“Liều thuốc” cần thiết cho bóng đá Việt Nam

18/01/2020 08:12 GMT+7

“Chúng ta không nên trầm trọng hóa việc U.23 Việt Nam không thể vào tứ kết giải U.23 châu Á 2020 vì thất bại này sẽ giúp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng các CLB chiêm nghiệm và hoạch định lại kế hoạch đào tạo bóng đá trẻ nhằm phù hợp hơn cho lộ trình dài trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL kiêm Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải chia sẻ với Báo Thanh Niên.

Không thể đòi hỏi giải nào cũng thắng

Người đứng đầu VFF nói: “Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam phải liên tiếp trải qua hai thử thách rất lớn mà so với SEA Games 30, giải U.23 châu Á càng căng thẳng và còn khắc nghiệt hơn nếu so với chính giải đấu này của những kỳ trước. Bởi đây là cuộc sát hạch giành vé đi Olympic. Việt Nam giành HCV SEA Games với lực lượng mạnh nhất còn lần này sang Thái, lại thiếu vắng những trụ cột khiến ông Park gặp quá nhiều khó khăn trong bố trí đội hình. Lực lượng mỏng mà xoay xở được như thế, cũng không đáng bị chê trách. Các cầu thủ cũng đã cố gắng hết sức, ông Park cũng đã nỗ lực hết sức rồi.
Trong bóng đá, không phải lúc nào cũng giành chiến thắng tất cả mọi giải. Đó là đòi hỏi phi thực tế. Thất bại cũng là một “liều thuốc” cần thiết để cầu thủ tự hoàn thiện mình và VFF cũng sẽ phải có sự điều chỉnh về chiến lược đầu tư cho bóng đá trẻ. Hiện tại Việt Nam cũng đã có những học viện bóng đá có chất lượng nhưng cần có sự góp sức thêm của VFF”.

Đình Trọng vắng mặt trận gặp Malaysia ở vòng loại World Cup

Trong trận thua U.23 Triều Tiên vào tối 16.1, Đình Trọng đã bị thẻ vàng thứ 2 thành thẻ đỏ và phải rời sân ở gần cuối trận do thúc cùi chỏ vào mặt đối phương. Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, cho biết hậu quả của tấm thẻ đỏ này là Trọng sẽ bị treo giò trận gặp Malaysia tại vòng loại World Cup 2022 vào ngày 31.3.
Theo nội dung của mục 38.2.2, Quy tắc kỷ luật và đạo đức của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) ban hành năm 2019: “Ở các giải đấu châu Á dành cho mọi lứa tuổi thuộc hệ thống của AFC hay FIFA, cầu thủ bị đuổi khỏi sân trong trận đấu cuối cùng của đội tại giải sẽ bị treo giò tại giải lứa tuổi đó được tổ chức lần kế tiếp. Nếu án phạt không thể thi hành ở giải lứa tuổi đó lần kế tiếp, cầu thủ sẽ bị treo giò ở giải có lứa tuổi lớn hơn thuộc hệ thống thi đấu của AFC hay FIFA”.
Năm nay Trọng 22 tuổi, nếu Việt Nam được lọt vào vòng chung kết giải U.23 châu Á 2022 thì anh cũng không còn đủ tuổi thi đấu. Do đó, tấm thẻ đỏ mà Trọng phải nhận ở giải U.23 châu Á 2020 sẽ có hiệu lực trong trận đấu tiếp theo ở cấp độ đội tuyển.
 
Quan điểm này của ông Lê Khánh Hải cũng nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia bóng đá. HLV Đoàn Minh Xương nói: “Thất bại của U.23 Việt Nam tại U.23 châu Á 2020 là bài học kinh nghiệm về công tác tuyển chọn và đào tạo một cách có hệ thống bóng đá trẻ Việt Nam. Cần phải đầu tư đồng bộ, có chiều sâu cùng lúc nhiều lứa cầu thủ tài năng để không bị hụt hẫng lực lượng.
Tại sao tại giải U.23 châu Á 2018, Việt Nam thành công rực rỡ, bởi lớp cầu thủ của năm đó được đầu tư sâu từ năm 2014. Còn đến U.23 châu Á 2020, ngoài những cầu thủ đã thành danh như Quang Hải, Đức Chinh, Tiến Linh…, một số cầu thủ khác chỉ mới được “chăm bẵm” thời gian gần đây. Họ không thể kịp thích ứng trước những đối thủ có tầm châu lục.
Một mình ông Park không thể đem lại hết thành công này đến thành công khác cho bóng đá Việt Nam khi cách đào tạo của chúng ta hiện nay mới chỉ chủ yếu là “ngắt ngọn”. Ông Park đâu phải là “phù thủy” mà muốn thắng là thắng. Bồi dưỡng nhân sự kế thừa là việc làm thuộc về VFF và các CLB. Chúng tôi cũng sẽ bàn bạc với ông Park để hướng tới sự phát triển cho các cầu thủ trẻ trong tương lai”.
Cũng theo ông Đoàn Minh Xương, lối chơi mà ông Park xây dựng cho các đội bóng đá nam là rất phù hợp với con người Việt Nam. Ông Xương băn khoăn, bài toán ở đây là hệ thống đào tạo ở các CLB có đi theo trường phái của ông Park không, hay vẫn mỗi nơi làm một kiểu, để khi dồn quân lại chuẩn bị cho một giải đấu nào đó, ông Park lại mất thời gian căn chỉnh. Ví dụ Huỳnh Tấn Sinh, HLV của cậu ấy phát biểu rằng có lẽ vì quen chơi với sơ đồ 4 trung vệ ở cấp độ CLB nên khi lên U.23, tư duy của Sinh có vẻ chưa kịp “ngấu” với sơ đồ 3 hậu vệ nên hay mắc sai sót cá nhân. VFF cùng các lò đào tạo, các CLB của Việt Nam cũng phải tính đến vấn đề này: Nên đào tạo cho các lứa cầu thủ sau này có thể thích ứng được nhiều lối chơi, chứ không chỉ phòng ngự tấn công. Phải làm sao để cầu thủ khi gặp đối thủ khó cỡ nào cũng vẫn biết tấn công.

Chuẩn bị cho vòng loại World Cup, AFF Cup

Chủ tịch Lê Khánh Hải nói: “Năm 2020, bóng đá Việt Nam còn nhiệm vụ quan trọng khác nữa là vòng loại World Cup 2022. Có thể một vài cầu thủ mới của đội U.23 Việt Nam sẽ được triệu tập vào đội tuyển chuẩn bị cho trận gặp Malaysia vào cuối tháng 3. Tháng 6, đội tuyển còn hai trận nữa ở vòng loại gặp Indonesia và UAE. Mục tiêu đặt ra là có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Việt Nam đang đứng đầu bảng G nên cần phải biết chớp lấy thời cơ. VFF, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng đã thu xếp lịch thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp để đảm bảo quyền lợi của các CLB và của đội tuyển”.
Ông Hải nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam cũng đặt ra chỉ tiêu bảo vệ thành công ngôi vô địch AFF Cup 2020. “Nhìn lại giải U.23 châu Á 2020, VFF và ông Park sẽ ngồi lại với nhau để tính toán lực lượng và một loạt kế hoạch chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng trong năm cũng như các năm kế tiếp. SEA Games 31 trên sân nhà năm 2021, nhân sự đội U.22 Việt Nam sẽ gồm những ai cũng phải có hoạch định ngay từ bây giờ. Rồi ASIAD 2022, chúng ta cũng phải cố gắng đạt kết quả khả quan”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.