Nên trao đổi bản quyền phát sóng trận Thái Lan gặp Việt Nam

16/08/2019 18:11 GMT+7

Trước trận Thái Lan gặp Việt Nam ngày 5.9 tới ở vòng loại World Cup 2022 tín hiệu về bản quyền phát sóng vẫn đang gặp khó khăn khi mức giá đối tác đưa ra quá cao. Nhưng tại sao không đặt ra vấn đề trao đổi để đôi bên cùng có lợi?

Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á, bản quyền phát sóng trận đấu của mỗi đội tuyển tại vòng loại World Cup 2022 thuộc về liên đoàn bóng đá đội tuyển đó. Và các liên đoàn này có quyền bán lại cho đối tác bất kỳ để họ đàm phán, chọn đài truyền hình làm nhà sản xuất trận đấu, phục vụ khán giả. Tại Việt Nam, 4 trận sân nhà gồm: trận gặp Malaysia (ngày 10.10), gặp UAE (14.11), Thái Lan (19.11) và Indonesia (ngày 4.6.2020), bản quyền truyền thông đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bán cho Next Media.
Đơn vị này sở hữu trọn vẹn gói bản quyền trận Việt Nam - Thái Lan ngày 19.11 trên phạm vi toàn thế giới (trong và ngoài lãnh thổ VN), với tất cả hạ tầng truyền dẫn như mặt đất, cable, vệ tinh, IPTV, internet, di động; quyền trình chiếu công cộng, khai thác trên mạng xã hội... Vấn đề còn lại là công ty này sẽ chọn đối tác nào để phát sóng (trên các hạ tầng) mà thôi. Hiện một số đài tại Thái Lan cũng muốn mua bản quyền trận đấu lượt về và Next Media sẽ tiến hành đàm phán vào thời gian tới.
Người hâm mộ Việt Nam đặc biệt lo lắng bởi đến thời điểm này, trận đấu lượt đi giữa Thái Lan và Việt Nam ngày 5.9 vẫn chưa biết sẽ phát ở đâu và có nguy cơ không được xem qua truyền hình. Đối tác của LĐBĐ Thái Lan (FAT) hiện đưa giá rất cao khi các đơn vị truyền hình tại Việt Nam muốn mua. Giá ban đầu, như Thanh Niên đưa tin, là không dưới 300.000 USD (gần 7 tỉ đồng). Sau đó, họ giảm xuống còn hơn 200.000 USD (gần 5 tỉ đồng). Dù đã giảm nhưng đây vẫn là con số quá cao mà theo một chuyên gia về sở hữu bản quyền tại Việt Nam, mức giá chỉ khoảng 80.000 - 100.000 USD là phù hợp.

Cuộc chiến Thái Lan và Việt Nam bao giờ cũng nóng bỏng

Độc Lập

Hiện tại, VTV đang rốt ráo đàm phán nhưng chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng với đối tác. Nhiều khán giả đã chia sẻ ý kiến rằng, họ mong muốn Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) “nhảy” vào “giải cứu” như từng giải cứu gói bản quyền ASIAD 18 năm ngoái. Nhưng thông tin mà Thanh Niên nắm được, VOV hay VTC sẽ không mua. FPT và HTV TP.HCM cũng đứng ngoài cuộc.
Câu hỏi được đặt ra ở đây, vậy tại sao một số đơn vị không bắt tay nhau cùng mua để giảm gánh nặng chi phí. Bộ Thông tin - Truyền thông mới đây cũng bày tỏ quan điểm nên chăng các đài không mua riêng lẻ mà hợp tác để các bên cùng có lợi, mà lợi nhất là khán giả.

CĐV của 2 đội luôn nóng lòng chờ cuộc thư hùng hấp dẫn này

Độc Lập

Một giải pháp khác cũng nên được tính tới là tại sao không trao đổi bản quyền phát sóng trận lượt đi và về giữa Thái Lan - Việt Nam. Next Media là đơn vị sở hữu gói bản quyền trận lượt về trong và ngoài Việt Nam thì nên làm việc với đối tác Thái Lan để tiến hành “hàng đổi hàng”. Nghĩa là nếu anh cho tôi bản quyền trận lượt đi thì tôi sẽ trao cho anh bản quyền trận lượt về. Như vậy, khán giả Việt Nam và Thái Lan đều được hưởng lợi. Được biết, Next Media cũng đang tính đến phương án này nếu như VTV không thể mua được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.