tấm gương cho các cầu thủ khác noi theo”.

Với chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, Đà Nẵng đã dành cho Đức khá nhiều ưu ái mà không phải ai cũng được hưởng. Căn nhà mà anh đang ở hiện nay nằm ở ngã 5 mặt tiền đường Phan Chu Trinh có giá hàng chục tỉ đồng, nhưng khi đó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã duyệt bán cho Đức với giá vài trăm triệu. Vợ con anh cũng được tạo điều kiện tối đa để hòa nhập với môi trường mới.  Hai con trai của Đức hiện đang theo học ở những trường thuộc dạng “điểm” của thành phố. Ngày đầy tháng con gái hồi năm ngoái, bên cạnh bạn bè của Đức còn có sự góp mặt của không ít quan chức và cả sự hiện diện của con trai một vị lãnh đạo cấp cao ở đây. Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy sự biệt đãi mà Đà Nẵng đã dành cho Lê Huỳnh Đức.

Với Lê Huỳnh Đức, Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ 2. Đó là lý do vì sao Huỳnh Đức từng nói: “Tôi đã quyết định gắn bó phần đời còn lại của mình với mảnh đất này bởi ở đây, tôi đã được đối đãi quá tốt!”.

Minh Nghi
Kỳ 2: Củng cố quyền lực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.