“Người đặc biệt” Lưu Ngọc Hùng

07/03/2010 18:17 GMT+7

(TNTS) Là một cầu thủ có lối sống thầm lặng nhưng đầy tình cảm, Lưu Ngọc Hùng, 29 tuổi, đã chấp nhận từ bỏ những món tiền tỉ để trở lại với bóng đá TP.HCM. Nhưng mục tiêu không rõ ràng của đội bóng này khiến anh có thể sẽ lại... xa xứ.

Lưu Ngọc Hùng trong màu áo Thép - Cảng - Ảnh: Khả Hòa

(TNTS) Là một cầu thủ có lối sống thầm lặng nhưng đầy tình cảm, Lưu Ngọc Hùng, 29 tuổi, đã chấp nhận từ bỏ những món tiền tỉ để trở lại với bóng đá TP.HCM. Nhưng mục tiêu không rõ ràng của đội bóng này khiến anh có thể sẽ lại... xa xứ.

Chất sinh viên

Nếu ở Hàn Quốc, Thái Lan hay Trung Quốc, một cầu thủ giỏi nhiều khi được đào tạo từ môi trường đại học và có những sinh viên khi tốt nghiệp ra trường rồi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nổi tiếng thì điều đó trở nên lạ lẫm với môi trường bóng đá Việt Nam. Hằng năm chúng ta đều có giải sinh viên, nhưng có rất ít, nếu không muốn nói là không có phát hiện nào đáng kể để sau đó trở thành cầu thủ giỏi. Thế nên trường hợp trung vệ Lưu Ngọc Hùng có thể xem là đặc biệt.

Khi còn là một cầu thủ sinh viên, Lưu Ngọc Hùng đá ở nhiều vị trí, nhưng như anh tâm sự: “Tôi rất thích đá ở trung tâm hàng thủ vì từ nhỏ tôi mê mẩn phong cách đá bọc lót chắc chắn của Đỗ Khải, vừa ít mất sức mà đầy hiệu quả”. Thế nên sau khi được HLV Đặng Trần Chỉnh phát hiện và đưa anh từ trường Kỹ thuật công nghiệp để bước vào làng bóng đá chuyên nghiệp, Hùng chỉ chơi chuyên vị trí trung vệ. Nhờ cần cù và có tư chất thông minh lại đá có nét hào hoa giống như Phạm Huỳnh Tam Lang trước đây, Hùng nhanh chóng chiếm được vị trí chính thức, đóng góp khá tốt cho bóng đá TP.HCM một thời gian dài.


HLV trưởng Võ Hoàng Bửu đeo băng đội trưởng cho Ngọc Hùng - Ảnh: Khả Hòa

Có lần Hùng cho biết: “Dù chơi chuyên nghiệp nhưng bao giờ tôi cũng luôn mang trong mình sự tươi tắn và trẻ trung của bóng đá sinh viên. Với tôi đã ra sân là phải “cháy” hết mình vì tôi học được nhiều từ phong cách rực lửa và sự quyết liệt cần thiết của cầu thủ sinh viên. Do vậy khi cuộc sống bóng đá chuyên nghiệp luôn là sự vận động không ngừng thì một cầu thủ sinh viên như tôi cần phải luôn hướng về phía trước. Thỏa mãn nghĩa là sẽ dừng lại. Tôi luôn nhớ về câu đó khi còn ngồi ghế nhà trường nên luôn tự đặt ra cho mình động lực và mục tiêu là phải chơi sao để khi rời sân luôn có thể ngẩng cao đầu chứ không làm điều gì xấu hổ với chính mình”.

Nhưng cũng như bao cầu thủ chuyên nghiệp khác khi thành danh, Ngọc Hùng buộc phải chọn cho mình một bến đỗ đủ khả năng nuôi sống bản thân và gia đình. Sau khi HLV Đặng Trần Chỉnh chia tay CLB TP.HCM, do chịu ảnh hưởng lớn từ người thầy đáng quý này, Ngọc Hùng cũng khăn gói ra Ninh Bình, trở thành trụ cột và đeo băng đội trưởng ở đây. Chủ tịch CLB Vissai Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường nói: “Ngọc Hùng chính là một thủ lĩnh, một chỗ dựa đáng tin cậy cho cả đội. Có anh ở dưới, hàng thủ của Nình Bình rất chắc chắn và nhờ vậy chúng tôi đã vô địch giải hạng nhất mùa trước để thăng hạng. Nhiều lần Bình Dương đánh tiếng muốn có Hùng nhưng chúng tôi không đồng ý. Nhưng tôi biết Hùng là một cầu thủ rất tình cảm, luôn biết trên biết dưới nên khi anh ngỏ ý muốn quay lại TP.HCM, tôi chấp thuận”.

Việc Ngọc Hùng quay lại với bóng đá TP.HCM chính là từ HLV Đặng Trần Chỉnh khi ông thầy này được mời trở lại nắm đội. Ông Đặng Trần Chỉnh rất cần những cầu thủ có kinh nghiệm để củng cố CLB nên chọn Hùng. Lúc đó, Hùng đã được “bật đèn xanh” và sau khi đá trận cuối cùng trong màu áo Visai Ninh Bình ở giải bóng đá BIDC tại Campuchia, Hùng về lại CLB TP.HCM chỉ với khoản lót tay 400 triệu đồng. Một con số mà lẽ ra nếu anh về một CLB lớn khác hoặc ở lại Ninh Bình thì anh sẽ có gần 2 tỉ đồng đút túi.

Và những nỗi niềm

Dù chơi trong môi trường nào, Ngọc Hùng vẫn luôn được các đồng đội quý mến. Anh sống hòa hợp, ít làm mất lòng ai, trừ sự cố bị trung vệ John Wole có lần đánh tét máu đầu phải nhập viện 2 mùa trước đây do bản tính cộc cằn nóng nảy của cầu thủ ngoại này. Nhiều cầu thủ trẻ luôn quý mến tính hiền hòa và hay giúp đỡ mọi người của Hùng, luôn xem anh là chỗ dựa tinh thần và rất nể trọng ý kiến của anh. 

Mỗi khi có chuyện, anh em trong đội thường nhờ Hùng có ý kiến với lãnh đạo vì lối ăn nói văn hoa, khéo léo của một cầu thủ có học và cách xử sự có văn hóa của anh. Cũng có khi, do phong cách hơi tếu táo và ăn mặc có phần màu mè nên Hùng bị anh em trong đội gọi là “Hùng màu”. Gọi vậy Hùng cũng chẳng buồn vì anh thường nói: “Cuộc sống đàn ông đôi khi cũng phải biết tự chăm sóc cho mình. Phải điệu lên một chút để cuộc đời thêm vui và cũng phải học hỏi các cầu thủ chuyên nghiệp của Anh, Ý, họ rất sang trọng trong cuộc sống đời thường. Cầu thủ Việt Nam nếu cứ quần đùi áo số trong sinh hoạt thì làm sao tiến bộ được”.

Là một cầu thủ có nhiều tâm tư nên Hùng cũng không tránh khỏi nỗi niềm. Khi trở lại TP.HCM anh được hứa hẹn và cũng kỳ vọng vào một sự thay da đổi thịt để đội bóng thật sự lột xác. Nhưng sự va chạm giữa lãnh đạo đội CLB TP.HCM với LĐBĐ sở tại, rồi cách đầu tư nửa vời của đội bóng khiến cho Hùng cảm thấy con đường phía trước có quá nhiều chông chênh. Đội bóng không được sự hậu thuẫn mạnh từ các cấp có trách nhiệm của thành phố nên tư tưởng anh em cũng có phần chao đảo. Với cương vị đội trưởng, Hùng đã tìm cách kéo họ lại để vẫn đoàn kết mỗi chiều thứ bảy ra sân ở giải hạng nhất. Nhưng anh cũng thừa nhận: “Tôi không chắc mọi chuyện có tốt lên từ đây đến cuối mùa không, khi mà đội bóng hiện vẫn hoạt động thiếu lửa. Cả đội chỉ biết cố từng trận. Bản thân tôi có lúc mệt mỏi và nhiều đội cũng đã đặt vấn đề nên chơi ở môi trường có sự đầu tư thỏa đáng hơn. Tôi không muốn phụ CLB TP.HCM. Nhưng nếu với đà không thay đổi này thì chuyện gì đến rồi sẽ đến...”.

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.