Ở Nhật Bản chưa bao giờ có CLB bỏ giải vì khủng hoảng tài chính

07/05/2014 16:27 GMT+7

(TNO) 'Đến Việt Nam làm việc kể từ vòng đấu thứ 8, V-League có như ông tưởng tượng không? Và liệu ông có thể đem đến diện mạo mới cho giải đấu?' - câu hỏi khó này được gửi tới Trưởng Ban tổ chức (BTC) giải Tanaka Koji trong cuộc gặp gỡ báo chí định kỳ vào ngày 7.5.

(TNO) 'Đến Việt Nam làm việc kể từ vòng đấu thứ 8, V-League có như ông tưởng tượng không? Và liệu ông có thể đem đến diện mạo mới cho giải đấu?' - câu hỏi khó này được gửi tới Trưởng Ban tổ chức (BTC) giải Tanaka Koji trong cuộc gặp gỡ báo chí định kỳ vào ngày 7.5.

>> Nhân tố bí ấn' Tanaka Koji: Thủng ghế hay thủng niềm tin?
>> Tân trưởng giải Tanaka Koji: V-League nên đi theo mô hình của J-League
>> Tanaka Koji sẽ làm Trưởng giải bóng đá Việt 1 năm

 
Ông Tanaka Koji (trái) đang theo dõi một trận đấu tại V-League 2014 - Ảnh: Minh Tú

Ông Koji trả lời: “Việc thay đổi chất lượng một giải đấu không đơn giản và không thể ngay lập tức. Tôi thấy rằng, các cầu thủ tại đã thi đấu hết sức mình nhưng nhìn chung vẫn còn một số vấn đề cần cải thiện.

Trước hết, cần phải cải tiến về cách điều hành trận đấu của các BTC sân và rõ ràng cũng chưa thể cải tiến được ngay.

Và VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam), VPF (Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam) phải có biện pháp triệt để nhằm giảm số lượng thẻ vàng xuống. Đạo đức và tư cách cầu thủ chưa thật sự tốt.

Một số cầu thủ các CLB thi đấu quyết liệt quá mức, không nghiêm túc chấp hành luật và không tôn trọng cầu thủ đội bạn, thể hiện thái độ thi đấu cay cú ăn thua, vi phạm lỗi nghiêm trọng. Thống kê số thẻ vàng, thẻ đỏ qua 15 vòng đấu ở V-League là khá cao: Tổng cộng 414 thẻ vàng/83 trận, trung bình 4,99 thẻ/trận. 18 thẻ đỏ.

Cầu thủ phải thi đấu với thái độ chuyên nghiệp hơn. Tôi thấy hơi ngạc nhiên khi có những CLB rất đông khán giả nhưng ngược lại có CLB rất ít khán giả. Phải nỗ lực hơn để lôi kéo khán giả đến xem”.

 
Khán đài sân Lạch Tray chật kín khán giả - Ảnh: Minh Tú

Ông Koji đã được VPF kể lại về tình trạng CLB bỏ giải như Xuân Thành Sài Gòn tại  V-League 2013 và chính mắt ông được chứng kiến Ninh Bình bỏ giải tại V-League 2014.

Ông bình luận: “Khó khăn về kinh tế là thực trạng của Bóng đá Việt Nam. Ở Nhật Bản, chưa bao giờ có đội bỏ giải J-League vì bất kỳ lý do gì, kể cả lý do khủng hoảng tài chính. Đằng sau các CLB luôn có những nhà tài trợ, nghiệp đoàn hùng mạnh nên tài chính CLB rất vững.

Ngoài ra, CLB thu được đáng kể tử tiền bán vé, tiền bản quyền truyền hình. Nếu có CLB nào đó khó khăn về tài chính, J-League sẽ hỗ trợ phần nào đó. Và sau đó, CLB này phải có nghĩa vụ trả nợ cho BTC trong một thời gian nhất định. Nếu có CLB cảm thấy không đủ lực thì họ bỏ giải ngay trước khi khởi tranh”.

Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc VPF, lấy ví dụ về con số để “minh họa” cho lời ông Koji: "Tại Nhật, thu nhập bình quân của mỗi CLB năm 2009 đã là 26,5 triệu USD. Còn ở Việt Nam, nguồn thu của Công ty VPF mới chỉ đạt khoảng 40 triệu USD (hơn 800 tỉ đồng)".

Về vấn đề thời sự của Bóng đá Việt Nam là cấp phép hành nghề, Thanh Niên Online hỏi: “Theo đánh giá của VPF, ngay thời điểm hiện tại có bao nhiêu CLB có thể được cấp phép?”.

Ông Phạm Ngọc Viễn nói: “Hiện nay đã có 16 Liên đoàn bóng đá quốc gia tại châu Á cấp phép cho các CLB. VFF sẽ là Liên đoàn thứ 17.

Hiện tại ở Việt Nam chỉ có khoảng 5,6 CLB đáp ứng ngay được yêu cầu về pháp lý, nhân sự, tài chính. Vì Bóng đá Việt Nam còn nhiều khó khăn, ở mùa giải 2015, chúng tôi sẽ đưa ra 3 yêu cầu bắt buộc thay vì 5 yêu cầu để CLB có thể được cấp phép: Phải có hệ thống đào tạo trẻ; Mặt sân đạt chất lượng, Điều kiện về tài chính (mỗi CLB dự V-League phải đảm bảo tiền hoạt động là 35 tỉ đồng, Hạng nhất là 15 tỉ đồng)".

Ninh Bình chưa nộp lệ phí tham dự giải

VPF cho biết, trong số tất cả các CLB dự V-League 2014, chỉ duy nhất Ninh Bình chưa nộp lệ phí tham dự giải 500 triệu đồng.

Về việc Ninh Bình bỏ giải do có 9 cầu thủ dính đến vụ án cá độ, ông Phạm Ngọc Viễn cho biết đến nay, VFF chưa có hình thức kỷ luật nhưng chắc chắn sẽ coi hành động tố giác của lãnh đạo CLB Ninh Bình như một tình tiết giảm nhẹ để CLB này không bị phạt quá nặng.

Hiếm tài năng trẻ

VPF nhận định: “Mặc dù chất lượng chuyên môn các trận đấu khá cao, quyết liệt, sôi nổi, nhưng những cầu thủ nội xuất sắc của các CLB vẫn là các khuôn mặt quen thuộc, đã đóng góp cho bóng đá Việt Nam từ một vài năm trước như: Anh Đức, Trọng Hoàng, Văn Bình (Becamex Bình Dương); Đức Tuấn, Tô Vĩnh Lợi (Thanh Hóa); Thành Lương, Văn Quyết (Hà Nội T&T); Quốc Anh, Minh Phương, Vũ Phong (SHB.Đà Nẵng); Công Vinh (SLNA); Minh Châu (Hải Phòng); Thành Trung (QNK.Quảng Nam); Minh Tuấn, Hải Huy (Than Quảng Ninh).

Bóng đá Việt Nam rất hiếm những tài năng mới, trẻ trung và hứa hẹn ở các tuyến thi đấu. Đối với giải Hạng nhất, việc phát hiện tài năng trẻ, có triển vọng ở các CLB còn khó khăn gấp bội. Đây là tín hiệu chưa lạc quan cho hướng phát triển tài năng trẻ của bóng đá nước nhà.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.