“Tái sinh” từ quê hương thứ 2

15/03/2010 00:27 GMT+7

Dù bản hợp đồng mới giữa VFF và ông Calisto kéo dài 3 năm, nhưng đôi bên có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào. Bởi ông Calisto nói thẳng ông chỉ cần bồi thường 2 tháng lương nếu ông cảm thấy không hài lòng từ sự hợp tác của VFF để ra đi.

Mối lương duyên giữa VFF và Calisto thêm 3 năm nhưng có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào - Ảnh: Ngô Nguyễn

Dù bản hợp đồng mới giữa VFF và ông Calisto kéo dài 3 năm, nhưng đôi bên có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào. Bởi ông Calisto nói thẳng ông chỉ cần bồi thường 2 tháng lương nếu ông cảm thấy không hài lòng từ sự hợp tác của VFF để ra đi.

Một số người vẫn nghĩ rằng ông bầu Võ Quốc Thắng của CLB Đồng Tâm Long An (ĐTLA) đã sang tận Bồ Đào Nha để tìm gặp Calisto và mời ông về xây dựng nên một CLB bóng đá bài bản. Nhưng sự thật là ông Thắng mời ông Calisto đến VN chơi trước rồi sau mới bàn đến chuyện bóng đá.

Trước đó, ông Calisto chưa từng ra nước ngoài huấn luyện và ông cũng không hề có ý định đó khi bước vào con đường chính trị với tư cách nghị sĩ vùng tự trị Matosinhos và quận trưởng của một quận trong vùng này. “Khi đó, tôi chỉ coi việc sang VN là một chuyến du lịch. Thời trẻ, tôi đã từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở VN và tôi rất muốn đến đó để xem VN thật khác so với VN mà tôi hình dung thế nào”, Calisto nhớ lại.

VN hoàn toàn khác với ông tưởng tượng, về tất cả mọi thứ. Mảnh đất này kích thích ham muốn khám phá của một con người tò mò như ông và ông đồng ý làm việc cho ĐTLA từ năm 2001 với điều kiện 2 tháng ở VN nối tiếp với 2 tháng ở Bồ Đào Nha, vì ông còn công việc chính trị của mình ở quê nhà. Dần dần, ông giao hết việc chính trị cho người phó. Lương quận trưởng của ông hằng tháng, ông cũng gửi hết cho ông phó này luôn. Làm part-time như vậy, Calisto cũng đưa ĐTLA lên hạng V-League năm 2002.

Thế rồi máu nghề nghiệp trỗi dậy cộng với tham vọng làm bóng đá của bầu Thắng đã thuyết phục ông từ bỏ hẳn công việc chính trị, để toàn tâm toàn ý với ĐTLA. Hỏi ông có hối tiếc gì không khi quyết định như vậy, ông nói ông hoàn toàn không có gì hối tiếc. Nếu quay ngược lại thời gian, ông cũng sẽ làm đúng như những gì ông đã làm ở VN gần 10 năm qua. Ông cũng nói rằng ông trưởng thành và học rất nhiều điều cả trong bóng đá lẫn trong cuộc sống qua ngần đó năm ở VN. Nói cách khác ông xem VN như quê hương thứ 2 của mình, nơi đã giúp ông “tái sinh” lại công việc huấn luyện.


Chân dung Calisto - Ảnh: Bạch Dương

Có bao giờ Calisto cảm thấy chán nản với bóng đá VN và muốn xách va li rời khỏi VN?

Ông trả lời là có. Nhưng đó không phải khi VFF đã thương thảo xong xuôi với ông để mời ông dẫn dắt đội U.23 VN dự SEA Games 22 nhưng sau đó lại bất ngờ quay sang mời ông Riedl. Đó cũng không phải khi báo chí “dập” ông tơi tả, đòi ông từ chức sau một loạt hơn 10 trận chuẩn bị cho AFF Cup 2008 không biết đến hương vị chiến thắng.

Ông nói ông chán nản với những điều bất hợp lý trong bóng đá VN, với những người cản trở bóng đá VN, đặc biệt là trong khâu thủ tục hành chính: “Có khi một quyết định gọi cầu thủ lên đội tuyển phải trình duyệt qua quá nhiều cấp. Một quyết định xin đi tập huấn phải chờ mất 2 - 3 tháng. Bóng đá là phải làm ngay, làm nhanh mới có hiệu quả, chứ bóng đá không thể chờ đợi được”.

Trong mắt Calisto, không có cầu thủ nào là ngôi sao. Ông nói rằng, ông luôn đối xử công bằng với mọi cầu thủ, đó là nguyên tắc hàng đầu trong công tác huấn luyện của ông. Gần 10 năm làm việc ở VN, ông cho rằng ông hài lòng với tất cả các cầu thủ đã từng làm việc với ông. Cho dù đó là Lê Thanh Xuân, cầu thủ ĐTLA đã xé rào đi chơi đêm trước trận gặp Hoàng Anh Gia Lai ở Pleiku và trở về khách sạn với người nồng nặc mùi cồn, lao vào đòi ăn thua đủ với thầy hay thủ môn Dương Hồng Sơn, người đã lấy mất phần nào lòng tin của ông qua vụ mất hộ chiếu. Ông chỉ nói rằng có một trường hợp mà ông cảm thấy rất tiếc, đó là Phạm Văn Quyến: “Quyến là bài học lớn nhất cho tất cả các cầu thủ trẻ VN. Nếu Quyến khiêm tốn và chuyên tâm vào bóng đá thì anh ấy đã trở thành một cầu thủ lớn của châu Á. Giờ thì cậu ta đã lỡ chuyến tàu đó rồi”.

Văn Quyến là một trong những nạn nhân của các tiêu cực trong bóng đá VN. Theo ông Calisto thì trong sự phát triển của một nền bóng đá, những tiêu cực như vậy không thể tránh được. Nhất là tại VN, khi bóng đá chưa hoàn toàn nuôi sống nổi chính nó và kết quả là điều kiện tiên quyết cho sự tồn vong của từng đội bóng. Nhưng bóng đá VN đang chuyên nghiệp lên từng ngày và những chuyện tiêu cực sẽ theo đó mà giảm dần.

VN đã níu chân ông gần 10 năm, và thêm 3 năm nữa với bản hợp đồng mới giữa ông với VFF. Nhưng bản hợp đồng đó có thể không phải là 3 năm. Ở vào thế “cửa trên” trong cuộc đàm phán hợp đồng qua, Calisto có thể yêu cầu VFF bồi thường toàn bộ số tiền nếu sa thải ông giữa chừng. Nhưng ông đã chủ động đề nghị với VFF là nếu ông không làm được việc thì VFF chỉ cần bồi thường 2 tháng lương sau khi sa thải ông. Đổi lại, ông có thể bồi thường cho VFF số tiền bằng 2 tháng lương nếu ông không cảm thấy hài lòng với sự hợp tác từ VFF để được ra đi.

“Giữa tôi với VFF như một cặp vợ chồng. Nếu một trong hai bên không còn thoải mái trong cuộc hôn nhân thì tốt nhất là chia tay nhau. Cố níu kéo cũng chẳng làm được việc gì, thậm chí còn cản trở sự phát triển của nhau”, Calisto triết lý. Thứ triết lý của một người trung thực.

Đặng Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.