Navibank Sài Gòn “thoát hiểm” nhờ VFF?

03/08/2010 00:43 GMT+7

Theo điều lệ bổ sung của V-League, CLB nào không kịp chuyển đổi thành doanh nghiệp trước ngày 31.8 sẽ bị đánh tụt xuống hạng nhất mùa sau.

Navibank Sài Gòn sẽ được cứu khi cuộc đua vào hồi gay cấn? - Ảnh: Khả Hòa

Theo điều lệ bổ sung của V-League, CLB nào không kịp chuyển đổi thành doanh nghiệp trước ngày 31.8 sẽ bị đánh tụt xuống hạng nhất mùa sau.

Trước đây, Báo Thanh Niên đã từng nói rất rõ về lý do các CLB chuyên nghiệp tại VN bắt buộc phải chuyển sang mô hình công ty cổ phần và nay xin được nhắc lại: Cách đây hai năm, LĐBĐ châu Á (AFC) đã yêu cầu, CLB đang thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp ở các quốc gia phải là doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng hoạt động tuân thủ theo luật pháp của mỗi quốc gia. Nếu LĐBĐ VN (VFF) hoặc bất kỳ một LĐBĐ quốc gia nào khác không thực hiện theo đúng yêu cầu thì AFC sẽ cấm cửa đội tuyển quốc gia của nước đó ở tất cả các giải trong hệ thống thi đấu chính thức của AFC trong vòng 5 năm liền. Hạn chót mà AFC đưa ra là đầu năm 2010 nhưng vì hoàn cảnh và đặc thù của bóng đá VN, VFF đã xin AFC cho dời đến ngày 31.8.2010.

Tính đến nay, trong số 14 đội chuyên nghiệp chỉ còn 3 đội gồm Nam Định, Thanh Hóa và Đồng Tháp vẫn là đội “bao cấp”. Ngoại trừ Nam Định không còn cơ hội ở lại vì đã xuống hạng, hai đội còn lại đang mang hai “số phận” khá khác nhau. Thanh Hóa (TH) đang trầy vi tróc vảy để tránh suất xuống hạng trực tiếp, còn Đồng Tháp (ĐT) đứng thứ 4 với 35 điểm. Tuy nhiên, nếu cả hai đội này đều không “trả bài” đúng hẹn thì phải chịu chung kết cục “bi thảm” bất chấp họ đứng thứ mấy.

Tuy nhiên theo thông tin Thanh Niên được biết, gần như chắc chắn ĐT và TH sẽ kịp khoác áo doanh nghiệp. Song lại nảy sinh một vấn đề khác. Cuộc đua trụ hạng tại V-League thời điểm hiện tại không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của các đội đang ở nửa cuối bảng xếp hạng, mà nó còn chịu sự điều chỉnh từ giải hạng nhất. Theo thông báo số 19 của BTC V-League nếu cả 13 đội bóng ở giải hạng nhất không chuyển đổi thành CLB chuyên nghiệp trước ngày 31.8 (hiện mới có 8 đội là doanh nghiệp và sắp tới có thể thêm Quảng Nam), thì số lượng đội ở V-League phải xuống hạng trực tiếp chỉ là một đội duy nhất, chứ không phải 2 như mùa trước.

Nếu điều này xảy ra và một khi Nam Định đã buông xuôi thì Navibank sẽ là đội bóng được hưởng lợi, bởi biết đâu vị trí thứ 13 sẽ đem lại cho thầy trò Mai Đức Chung một suất đá play-off  và mở ra cơ hội ở lại V-League. Navibank Sài Gòn mới chỉ được 19 điểm và chỉ đứng trên đội đã xuống hạng nên phải nỗ lực tối đa trong cơn vượt cạn. Họ hoàn toàn không thể dựa vào phao cứu sinh theo kiểu vì là đội doanh nghiệp thì nghiễm nhiên được trụ hạng (nếu TH, ĐT không kịp chuyển đổi). Cách đây ít ngày, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Theo điều lệ, cứ chót bảng thì phải xuống hạng thấp hơn vào năm sau. Đội là doanh nghiệp cũng không phải ngoại lệ”.

CLB chuyên nghiệp là CLB phải hoạt động độc lập như một doanh nghiệp, có giấy phép kinh doanh, có điều lệ công ty, có tài khoản, con dấu riêng, có danh sách ban lãnh đạo công ty (hội đồng quản trị, ban giám đốc..), có nguồn tài chính ổn định (đảm bảo ít nhất 15 tỉ đồng/năm không lệ thuộc vào kinh phí của Nhà nước như trước đây). Ngoài ra theo AFC, CLB chuyên nghiệp còn hội đủ các điều kiện về sân bãi riêng, hệ thống phòng ốc đạt tiêu chuẩn, trang thiết bị đáp ứng các yêu cầu chuyên môn, chỗ ăn ở tươm tất, nơi thi đấu phải có khách sạn từ 3 sao trở lên... Nếu xét kỹ nhiều CLB VN vẫn còn thiếu các điều kiện để trở thành một CLB chuyên nghiệp, nhưng trong hoàn cảnh bóng đá VN, AFC và VFF phần nào chấp nhận như một mô hình chuyên nghiệp. (L.P - T.K)

Lan Phương 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.