Pressing của Miura đã qua, chờ Tiki-Taka kiểu Hữu Thắng

29/03/2016 15:58 GMT+7

HLV Hữu Thắng đang khởi đầu thuận lợi với triết lý theo hơi hướng Tiki-Taka cùng đội tuyển Việt Nam. Nhưng trước một Iraq được đánh giá cao hơn cả về trình độ lẫn thể hình, ông thầy xứ Nghệ có lẽ cần tham khảo HLV tiền nhiệm Toshiya Miura - người rất có duyên khi đối đầu những đại diện đến từ Tây Á.

HLV Hữu Thắng đang khởi đầu thuận lợi với triết lý theo hơi hướng Tiki-Taka cùng đội tuyển Việt Nam. Nhưng trước một Iraq được đánh giá cao hơn cả về trình độ lẫn thể hình, ông thầy xứ Nghệ có lẽ cần tham khảo HLV tiền nhiệm Toshiya Miura - người rất có duyên khi đối đầu những đại diện đến từ Tây Á.

Bóng ngắn, ít chạm và chồng biên
Văn Toàn (áo đỏ) đang có phong độ tốt nhất trong màu áo đội tuyển Việt Nam - Ảnh: Minh Tú
Đó là những dấu ấn đầu tiên trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam ở ba trận đấu vừa qua dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng. Và cả ba yếu tố này đều đã phát huy những hiệu quả nhất định trước những đối thủ khác nhau mà Công Vinh và các đồng đội có dịp đụng độ.
Thực tế, thật khó để ông thầy xứ Nghệ có thể nhanh chóng truyền thụ một lối đá theo kiểu Tiki-taka một cách tròn trịa và lý tưởng khi mới lên cầm quân chưa đầy một tháng. Dẫu sao sau 3 trận đấu vừa qua, HLV Hữu Thắng và các học trò ít nhiều cũng đã định hình một lối đá mới, một cách chơi mới ấn tượng hơn và cũng hiệu quả hơn.
Tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình trong 3 trận (gặp Hà Nội T&T, Than Quảng Ninh và Đài Loan) đạt mức 60%. Tổng số đường chuyền trung bình/trận cũng ở ngưỡng xấp xỉ 520 lần với tỷ lệ chính xác gần 89%. Số lần dứt điểm một trận và tỷ lệ chính xác của các chân sút Việt Nam cũng tăng lên đáng kể (14 và 38%), nhất là khi so với chính họ chỉ cách đây vài tháng.
Những con số thống kê ấn tượng kể trên song song với hai thắng lợi cùng một kết quả hòa đã cho thấy hướng đi mà HLV Hữu Thắng đang xây dựng cho đội tuyển Việt Nam là đúng đắn.
Một cách chơi bóng ngắn, ít chạm, tấn công nhanh và khai thác triệt để sự cơ động từ những tình huống phối hợp chồng biên ở hai cánh, với những nhân tố hợp gu như Xuân Trường - Tuấn Anh đóng vai trò cầm nhịp ở giữa sân, Văn Toàn - Đình Hoàng và Thành Lương - Văn Thanh tại hai cánh và khả năng bén khung gỗ của chân sút đang dẫn đầu danh sách dội bom mọi thời đại của đội tuyển Việt Nam là Lê Công Vinh.
Bài học và cái duyên Tây Á từ người tiền nhiệm
Ngoài những điểm nhấn trong tấn công của đội tuyển Việt Nam, HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng rất chú trọng khả năng phòng ngự của đội nhà. Không phải ngẫu nhiên ông bố trí Ngô Hoàng Thịnh án ngữ trước bộ tứ hậu vệ trong sơ đồ 4-1-4-1 ưa thích của mình. Bởi khi mà cặp đôi “nghệ sỹ” Xuân Trường - Tuấn Anh mải mê cầm nhịp nơi tiền tuyến thì sự lăn xả, tranh chấp mạnh mẽ của Hoàng Thịnh sẽ giúp hàng thủ Việt Nam an toàn hơn nếu rơi vào tình trạng bị đối thủ phản công chớp nhoáng.
Kinh nghiệm và duyên ghi bàn trong màu áo tuyển quốc gia của Công Vinh được chờ đợi sẽ phát huy trong trận đấu với Iraq (21 giờ, 29.3) - Ảnh: Minh Tú
Bên cạnh đó, HLV Hữu Thắng cũng chú trọng khả năng pressing, tức là áp sát, tranh chấp bóng với đối thủ. Trong trận đấu với Đài Loan, ông thầy sinh năm 1971 yêu cầu các học trò pressing cao hơn. Các cầu thủ Việt Nam co chặt vào giữa sân và khi đối thủ có bóng ở giữa sân thì lập tức tranh chấp quyết liệt.
Sơ đồ 4-1-4-1 được chuyển hóa thành 4-2-3-1. Tuấn Anh dù chơi trong vai trò số 10 nhưng nhiệm vụ chính của anh là tranh chấp “tường 1” với cầu thủ đối phương và trong trường hợp bị vượt qua thì cặp đôi Hoàng Thịnh, Xuân Trường ở phía sau sẽ làm “tường 2” để tiếp tục ngăn chặn.
Lối chơi này khiến khả năng tấn công của Đài Loan suy giảm rõ rệt. Tuy nhiên song song với đó cũng tồn tại điểm yếu. Việc phải tranh chấp quá nhiều ở trung tuyến khiến Tuấn Anh sớm suy giảm thể lực và không thể chơi trọn vẹn 90 phút trên sân như trận đấu với Than Quảng Ninh trước đó. Và điều đó dấy lên một nỗi lo, rằng trước đối thủ cao to và có sức bền vượt trội như Iraq, khả năng Pressing mà Hữu Thắng đưa ra có thể đủ duy trì cho cả trận?
Chiến lược gia xứ Nghệ có lẽ phải tham khảo người tiền nhiệm Toshiya Miura. Không phải ngẫu nhiên mà ông thầy Nhật Bản lại có duyên đối đầu với những đội bóng to khỏe đến từ Tây Á như thế. Tiêu biểu nhất chính là trận hòa trên thế thắng trước chính Iraq ở lượt đi tại Mỹ Đình.
Theo thống kế, tỷ lệ kiểm soát bóng của Việt Nam khi đó chỉ là 37% (tức là kém một nửa so với đối thủ). Số lần dứt điểm trúng đích cũng chỉ vỏn vẹn 1 lần (và nó cũng chính là bàn thắng mở tỷ số của Lê Công Vinh). Tổng số đường chuyền của chúng ta cũng chỉ là 229, ít hơn nhiều so với màn trình diễn hiện tại của đội tuyển Việt Nam duới thời HLV Hữu Thắng. Song khi ấy, thực sự Việt Nam đã khiến những mũi nhọn hay nhất của Iraq gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đường vào khung thành Nguyên Mạnh.
Việc chơi pressing toàn sân, sẵn sàng áp sát đối phương với số đông để cướp bóng đồng thời khóa chặt hành lang hai biên cũng như chống bóng bổng tốt của đội tuyển Việt Nam đã khiến Iraq không thể chọc thủng lưới cho đến những phút bù giờ cuối cùng. Đó chính là hiệu quả trong lối chơi phòng ngự phản công mà HLV Miura sử dụng cho đội tuyển Việt Nam. Một chiến lược dùng thể lực để đấu thể lực, dùng số đông để khóa chặt những mắt xích đáng gờm của đối phương.
Đội tuyển Việt Nam đã chơi trên cơ ở những trận đấu vừa qua nhờ lối đá kiểm soát thế trận. Nhưng nên nhớ, đó chỉ là những trận đá tập hoặc đối phương không ở trình độ cao. Trước một đối thủ có thể hình và đẳng cấp cao như Iraq, có lẽ HLV Hữu Thắng cần cân nhắc một chiến lược phù hợp hơn để giành một kết quả có lợi. Sử dụng những cầu thủ có sức bền, sẵn sàng tranh chấp mọi nơi mọi lúc sẽ là giải pháp không đến nỗi tồi với đội tuyển Việt Nam, trong cuộc đua sức với đối thủ đến từ Tây Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.