Lùm xùm vụ tiền thưởng ở tuyển nữ Việt Nam: 'Bà Bích Hạnh nên nhận tượng trưng...'

18/01/2020 13:54 GMT+7

Người hâm mộ đang có những tranh luận gay gắt quanh chuyện chia tiền thưởng ở đội tuyển nữ Việt Nam. Liên quan câu chuyện bà Trần Thị Bích Hạnh - cán bộ của VFF, được chia tiền thưởng nhận được hàng trăm phản hồi của độc giả.

Phần lớn ý kiến của bạn đọc cho rằng bà Trần Thị Bích Hạnh nên nhận tiền thưởng tượng trưng, nhiều ý kiến khác nói, công sức của bộ phận hậu cần cũng rất quan trọng và được chia thưởng là đương nhiên. Một số người hâm mộ thì nêu ý kiến, nên để nội bộ đội tuyển nữ Việt Nam tự quyết được chia tiền thưởng cho các thành viên như thế nào, bởi họ thật sự hiểu công sức của từng người.

Bà Trần Thị Bích Hạnh có xót cho cầu thủ không?

Nguyễn Thị Ngọc Vân, bạn đọc ở Khánh Hòa lên tiếng: “Sao bà Hạnh lại được xếp loại A-, bà có phải cầu thủ không? Được đề cử phải biết khiẻm tốn từ chối, phải biết mình là ai chứ? 500 triệu đồng cho loại A, trong khi cầu thủ đá trực tiếp 600 triệu đồng, bà có thấy xót cho cầu thủ không?”.
Bạn đọc Vì một ngày mai ở Lâm Đồng góp ý: “Theo tôi, nên chia làm 3 nhóm: Nhóm 1: huấn luyện viên, 2 trợ lý chính và 20 cầu thủ, chia nhau 70% quỹ thưởng, có bình bầu A B C. Nhóm 2: các trợ lý còn lại, bác sĩ, Chia nhau 20% quỹ thưởng, Cũng bình bầu A B C. Nhóm 3: ban hậu cần, các thành viên còn lại, chia nhau 10% quỹ thưởng, vì dù gì họ cũng hưởng lương, sử dụng tiền VFF để làm việc, không sợ chấn thương. Còn cầu thủ dù không ra sân, nhưng chấn thương trong tập luyện, gia đình họ cũng khổ, VFF đâu có lo và đền bù thiệt hại cho họ hết được đâu. Có như vậy, mới hạn chế được việc đưa người quá nhiều vào thành phần đội tuyển. 
Bạn Phong Vân (Hà Nội) góp ý về cách chia thưởng ở đội tuyển nữ Việt Nam: “Tổng tiền thưởng 24 tỉ đồng. 11 cầu thủ nòng cốt trên sân, 3-5 thành viên huấn luyện chủ chốt. Tổng có 14-16 thành viên nhận thưởng tối đa, chiếm 60-70% tổng tiền thưởng. Phần còn lại chia thưởng theo đóng góp cá nhân. Nhân sự bổ sung hỗ trợ, hậu cần là trách nhiệm của VFF, không có chuyện đưa vào tính thưởng thành tích. Không chấp nhận được chế độ cào đều, rải đều tiền thưởng của đội tuyển nữ Việt Nam”.

Cầu thủ phải lăn xả trên sân và đối mặt với hiệm họa chấn thương bất cứ lúc nào

Độc Lập

Bạn HLN (Đồng Nai) thẳng thắn: “Số lượng quan chức chỉ nên nhận 10% trong tổng số tiền thưởng, còn lại chia cho cầu thủ và huấn luyên viên tùy theo mức độ đóng góp. Để thành công thì huấn luyên viên phải được cao nhất, kế đến là tính theo số giờ ra sân của cầu thủ. Thưởng riêng các bàn thắng ghi trong trân. Cầu thủ dự bị bằng 20%, chưa ra sân bằng 50% tiền thưởng của cầu thủ có số giờ ra sân ít nhất”.
Bạn đọc Lê Quý (TP.HCM) thẳng thắn: “Tôi thấy thật sự quá kinh. Những người được VFF giao nhiệm vụ giúp đội tuyển cũng được đưa vào danh sách bình chọn xét thưởng như cầu thủ, ban huấn luyện là qua sức vô lý, quá sức bất công. Cầu thủ, ban huấn luyện có được thành tích cao vì họ có tài năng đặc biệt cộng với sự lao động cật lực. Nhưng thành tích họ đạt được thì trong đời họ giỏi lắm cũng chỉ được vài lần. Còn những người ăn theo phi lý đó, họ cứ được ăn theo hết thế hệ cầu thủ này đến lứa cầu thủ khác.
Mong rằng, các vị nhà nước ở cấp cao nhất có biện pháp mạnh mẽ để những vị ăn theo này phải trả lại khoản tiền nhận được một cách rất vô lý này lại ngay. Giờ mới biết là cái tình trạng quá kinh này nó đã tồn tại từ lâu lắc đến giờ. Cần gì học hành giỏi giang, cần gì có tài năng xuất chúng, chỉ cần xin được vào làm việc nhân viên bình thường của VFF thì cũng có nhiều cơ hội để trở nên giàu có”.

Tặng tượng trưng cục xà bông hay chai dầu gội thôi

Độc giả Người Qua Đường (Đồng Nai) góp ý: “Tôi mong là báo Thanh Niên sẽ làm rõ vấn đề này, không chỉ có việc chia thưởng đợt này mà còn những giải đấu trước đây của cả đội nam và nữ. Theo cá nhân tôi nghĩ, ban huấn luyện, các cầu thủ, đội ngũ trợ lý, bác sĩ, hậu cần, tùy công sức đóng góp mà xếp loại chia thưởng. Còn các cán bộ, thành viên đoàn khác - những người đóng góp chủ yếu về mặt tinh thần và lo liệu các thủ tục hành chính, giải quyết những khó khăn trong công tác tổ chức thi đấu, cũng được chia thưởng động viên nhưng với con số ít hơn rất nhiều, không thể ngang bằng, hơn kém với nhóm đã bỏ nhiều công sức đã nói ở trên được”.

Chiếc HCV danh giá của bóng đá nữ SEA Games 30

Độc Lập

Thương BD nữ VN tại Đồng Nai nói: “Nhân viên hậu cần được xếp loại A-, chỉ thua 11 cầu thủ đá chính. Ngang và hơn cả chục cầu thủ và trợ lý HLV số 1, số 2. Những cầu thủ vào sân thay người trên 20 phút sẽ nghĩ sao khi họ đổ rất nhiều mồ hôi, máu và thậm chí chấn thương nặng. Tiền các doanh nghiệp đã được phát không đúng chỗ rồi. Hỏi sao cầu thủ nữ vẫn phải đi bán bánh mì dù từng tham gia đội tuyển quốc gia”.
Bạn đọc Đặng Xuân Diễn ở Nghệ An nói: “Đúng ra HLV trưởng hơn cầu thủ loại A chút đỉnh còn lại những cán bộ quản lý như bà đó chỉ là tượng trưng như tinh thần bài báo nêu. Còn nếu các cháu ngại cán bộ quản lý mà bình bầu như vậy thì theo tôi cán bộ quản lý nên cảm ơn các cháu và từ chối mới xứng tầm cán bộ”.
Cùng quan điểm này, Phạm Phúc (TP.HCM) phản hồi: “Theo tôi việc thưởng là dành cho những người từ HLV trưởng trở xuống, còn lại cán bộ đã được trả lương để đi làm công việc của họ thì tại sao phải thưởng. Nếu tình cảm thì tặng cho cục xà phòng, chại gội đầu là hay lắm rồi”.

Hậu cần cũng rất quan trọng

Nhiều ý kiến gửi về toà soạn bày tỏ, công việc hậu cần cũng quan trọng và xứng đáng được chia thưởng.

Công tác hậu cần cũng rất cần thiết cho một đội bóng

Độc Lập

Tam Nguyen(TP.HCM) nói: “Chuyện lương thưởng chẳng bao giờ có công bằng tuyệt đối. Luôn luôn có ta kiến trái chiều. Hãy để cho tập thể người ta làm và chấp nhận mức độ. Hậu cần cũng quan trọng chẳng kém các cầu thủ. Hậu cần không tốt thì cầu thủ cũng không thể hiện tốt. Hậu cần tốt tạo tâm lý yên tâm cho cầu thủ”.
Bạn đọc 30184 (Đồng Nai) nói: “Tôi thấy việc khen thưởng cho những người thầm lặng để phục vụ cho các cầu thủ khi đi thi đấu là bình thường thôi. Vì không có những người giữ tay hòm chìa khóa thì cả đội sẽ gặp nhiều khó khăn, trong bất cứ sự việc nào trong đời sống và sinh hoạt thì công tác hậu cần là điều tối quan trọng. Ông bà ta đã bảo có thực mới vực được đạo, vì thế khen thưởng cho những người như bà Hạnh là hợp lý không có gì phải bàn lùi.
Nhưng tôi xin góp ý là những người này nếu được thưởng thì VFF cần nên quy định một tỷ lệ trên tổng số tiền thưởng mà đội bóng nhận được kiểu như 8/2, 7/3 thì phù hợp hơn và dư luận khỏi phải bàn ra tính vào. Với lại đến SEA Games này đội bóng nữ mới nhận được nhiều tiền thưởng như vậy vì thế nên có sự lúng túng chia thưởng là lẽ đương nhiên. Mong chúng ta nên thông cảm bỏ qua”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.