Ông Trần Anh Tú bất ngờ rút lui khỏi cuộc đua phó chủ tịch VFF

25/04/2018 23:37 GMT+7

Trước khi có chuyến công tác nước ngoài vào đêm 25.4, ông Trần Anh Tú – chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã bất ngờ thông báo không ra tranh cử vào chức danh phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nữa.

Ông Tú nói: “Tôi đã suy nghĩ mấy ngày nay và thấy rằng với việc không tham gia ứng cử, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung cho công việc tại VPF và các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam đang có những phát triển rất tích cực. Doanh nghiệp của tôi sẽ tiếp tục tài trợ cho các giải bóng đá trẻ, bóng đá nữ, futsal cũng như chương trình bóng đá học đường tại TP.HCM. Đây tuy không phải những hoạt động không phải bề nổi nhưng mang tính nền tảng cho bóng đá và luôn cần sự đầu tư”.
Ông Tú chia sẻ: “Đã có những sức ép lớn nhằm vào việc tôi đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của bóng đá Việt Nam, nhưng đó không phải lý do dẫn tới việc tôi xin rút. Vì chúng ta đều biết kết quả của công việc mới là điều nói lên năng lực của con người chứ không phải chức danh mà họ nắm giữ. Tôi rời khỏi cuộc tranh cử vì nhận thấy rắng, những tranh cãi xung quanh đại hội VFF đang tạo ra dư luận không tốt, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của những người làm bóng đá Việt Nam trong mắt người hâm mộ, bất chấp những tiến bộ về chuyên môn mà nền bóng đá của chúng ta đang đạt được.
Ông Trần Anh Tú sẽ chỉ còn giữ chức lãnh đạo VPF Vy Khánh
Tôi ra ứng cử chỉ với mục tiêu đóng góp và cũng rút lui khi nhận thấy đó là một động thái có lợi nhất cho bóng đá VN vào thời điểm này và tất cả sẽ tập trung toàn lực chuẩn bị cho những kế hoạch cấp thiết của bóng đá Việt Nam. Tôi hy vọng đại hội sẽ tìm ra được một người phù hợp với vị trí này và chắc chắn tôi sẽ ủng hộ hết mình cho những kế hoạch mang lại lợi ích cho bóng đá Việt Nam. Cần có ai đó chấm dứt những tranh cãi và tôi tin tưởng tất cả sẽ chung tay vì những lợi ích trước mắt và lâu dài của bóng đá Việt Nam. Đó là việc quan trọng nhất vào lúc này. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ tranh cử vào chức danh ủy viên ban chấp hành VFF khóa 8”.
Như vậy cuộc đua vào chiếc ghế phó chủ tịch tài chính sẽ tạm thời chỉ còn 2 ứng viên (VFF đã chính thức công bố đề án nhân sự vào ngày 19.4): Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty CP Ca cao VN Trần Văn Liêng (sinh năm 1968); Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Động Lực, chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền VN Lê Văn Thành (sinh năm 1959).
4 ứng viên cho chức danh phó chủ tịch chuyên môn gồm phó chủ tịch VFF khóa 7 Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1971); Trưởng văn phòng đại diện phía nam VFF Dương Vũ Lâm (sinh năm 1958); Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1958); Trưởng Ban chiến lược VFF khóa 7 Phạm Ngọc Viễn (sinh năm 1950). Ông Tuấn cũng là ứng viên thế hệ 7X duy nhất trong số 16 ứng viên cho các chức danh chủ chốt VFF khóa 8 và còn là ứng viên chức chủ tịch VFF cùng với 3 đối thủ nặng ký khác gồm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên Nguyễn Công Khế (sinh năm 1954); Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Cấn Văn Nghĩa (sinh năm 1958); Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học TDTT TP. HCM, Trưởng Ban y học VFF khóa 7 Lê Quý Phượng (sinh năm 1957). Ngoại trừ ông Nguyễn Công Khế, 3 ứng viên còn lại cho chức chủ tịch phải có sự đồng ý bằng văn bản cho ra tranh cử của Bộ VH – TT – DL theo đúng quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
Có 6 nhân vật được đề cử và ứng cử vào chức danh phó chủ tịch phụ trách truyền thông: Giám đốc điều hành phụ trách truyền thông Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC Cao Văn Chóng (sinh năm 1979); Phó chủ tịch truyền thông VFF khóa 7 Nguyễn Xuân Gụ (sinh năm 1952); Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo Lương Hoàng Hưng (sinh năm 1969); Tổng biên tập Báo Bóng đá Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1961); Chủ tịch Hội đồng Hợp tác - phát triển Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội Nguyễn Lân Trung (sinh năm 1955); Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội, Trưởng Ban Bóng đá nữ VFF khóa 7 Phan Anh Tú (sinh năm 1957).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.