Mô hình bóng đá CLB Hà Nội: Chân đế vững chắc, sở hữu nhiều ngôi sao

06/05/2020 08:00 GMT+7

Với “kiến trúc sư trưởng” là bầu Hiển, đội bóng thủ đô hiện giữ kỷ lục về số lần đăng quang những giải đấu hàng đầu Việt Nam, trở thành một thế lực đáng gờm của làng bóng đá trong nước.

Những kỷ lục vô tiền khoáng hậu

Quang Hải, Đình Trọng, Thành Chung, Đức Huy đeo khẩu trang kín mít, đứng trên đường piste sân Hàng Đẫy để chuẩn bị quay clip kêu gọi người hâm mộ rửa tay đúng cách phòng chống Covid-19. Sau khi clip được đưa lên fanpage của CLB, chỉ trong vài phút đã có hàng chục ngàn lượt xem. Ngoài ra còn rất nhiều sự kiện khác nữa được cập nhật thường xuyên, truyền tải đến khán giả nhiều thông điệp có ý nghĩa. Tuy vậy, CLB Hà Nội thu phục công chúng không chỉ bằng những hoạt động xã hội mang tính bề nổi mà quan trọng hơn, chính là chuỗi thành tích khá đồ sộ trên đấu trường quốc nội và quốc tế chỉ sau 14 năm ra đời.

Văn Quyết: "CLB Hà Nội cố gắng thi đấu để bù đắp cho Duy Mạnh, Đình Trọng”

Ngày 18.6.2006, lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn T&T quyết định cho ra mắt CLB Hà Nội T&T với mục tiêu có vẻ như “trên mây”: Gia nhập hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam càng sớm càng tốt. Cựu tuyển thủ Triệu Quang Hà được bầu Hiển mời dẫn dắt đội bóng với đa phần là các cầu thủ trẻ, tham gia giải hạng ba mùa 2006. Thế nhưng CLB non trẻ này đã lập kỷ lục làng bóng đá nội mà đến thời điểm này chưa đội nào phá được: Thăng hạng nhì mùa 2007, hạng nhất mùa 2008 và lên chơi V-League 2009.
Ba năm thăng ba hạng, nấc thang danh vọng của đội bóng bầu Hiển không chỉ dừng ở đó. Vừa chân ướt chân ráo lên đấu giải hàng đầu Việt Nam, Hà Nội T&T đã giành chức vô địch sau đó chỉ một mùa và hiện lập kỷ lục với 5 lần đăng quang V-League các năm 2010, 2013, 2016 (cuối mùa này chính thức đổi tên thành CLB Hà Nội), 2018 và 2019. Đội cũng sở hữu nhiều thành tích khác như á quân các mùa 2011, 2012, 2014, 2015; vô địch Cúp quốc gia năm 2019, 3 lần đoạt Siêu cúp quốc gia năm 2010, 2018 và 2019. Ở đấu trường châu lục, Hà Nội từng vào tới tứ kết AFC Cup 2014, vô địch khu vực Đông Nam Á và vào đến chung kết liên khu vực Đông Á tại AFC Cup 2019.

Hà Nội đã vào đến chung kết liên khu vực AFC Cup 2019

Vy Khánh

Mạnh dạn sử dụng cầu thủ trẻ

Thành tích chói sáng của CLB Hà Nội nhờ vào chân đế rộng và chắc. Ra đời năm 2007, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội thuộc Công ty cổ phần thể thao T&T được đánh giá là cơ sở đào tạo bóng đá hàng đầu Việt Nam với tính khoa học, bài bản. Ông Dương Nghiệp Khôi, Giám đốc trung tâm, nói: “Các tuyển trạch viên được cử đi đến nhiều địa phương trên cả nước như Thái Bình, Nghệ An, Hải Dương… săn lùng và tiếp nhận các em có năng khiếu đá bóng từ 11 tuổi, từ đó tạo nên mạng lưới chân rết hùng mạnh, thu hút nhiều nhân tài qua từng năm. Sau khi trải qua quá trình đào tạo cơ bản từ lứa U.11 đến U.15, các tài năng sẽ bước vào quá trình cạnh tranh gay gắt với hy vọng có tên trong đội trẻ Hà Nội”.
Mùa giải 2019, CLB Hà Nội đã mạnh dạn trẻ hóa đội hình và giành ngôi vô địch V-League với thành phần có tới 17/28 cầu thủ trưởng thành từ chính lò đào tạo của mình. Các HLV của trung tâm đều là những cựu danh thủ đội tuyển Việt Nam như Dương Hồng Sơn, Lê Đức Tuấn, Nguyễn Văn Biển… Có thể nói CLB Hà Nội gặt hái thành công nhờ sự nhất quán trong chiến lược phát triển, xây dựng được lối chơi mang bản sắc từ các đội trẻ. Họ hình thành được lối đá riêng, lôi cuốn và hiệu quả.

Sự phấn khích của Văn Quyết

Vy Khánh

Việc có quá nửa đội hình đã được gọi lên đội tuyển quốc gia là lời khẳng định đẳng cấp, trình độ của đội bóng. Những ngôi sao sáng của Hà Nội cũng chính là những gương mặt xuất sắc của bóng đá Việt Nam như Quang Hải, Hùng Dũng, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đức Huy, Thành Chung… Trong đó Quang Hải được nhận danh hiệu Quả bóng vàng năm 2019 khi tròn 22 tuổi, Cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á giai đoạn 2018 - 2019; cầu thủ trẻ Văn Hậu đã đầu quân cho CLB Heerenveen và hiện đang chờ đàm phán tái ký hợp đồng với đội bóng Hà Lan này.
Ngoài việc tự cung cấp nhân sự cho chính mình, hiện chỉ có lò Hà Nội và HAGL tính đến việc mua, bán, cho mượn cầu thủ với chiến lược không chỉ dừng ở thu hồi vốn mà còn phải có lãi.

Những nghịch lý còn tồn tại

Tuy nhiên, mô hình phát triển của Hà Nội chưa thể coi là hoàn hảo và chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của từ này. Hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, y tế, dinh dưỡng dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của chính đội bóng. Sân Hàng Đẫy tuy đã được nâng cấp nhưng chưa xứng tầm với sự lớn mạnh của đội Hà Nội.
Trước khi mùa giải 2020 khởi tranh, lãnh đạo đội Hà Nội đã mời chuyên gia nước ngoài giữ chức Giám đốc kỹ thuật là cựu danh thủ người Uruguay Daniel Enriquez, từng làm Giám đốc thể thao cho CLB National (Uruguay), một trong những đội bóng lâu đời và thành công nhất Nam Mỹ với 3 lần vô địch Copa Libertadores. Ngoài ra, Hà Nội còn mời thử việc HLV thể lực Nicolas Gandini và chuyên gia phân tích bóng đá Estéfano Zammarelli. Nhưng cả ba nhân vật người Uruguay này đã không được ký hợp đồng bởi mâu thuẫn với ban huấn luyện (cụ thể là HLV Chu Đình Nghiêm) không chỉ về phương pháp đào tạo, cách rèn luyện thể lực mà còn nhiều vấn đề khác nữa thuộc về chuyên môn.
Theo phân tích của ông Võ Lê Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao T&T, hai bên đã có những khác biệt về văn hóa, dẫn đến sự khác biệt về quan điểm khi tiếp cận những vấn đề mới.

Thành Chung tranh bóng

Vy Khánh

Có nhiều thông tin cho rằng Hà Nội có thể sẽ mời ông Jurgen Gede làm Giám đốc kỹ thuật khi ông Gede kết thúc hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, hôm qua đội Hà Nội phủ nhận thông tin này. Nhưng dù sau này mời ai, chuyên gia nội hay ngoại, Hà Nội cũng nên cố gắng tìm được tiếng nói chung bởi trước khi đòi hỏi đối tác kiên nhẫn, thì chính mình cũng phải tự tạo ra sự tương thích, không tự ái khi đối tác áp dụng những thay đổi, những kiến thức mới. Có như thế bóng đá Hà Nội mới càng chuyên nghiệp, càng có được sự đột phá trên trường quốc tế, chứ không chỉ là giành được những thành tích quốc nội nổi trội.
Ngoài ra, có hội CĐV hoạt động quy mô, thậm chí tạo được bản sắc rất riêng, nhưng Hà Nội chưa thể sống được bằng tiền bán vé. Kể cả những trận đấu nóng như gặp HAGL, Nam Định, Thanh Hóa, SLNA… tiền vé cũng chỉ thu được khoảng 500 - 600 triệu đồng, không đủ bù chi phí công tác tổ chức.
Hơn nữa, việc xuất hiện Trung tâm PVF chuyển ra Hưng Yên với cơ sở vật chất hiện đại, trước đó là Viettel, khiến nhiều phụ huynh sẽ ưu tiên gửi con vào 2 trung tâm đó. Điều này khiến nhà quản lý của Hà Nội phải tìm hướng đi mới để duy trì hệ thống đào tạo trẻ chất lượng.
Mạnh tay chi thưởng
Lương cầu thủ CLB Hà Nội ở mức tạm được, chứ không quá cao. Được biết lương của đội trưởng Văn Quyết khoảng 40 triệu đồng/tháng. Quang Hải mới được tăng lương, được gần 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, bầu Hiển lại chi thưởng khá đậm, có thể dao động từ 600 triệu đến 1 tỉ đồng cho một trận thắng. Đặc biệt, bầu Hiển cũng rất hào phóng trong những lễ tổng kết liên quan đến đội Hà Nội, như thưởng tổng cộng 6,2 tỉ đồng cho CLB vào cuối năm 2018, trong đó 6 cầu thủ có đóng góp lớn vào kỳ tích giành ngôi á quân của đội U.23 Việt Nam tại giải U.23 châu Á 2018 được thưởng 3 tỉ đồng (500 triệu đồng/người). Dù đội U.23 Việt Nam bị loại ở vòng bảng giải U.23 châu Á năm 2020 nhưng cầu thủ Hà Nội thi đấu giải này vẫn được thưởng 500 triệu đồng. Tương tự, cầu thủ Hà Nội dự SEA Games 30 cũng được thưởng 500 triệu đồng. 
Trung Ninh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.