Vụ lật kèo của bóng đá Việt Nam: Trương Văn Dưỡng từng bị dọa cắt gân chân

05/09/2020 09:23 GMT+7

Sự cố tiêu cực liên quan đến mua bán độ của một nhóm cầu thủ đội Hải Quan năm 1997 đến nay vẫn là vết nhơ của bóng đá Việt Nam . Nhưng mọi việc chỉ vỡ lở khi cơ quan điều tra được người trong cuộc yêu cầu bảo vệ do bị nghi lật kèo và bị dọa cắt gân chân.

2 trận đấu “lật kèo”

Mùa giải vô địch quốc gia năm 1997 có 12 đội thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm xếp hạng, mỗi đội thi đấu 22 trận. Khi thống kê lại bảng thành tích cuối mùa giải, nhiều người ngạc nhiên khi thấy chỉ số của đội Hải Quan xếp thứ 6 quá tròn trịa với 9 trận thắng, 4 trận hòa và 9 trận thua, trong đó có đến 8 đối thủ mà đội bóng TP.HCM đều thắng qua thua lại theo phương châm “3 đi 3 về”, tức anh thắng lượt đi, tôi thắng lượt về. Ban đầu thì ai cũng nghĩ đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng sau khi cơ quan điều tra lần theo manh mối phát hiện đường dây tiêu cực liên quan đến một nhóm cầu thủ Hải Quan bán độ thì có đến 8 trận đấu có “mùi” được dàn xếp bởi những quan chức “bóng bàn”, một số trận còn lại chính những người trong cuộc thừa nhận họ đã nhận tiền làm sai lệch kết quả trận đấu.
Tuy nhiên có ít nhất 2 trận việc nhận tiền của nhóm cầu thủ Hải Quan bị “biến tướng” khiến các trùm độ đứng phía sau điên tiết cho rằng họ lật kèo. Đó là trận đấu trên sân Thống Nhất ngày 3.8.1997 giữa Hải Quan với Khánh Hòa và trận ngày 2.11.1997 trên sân Lạch Tray giữa Công an Hải Phòng với Hải Quan. Cả 2 trận này trùm độ Trần Phi Sơn (tức Sơn “cao”) đã đặt cược lên đến hàng tỉ đồng và đã yêu cầu nhóm cầu thủ Hải Quan do Trương Văn Dưỡng cầm đầu thực hiện đúng tỷ số mà ông trùm này đưa ra. Nhưng cả 2 trận này mọi chuyện lại đi ngược khiến tay trùm này phải bán cả căn nhà ở đường Lãnh Binh Thăng để “chung độ”.
Trong trận Hải Quan - Khánh Hòa, lượt đi tại sân Nha Trang, đội bóng TP.HCM đã thắng 1-0, theo thỏa thuận đội bóng phố biển sẽ lấy lại 3 điểm tại sân Thống Nhất. Chính nhóm cầu thủ Hải Quan cũng thừa hiểu “luật chơi” nên trong trận cũng đã nhiều lần bộc lộ sơ hở để cho đội Khánh Hòa có cơ hội ghi bàn. Nhưng theo lời kể của nhóm cầu thủ Hải Quan thì một số cầu thủ Khánh Hòa lại không muốn thắng nên đội bóng TP.HCM không thể tự đưa bóng một cách lộ liễu vào lưới nhà dẫn đến kết quả 0-0. Sau trận Sơn “cao” đã làm ầm ĩ và cho rằng có người đã “chi tiền” cho Trương Văn Dưỡng và hàng thủ Hải Quan lật kèo khiến tay trùm này thua sấp mặt.

Trận Hải Quan hòa Khánh Hòa trên sân Thống Nhất năm 1997

Nguyễn Nhân

Vì chuyện bể kèo đó nên Sơn “cao” lệnh cho Trương Văn Dưỡng và nhóm cầu thủ Hải Quan phải giúp y gỡ lại trận đấu tại Lạch Tray. Lẽ thường trận lượt đi Hải Quan đã thắng 3-0 trên sân Thống Nhất nên giao kèo là ít nhất phải thua lại 2 bàn cách biệt ở đất Cảng. Nhưng Sơn “cao” yêu cầu trận này Hải Quan chỉ được quyền thua 1 bàn để tay trùm này “thắng trọn ổ” với những người đặt cược vào chuyện từ 2 bàn cách biệt trở lên. Thế là Trương Văn Dưỡng và nhóm “bán mình cho quỷ” đã cắn răng thi đấu, phòng ngự kiên cường cố gắng chỉ để thua 1 bàn. Khi mà mọi chuyện tưởng chừng đúng kế hoạch thì đến phút 76, tiền đạo Nguyễn Công Vinh phá bẫy việt vị ghi bàn thứ 2 cho Hải Phòng. Sơn “cao” nhận tin như “chết đứng” và một lần nữa cho rằng nhóm cầu thủ Hải Quan đã cố tình nhận tiền của đối tác khác ở đất Cảng, ăn 2 đầu để lật kèo.

“Dọa cắt gân chân và xin tí huyết”

Ngay khi đội bóng trở về TP.HCM, Trương Văn Dưỡng đã nhận nhiều cuộc gọi và tin nhắn của Sơn “cao” cùng đàn em dọa cắt gân chân và xin tí huyết khiến cầu thủ này và gia đình vô cùng bất an. Để đảm bảo cho sự an toàn của mình và vợ con, Dưỡng đã khai báo với cơ quan điều tra về những trận đấu này cũng như những trận dàn xếp tỉ số khác. Dưỡng thừa nhận quen với Sơn "cao" và hay được tay trùm này đưa tiền trực tiếp hoặc thông qua một cựu cầu thủ Hải Quan khác là Trần Minh Trung, mỗi trận từ 20 - 40 triệu đồng. Địa điểm trao tiền thường ở quán cà phê trên đường Huỳnh Văn Bánh, gần khu nhà ở tập thể của đội Hải Quan.

Số tiền này được chia cho một số anh em trong đội khi làm độ, riêng Dưỡng được khoảng 2 - 5 triệu đồng tùy trận. Trong cả mùa giải năm 1997, Dưỡng cho biết anh nhận tổng cộng khoảng vài chục triệu đồng. Ngoài việc "bắt tay" với Sơn "cao", Dưỡng nói anh không chơi với bất cứ một tay trùm nào khác. Nhưng việc để xảy ra 2 trận đấu bị coi là lật kèo, Dưỡng nói không biết trong đội có ai khác chi phối hay không nhưng anh và nhóm cầu thủ liên đới không làm chuyện đó. Chằng qua do thua quá đậm nên Sơn "cao" nghi ngờ Dưỡng nhận tiền của thế lực ngầm khác để phản kèo.

Trận Hải Quan thắng Công an Hải Phòng 3-0 trên sân Thống Nhất

Nguyễn Nhân

Dù tin hay không lời thú nhận của Dưỡng về chuyện “lật kèo” khiến đến nay đó vẫn là câu chuyện trong bóng tối. Nhưng với những gì xảy ra thời đó có thể thấy bóng đá Việt Nam thực sự bị nạn mua bán độ hoành hoành dữ dội, nên chuyện dàn xếp tỉ số, lật kèo như cơm bữa. Vấn đề là chuyện bán độ, lật kèo chỉ vỡ lở khi chính cầu thủ Hải Quan tiết lộ ra và thừa nhận khi đã bước vào cuộc chơi này rồi thì rất khó dứt ra vì nó như "cơn nghiện” cứ nghĩ làm được một rồi hai trận trót lọt rồi cứ thế mà lao theo như "thiêu thân". Từ đó người ta mới biết được có hẵn một đường dây tinh vi như vòi bạch tuột chi phối hủy hoại một thời gian dài với bóng đá Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.