Sao lại trách Miura?

10/09/2015 10:53 GMT+7

(TNO) Đây là phần bình luận của một độc giả Thanh Niên Online ở ngay dưới bài viết của chúng tôi về HLV Miura sau khi đội tuyển Việt Nam thi đấu xong lượt trận thứ 2 vòng loại World Cup 2018 bảng F.

(TNO) Đây là phần bình luận của một độc giả Thanh Niên Online ở ngay dưới bài viết của chúng tôi về HLV Miura sau khi đội tuyển Việt Nam thi đấu xong lượt trận thứ 2 vòng loại World Cup 2018 bảng F.

HLV Toshiya Miura đang bị dư luận chỉ trích vì xây dựng cho các đội tuyển Việt Nam lối đá thực dụng - Ảnh: Khả Hòa
HLV Miura đang trong thời điểm bị hứng chịu quá nhiều ‘búa rìu’ từ dư luận, dù Việt Nam đã có được 3 điểm trước Đài Loan vào tối 8.9. Một số HLV, bình luận viên, chuyên gia bóng đá, rất nhiều khán giả và thậm chí cả lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng “tặng” ông vô số lời chỉ trích.
 
Trong đó, tiêu biểu nhất có lẽ là phát biểu của phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức: “Còn Miura, bóng đá Việt Nam sẽ không thể phát triển. Ông Miura quá bảo thủ, triết lý bóng đá của ông ấy quá cũ kỹ, không phù hợp với xu thế thời đại.
 
Nếu so sánh với tất cả các đời HLV ngoại, tôi dám khẳng định chắc chắn, Miura là HLV ngoại dở nhất trong lịch sử các đời HLV ngoại từng làm việc với các đội tuyển Việt Nam. Nếu bỏ phiếu lựa chọn lại, tôi sẽ là người đầu tiên gạch tên HLV Miura”.
 
Bạn đọc Hùng P đã bênh vực ông Miura bằng những phản biện sắc sảo: “Hãy nhìn lại trong hơn một năm qua, HLV Miura đã làm được những gì? Ông đã giúp Olympic Việt Nam lần đầu dẫn đầu bảng ở ASIAD 17 bằng chiến thắng chấn động 4-1 trước ông lớn Iran. Chiến lược gia người Nhật cũng là người đầu tiên giúp U.23 Việt Nam lọt vào vòng chung kết U.23 châu Á sẽ diễn ra tại Qatar vào tháng 1 năm sau.
 
Tại AFF Cup 2014, dưới sự cầm quân của ông thầy 52 tuổi, chúng ta đã lọt vào bán kết, thành tích rõ ràng là tốt hơn so với việc bị loại ở vòng bảng trong 2 kỳ AFF trước đó.
 
Tương tự là SEA Games 28, chúng ta đã giành HCĐ, thành tích tốt nhất so với SEA Games 27 và 26. Vậy thì không hiểu dựa vào đâu, bầu Đức, HLV Hải “lơ” và không ít người hâm mộ lại vội vàng khẳng định ông Miura là HLV tệ nhất trong lịch sử các đời HLV ngoại của đội tuyển Việt Nam?
 
Với những gì cựu thuyền trưởng Consadole Sapporo đã làm thì đáng ra chúng ta nên tôn trọng ông như lời Công Vinh đã nói, thay vì những sự chỉ trích hết sức nông nổi như thế này. Trước khi trách và đòi sa thải HLV Miura thì chúng ta liệu có chịu nhìn lại xem nền bóng đá nước nhà đang có gì, cầu thủ Việt Nam đang đứng ở đâu so với mặt bằng chung của khu vực và châu lục?”.
"Yêu cầu đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) phải vừa đá đẹp, vừa thắng như Barcelona là câu chuyện chỉ có trong cổ tích mà có lẽ ngoài nhà đương kim vô địch Champions League thì chẳng đội nào làm được..." - Ảnh: Khả Hòa
Độc giả Hung P đưa ra góc nhìn lạ: “Ông thầy người Nhật không được lòng nhiều người vì lối chơi thực dụng, không đẹp mắt. Nhưng yêu cầu đội tuyển Việt Nam phải vừa đá đẹp, vừa thắng như Barcelona là câu chuyện chỉ có trong cổ tích mà có lẽ ngoài nhà đương kim vô địch Champions League thì chẳng đội nào làm được. Ngay cả đội tuyển nổi tiếng thi đấu đẹp mắt là Brazil cũng phải chuyển sang lối chơi thực dụng theo châu Âu thì đủ hiểu môi trường bóng đá thời nay khắc nghiệt như thế nào.
 
Cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật ư? Đừng ngộ nhận một cách nực cười như thế, phải thực tế rằng chúng ta không hơn ai cả. Vì thế cách thi đấu nhiệt huyết, máu lửa, chạy liên tục của ông Miura gần như là lựa chọn duy nhất vào lúc này.
 
Có thể nhiều người đang nghĩ về U.19 Việt Nam với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Một đội bóng thi đấu thật sự đẹp mắt và cũng không phải không có hiệu quả. Nhưng chúng ta cần phải tỉnh táo rằng bóng đá trẻ và bóng đá đỉnh cao là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau.
 
Hãy thử hỏi cầu thủ HAGL thì sẽ rõ, tại sao họ thi đấu bết bát ở “ao làng” V-League 2015 dù vẫn là những lứa cầu thủ ấy, vẫn là HLV Guillaume Graechen. Cho tới lúc này thì chiến lược gia người Pháp đã bị bầu Đức sa thải, còn HAGL thì dính vào nghi án “xin điểm” thì mới có thể trụ hạng thành công.
 
Có điều bây giờ chiến lược gia người Nhật nghỉ thì ai lên thay? Ai dám thay? Ai đủ sức thay? Nên nhớ Huỳnh Đức, Hữu Thắng đã 5 lần, 7 lượt từ chối dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Mà nói thẳng, có Mourinho hay Guardiola thì cũng chẳng giúp bóng đá Việt Nam đi lên được".
Khán giả đến cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 28 diễn ra ở Singapore - Ảnh: Khả Hòa
Bạn đọc Hung P còn thực hiện pha “phản công” sắc nét vào “khung thành” của bầu Đức: “Ông Đức trả lời trên báo chí, Thái Lan cũng là con người, mình cũng là con người, điều kiện của mình cũng không thua kém gì họ, quan trọng là phải làm đúng cách và từ bỏ thói đố kị trong nhà với nhau thì chúng ta sẽ đuổi kịp Thái Lan”. Bầu Đức nói cũng không phải không có lý, chỉ có điều tại sao… ông không làm?
 
Trong 2 năm qua thử hỏi bầu Đức đã làm gì để giúp bóng đá Việt Nam đi lên hay chỉ biết chăm lo cho CLB HAGL của ông? Trách nhiệm của bầu Đức “cao” tới mức mà ông còn tuyên bố xanh rờn “tôi không còn quan tâm đến VFF nữa”. Bóng đá Việt Nam là vậy đấy!
 
Xin khép lại chủ đề này bằng câu chuyện về HLV Miura. Ông thầy người Nhật là người nói rất ít và thường xuyên làm việc 14 giờ/1 ngày. Chưa biết ông Miura có phải là HLV giỏi hay không nhưng ít nhất ông vẫn đang miệt mài âm thầm giúp sức cho bóng đá Việt Nam.
 
Còn chúng ta, có bao nhiêu người đang thật sự cống hiến bóng đá nước nhà, hay hầu như chỉ biết ngồi một chỗ chờ các đội bóng do ông Miura đang dẫn dắt gặp thất bại và chỉ trích?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.