Nguyễn Trung Kiên chàng lữ khách đất Sài thành

14/01/2010 16:04 GMT+7

(TNTS) Từ Nam Định chuyển vào Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn với giá chuyển nhượng kỷ lục năm 2005, những tưởng Nguyễn Trung Kiên sẽ làm nên tên tuổi của mình. Thế nhưng vì những lý do khác nhau, cựu tuyển thủ quốc gia này mới có dịp trở lại ở mùa giải 2010. Suốt 5 năm trời thăng trầm với bóng đá TP.HCM, Kiên vẫn bản lĩnh nói, nếu chọn lại, anh vẫn sẽ quyết định lập nghiệp ở mảnh đất phương Nam này.

Ở tuổi 31, Trung Kiên dù ít thi đấu do chấn thương, vẫn là trụ cột của Thép - Cảng - Ảnh: Khả Hòa

(TNTS) Từ Nam Định chuyển vào Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn với giá chuyển nhượng kỷ lục năm 2005, những tưởng Nguyễn Trung Kiên sẽ làm nên tên tuổi của mình. Thế nhưng vì những lý do khác nhau, cựu tuyển thủ quốc gia này mới có dịp trở lại ở mùa giải 2010. Suốt 5 năm trời thăng trầm với bóng đá TP.HCM, Kiên vẫn bản lĩnh nói, nếu chọn lại, anh vẫn sẽ quyết định lập nghiệp ở mảnh đất phương Nam này.

Xung quanh bản hợp đồng kỷ lục

Phi vụ chuyển nhượng Nguyễn Trung Kiên từ Nam Định về Cảng Sài Gòn vào giữa mùa bóng 2005 được xem là bản hợp đồng kỷ lục với bóng đá VN lúc bấy giờ. Khi bóng đá VN đang từng bước tiến lên chuyên nghiệp, những phi vụ chuyển nhượng đáng nhớ như vụ tiền vệ Trường Giang từ Tiền Giang về khoác áo Bình Dương hay thủ môn Thế Anh (SLNA) về Đông Á - TP.HCM đã gây xôn xao dư luận. Nhưng khi thỏa thuận giữa lãnh đạo CLB Nam Định và Thép - Cảng hoàn tất, những vụ chuyển nhượng của Thế Anh và Trường Giang phải lùi vào quên lãng, bởi ở thời điểm đó, vụ chuyển nhượng của Nguyễn Trung Kiên lập kỷ lục mới với giá 1 tỉ 200 triệu đồng. Đây là vụ chuyển nhượng thành công nhất của Nam Định lúc ấy. Nó thành công không chỉ vì giá tiền cao ngất ngưởng mà còn thành công khi những người làm bóng đá Nam Định muốn Kiên rời khỏi thành Nam vì những bất đồng với lãnh đạo ngoài chuyện chuyên môn. Khi hợp đồng được ký, chính lãnh đạo CLB Nam Định đã vui ra mặt bởi được cả chì lẫn chài.

Hồi đó, sở dĩ Thép - Cảng phải chi ra một số tiền lớn vì Trung Kiên là trụ cột của đội tuyển quốc gia VN tại Tiger Cup 2004 và HLV Đặng Trần Chỉnh cần có một thủ lĩnh ở giữa sân, có kỹ thuật tốt, thi đấu thông minh để duy trì lối chơi đẹp của đội bóng này. Ngoài ra, thời hạn bản hợp đồng có giá trị lên đến 7 năm (từ năm 2005 đến năm 2012), nên BHL CSG có thể hài lòng với số tiền mình bỏ ra. Thời điểm ấy, các ngôi sao bóng đá VN chưa “khôn” như bây giờ, nên phần lớn số tiền chuyển nhượng của Trung Kiên đều được rót vào tài khoản của CLB Nam Định, riêng Kiên chỉ nhận được 200 triệu đồng. Một số tiền chẳng thấm vào đâu, nếu so với các phi vụ cầu thủ thuê luật sư tư vấn rồi tự giải phóng hợp đồng như Công Vinh, Mai Tiến Thành… để thoải mái ra đi với hàng tỉ đồng chảy vào túi riêng. Khi chúng tôi hỏi vì sao Kiên lại đồng ý thời hạn ràng buộc hợp đồng lên đến 7 năm, chàng trai quê Nam Định thật thà bảo: “Lúc đó tôi có biết gì đâu, mọi thứ đều do lãnh đạo làm, các chú bảo sao thì nghe vậy, chứ đâu phải như bây giờ”.

Thăng trầm trên miền đất hứa

 
 
TP.HCM thường được gọi là miền đất hứa với những ai đến đây lập nghiệp, sinh sống. Nhưng với Kiên, quãng thời gian vừa qua là những tháng ngày vất vả. Khoác áo Thép - Cảng thi đấu chỉ được vài trận, Trung Kiên dính chấn thương ở cổ chân phải nên không thể chơi đúng khả năng của mình. Những lúc thi đấu trên sân, Kiên còn bị áp lực bởi cổ động viên Thép - Cảng  luôn đòi hỏi cầu thủ có số tiền chuyển nhượng kỷ lục phải xứng đáng với số tiền mà CLB bỏ ra. Không vượt qua được chấn thương và áp lực từ cầu trường, Kiên dần đánh mất bản năng chơi bóng của mình. 

Đầu mùa bóng 2006, HLV Đặng Trần Chỉnh tin tưởng giao cho Kiên chiếc băng đội trưởng để động viên, thế nhưng anh thi đấu vẫn mờ nhạt trên sân. Mỗi mùa bóng qua đi, cái tên Nguyễn Trung Kiên phai nhạt dần trong ký ức của cổ động viên TP.HCM. Đến mùa giải 2008, rồi 2009 chẳng ai còn nhớ Kiên Nam Định với mức chuyển nhượng kỷ lục ngày nào. Thép - Cảng xuống hạng, sự thờ ơ với bóng đá của cổ động viên TP.HCM ngày một lớn hơn. Trong nỗ lực xây dựng lại CLB TP.HCM để trở lại V-League, Nguyễn Trung Kiên được lãnh đạo CLB tạo điều kiện cho đi mổ chấn thương gót chân vào tháng 6.2009. Sau ca mổ thành công, Trung Kiên tích cực tập luyện trở lại và anh đã có màn ra mắt ấn tượng trong chiến thắng 3-2 của TP.HCM trước Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) trong Cúp LĐBĐ TP.HCM 2010. HLV Võ Hoàng Bửu của TP.HCM biết rõ sự lợi hại của Kiên nên đã sử dụng anh như át chủ bài trong những pha triển khai tấn công của CLB mình.

Ở tuổi 31 (Kiên sinh năm 1979), dù không còn đủ sức để chơi suốt 90 phút với tốc độ cao, nhưng kinh nghiệm và bản lĩnh của Kiên sẽ góp phần đáng kể vào chiến dịch trở lại V-League của TP.HCM. Trao đổi với chúng tôi, Kiên nói: “CLB TP.HCM sẽ gặp khó khăn vì lực lượng quá mỏng trong khi người hâm mộ đòi hỏi phải trở lại V-League ngay mùa giải năm nay. Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng mỗi chúng tôi đều cố gắng để thực hiện giấc mơ thăng hạng”.

Ước vọng trở thành HLV

Khi vào TP.HCM khoác áo Thép - Cảng, Trung Kiên đã quyết đưa gia đình mình vào lập nghiệp ở Sài Gòn. “Tôi biết mình phải sống TP.HCM ít nhất 7 năm nên không thể để vợ con ở quê nhà được. Vợ tôi đã đồng thuận theo chồng, nên dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi cũng cảm thấy thoải mái tại TP.HCM. Nếu có chọn lại, tôi cũng sẽ chọn TP.HCM lập nghiệp, bởi dù còn nhiều thăng trầm, nhưng tôi thấy mình hợp với cuộc sống nơi đây”.

Hiện vợ chồng Kiên cùng cô con gái 4 tuổi vẫn tá túc trong căn nhà trọ ở quận 7, nhưng hai vợ chồng đang tích cóp để có thể mua được ngôi nhà nhỏ trong thời gian tới. Thời gian qua, dù bận bịu trong tập luyện và thi đấu, nhưng Trung Kiên đã chuẩn bị cho tương lai khi anh học xong bằng C HLV và đang theo học năm 2 Đại học Thể dục - Thể thao. Ước mơ của Kiên là trở thành HLV của một đội bóng nào đó, để tiếp tục sống và gắn bó với quả bóng tròn. “Tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể trở thành HLV sau khi giải nghệ vào năm 2012. Với kinh nghiệm của mình, tôi tin mình sẽ tìm được công việc phù hợp”, Nguyễn Trung Kiên tin tưởng vào tương lai trước mắt của mình.

Quang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.