Nghề môi giới cầu thủ: “Cò” loạn xạ ở môi trường béo bở Việt Nam

25/08/2020 09:10 GMT+7

Nghề môi giới cầu thủ (còn gọi “cò bóng đá ”) có những ông trùm như T.T.Đ nhưng thị trường bóng đá VN - từng được mệnh danh là số 1 Đông Nam Á - vẫn đủ rộng để rất nhiều người trong nghề cũng như kẻ ngoại đạo bóng đá có thể thỏa sức chung tay “hút chất béo”.

Ông bầu, HLV, giám đốc, phiên dịch… cùng đi làm “cò”

Đặc thù của nghề môi giới cầu thủ cần trước nhất là sự quen biết, sau đó vẫn là… quan hệ rồi mới bàn đến vấn đề khác. Thực tế, rào cản lớn nhất với những người ngoại đạo chính là làm sao lấy được thiện cảm của lãnh đạo các CLB, BHL để cầu thủ mình “lọt vào mắt xanh” trong cuộc đua kiếm một suất trong đội hình. Do vậy, khi bóng đá VN giai đoạn đầu lên chuyên nghiệp bùng nổ bởi cuộc đua vung tiền của các ông bầu, những thành viên của BHL, giám đốc CLB có lợi thế rất lớn để làm “cò”. Đặc biệt nhiều phiên dịch của các CLB có lợi thế ngoại ngữ, thường xuyên tiếp xúc với người đại diện nước ngoài rất tự nhiên trở thành “cò” như một nghề tay trái làm chơi ăn thật. Có một dạo rất nhiều phiên dịch của các CLB đều kiêm nhiệm tuyển trạch viên cho chính đội bóng của mình. Thậm chí, nhờ mối quan hệ trong nước sau khi Tây đội mình thử không thành, họ còn mở rộng thị trường bằng cách giới thiệu cho CLB khác để thử việc.
Với nhiều lãnh đạo CLB lỡ ký ngoại binh hay quá thì rất khó ăn nói vì khó… đuổi. Vậy nên có những đội bóng thay Tây như thay áo ở mỗi kỳ chuyển nhượng. Điểm chung đó thường là những đội nửa dưới bảng xếp hạng, trong khi những đội tranh vô địch lại thích tìm những Tây hay, ổn định hơn.
Khoảng trước năm 2015, hầu hết CLB đứng ra lo tiền thủ tục nhập cảnh, vé máy bay, ăn ở… cả trăm triệu đồng cho cầu thủ Tây thử việc nên những “cò phiên dịch” rất khỏe vì không phải bỏ vốn đầu tư, lại có sẵn mối quan hệ. “Đằng nào CLB cũng bỏ tiền ra đem qua để thử việc. Họ nếu thử không đạt vì không phù hợp yêu cầu của đội bóng, hoặc không hợp gu của HLV trưởng. Nhưng sang đội bóng khác thì có thể sẽ trở thành ngôi sao. Do vậy, nhiều CLB tỉnh lẻ khó khăn kiếm Tây sẵn sàng liên lạc để xin thử ngoại binh của đội bóng thuộc các CLB lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… để thử việc ké.

Ngoại binh đến Việt Nam hầu hêt đều qua cò

VPF

“Chẳng mất mát gì cả mà nếu thành công cũng có được chút tiền trà nước”, một người hiện đang làm phiên dịch kiêm trợ lý một CLB V-League bày tỏ. Nhờ vậy, bóng đá VN có những trường hợp thú vị về những phiên dịch giỏi năng lực “cò bóng đá”, lấy thêm bằng A HLV của AFC để trở thành cốt cán BHL nhiều đội bóng trải dài từ Bắc, Trung, Nam. Chính vì thấy ngon ăn nên về sau những thành viên khác của BHL, ban lãnh đạo các đội bóng cũng thi nhau làm “cò”. Cá biệt, có ông bầu ở một đội bóng V-League phía bắc hiện nay nổi danh là một “cò bóng đá” siêu thực dụng và bạc tình khi săn, nuôi và bán cầu thủ.

Vì sao Tây lởm, đắt được thích hơn Tây xịn, rẻ ?

Thực tế, các HLV, ông bầu hoặc giám đốc điều hành CLB chính là những người nắm nhịp điệu của cuộc chơi. Vì chỉ cần cái gật đầu có thể bỏ túi hàng chục ngàn USD. Còn nhớ năm 2007 khi CĐV Thanh Hóa làm loạn trên sân Quân khu 7 vì bức xúc thì ở dưới sân một số cầu thủ đội bóng xứ Thanh đã khóc. Họ uất ức: “Tụi nó (ý chỉ lãnh đạo CLB - PV) giết đội bóng anh ơi. Tây hay, ngon mà rẻ thì bị chê trong khi lấy về toàn Tây dở. Đúng ra ngoại binh phải là chỗ dựa cho đội bóng thì đằng này tụi tôi phải gánh Tây, đá không nổi”. Lẽ thường khi tuyển ngoại binh thì yếu tố chuyên môn là ưu tiên số 1, sau đó là tính tình, giá cả. Nhưng khi những người điều hành CLB muốn nhúng tay vào cuộc chơi thì thứ tự sẽ “linh động” hơn một chút.
Còn ngoại binh giỏi mà rẻ tại sao lại không được chọn? Hãy nhìn lại câu chuyện của Pedro Paulo - Geovane Megno tại Sài Gòn. Nguyên tắc sống của “cò bóng đá” là luân chuyển liên tục. Cầu thủ có di chuyển giữa các CLB thì họ mới vui vì đều đặn có tiền “phế” và ngược lại lãnh đạo CLB cũng có “hương hoa”. Điều này nhiều khi không liên quan hay, dở chuyên môn.

Nhiều ngoại binh không mấy nổi bật vẫn được các CLB Việt Nam ký vi giá cả phù hợp và dễ thay đổi

VPF

Mâu thuẫn xuất hiện ở đây khi lãnh đạo CLB Sài Gòn vừa tiếp quản muốn giữ những cầu thủ này lại. Không ngạc nhiên nhiều CLB có thói quen ký những anh Tây rất dở, để giữa mùa nhiều khi thay sạch toàn bộ. Cầu thủ nội bức xúc thấy CĐV nóng nảy nhưng rất khó để giải thích, chỉ mong sang giai đoạn 2 khi thành tích tệ quá thì CLB sẽ mua những ngoại binh hay để gánh đội. Những giọt nước mắt của cầu thủ Thanh Hóa năm 2007 đến giờ vẫn còn nguyên giá trị thời sự là vậy. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.