Một trận đấu sẽ có 13 cầu thủ gốc nước ngoài

28/01/2010 09:43 GMT+7

Với phong trào nhập tịch ngoại binh ồ ạt của các đội bóng, một trận đấu giữa ĐT.LA và HA.GL ở mùa giải 2010 sẽ có khoảng 13 cầu thủ gốc ngoại thi đấu trên sân.

Sakda của HA.GL (trái) và Tshamala của ĐT.LA đều mang quốc tịch Việt Nam ở mùa giải này - Ảnh: Bạch Dương

Với phong trào nhập tịch ngoại binh ồ ạt của các đội bóng, một trận đấu giữa ĐT.LA và HA.GL ở mùa giải 2010 sẽ có khoảng 13 cầu thủ gốc ngoại thi đấu trên sân.

Điểm thú vị nhất ở V-League 2010 là sự gia tăng cầu thủ ngoại nhập quốc tịch Việt Nam. Đến thời điểm này, HA.GL vẫn quyết đăng ký Marcelo và Toledo trong danh sách nội binh, nghĩa là họ chỉ chờ thủ tục để hai cầu thủ này trở thành cầu thủ nội. Như vậy, cùng với Đoàn Văn Sakda và Đoàn Văn Nirut, trong mỗi trận đấu, đội bóng phố núi sẽ có quyền tung ra sân 7 cầu thủ gốc gác người nước ngoài, gồm 4 người nhập tịch và 3 ngoại binh như đúng điều lệ giải. Ở mùa giải năm nay, không chỉ mình HA.GL chú trọng việc nhập tịch cầu thủ để thực hiện mục tiêu vô địch mà các đội khác cũng ào ào nhập tịch cho cầu thủ như ĐT.LA hay Vissai Ninh Bình. Với ĐT.LA, họ sẽ có 3 cầu thủ ngoại biến thành nội binh là Phan Văn Santos, Lý Lâm Wa và Lê Minh Tshamala, còn Ninh Bình sẽ có 3 ngoại binh là Đinh Hoàng La, Hoàng Vissai và Lê Hoàng Trần Xi. Vì vậy hai đội bóng này có thể tung ra sân cùng lúc 6 cầu thủ gốc người nước ngoài, tương tự như HA.GL. Ngoài ra, các đội bóng khác như Khatoco Khánh Hòa, SLNA, Lam Sơn Thanh Hóa, Hòa Phát Hà Nội… cũng có trong đội hình của mình 2 nội binh là người nước ngoài.

Người hâm mộ sẽ có được cảm giác lạ khi có những trận đấu sẽ có đến 13 cầu thủ gốc người nước ngoài như HA.GL gặp Ninh Bình hay HA.GL gặp ĐT.LA. Ngoài ra, các trận cầu khác nhiều khả năng cũng sẽ có từ 12 đến 11 cầu thủ gốc nước ngoài. Khi số lượng “cầu thủ ngoại” được tăng lên, chắc chắn các trận đấu cũng hay hơn nhiều.

Không đáng lo về việc mất bản sắc

Khi chúng tôi phỏng vấn các chuyên gia bóng đá VN, một vài người lo ngại việc có nhiều cầu thủ ngoại trên sân sẽ làm mất đi bản sắc của bóng đá VN. Nhưng sự lo ngại này chỉ là số ít. HLV lão làng Đoàn Phùng phân tích: “Sở dĩ mấy năm trở lại đây, đội tuyển VN thi đấu hay vì các cầu thủ VN được cọ xát nhiều với ngoại binh ở V-League. Việc tranh chấp bóng nhiều với những cầu thủ to cao sẽ giúp cầu thủ VN thêm sức mạnh và kinh nghiệm, vì thế đội tuyển quốc gia VN không hề thua sút khi thi đấu với các đội bóng Tây Á, có thể hình và thể lực tốt hơn. Ngoài ra, các cầu thủ VN muốn có suất đá chính thức, phải nỗ lực cạnh tranh chỗ của mình, nên sẽ nỗ lực để phát triển tài năng, vì thế cầu thủ VN ngày mỗi đá hay hơn”.

Nhìn ra nước ngoài, cách đây 15 năm, khi đạo luật Bosman ra đời (15.12.1995) cho phép cầu thủ châu Âu được chuyển nhượng và thi đấu tự do, nhiều đội bóng lớn của châu Âu lo ngại vì đội của mình sẽ mất bản sắc. Nhưng có một thực tế là sau những lo ngại ban đầu, bóng đá châu Âu càng hấp dẫn hơn và sức lan tỏa của nó vượt xa lục địa già để đến với các châu lục khác. Như Arsenal hiện nay, HLV Wenger có thể tung ra sân một đội hình chính không có bất kỳ cầu thủ nào mang quốc tịch Anh, nhưng đội bóng của họ vẫn không hề mất chất và khán đài luôn tràn ngập những cổ động viên nhiệt thành.

Tuy nhiên, LĐBĐVN cũng cần có những tham mưu tốt cho Chính phủ về những trường hợp nhập tịch cầu thủ ngoại. Bởi chúng ta cần phải sàng lọc, chỉ nên nhập tịch cho những cầu thủ có chuyên môn, đạo đức tốt và có thể cống hiến lâu dài cho bóng đá VN. Nếu không kiểm soát tốt việc này, đến một ngày nào đó bóng đá Việt Nam sẽ rơi vào tình cảnh “bỏ cầu thủ ngoại thì thương, vương thì tội”.

Quang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.