Thận trọng khi tổ chức ASIAD 18

23/03/2014 03:00 GMT+7

Báo Thanh Niên đã đặt những câu hỏi thẳng thắn với lãnh đạo Ủy ban Olympic VN, ông Hoàng Vĩnh Giang (ảnh) - Phó chủ tịch Ủy ban xung quanh các vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm liên quan đến ASIAD 18.

Báo Thanh Niên đã đặt những câu hỏi thẳng thắn với lãnh đạo Ủy ban Olympic VN, ông Hoàng Vĩnh Giang (ảnh) - Phó chủ tịch Ủy ban xung quanh các vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm liên quan đến ASIAD 18.

Hoàng Vĩnh Giang  

Ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng thay vì xây làng VĐV, chúng ta có thể sử dụng khu ký túc xá sinh viên Đại học Quốc gia sắp xây dựng tại Láng - Hòa Lạc để tránh lãng phí?

Đây là một ý kiến mà tôi cho rằng rất phù hợp với tình hình thể thao học đường hiện nay. Đối tượng học sinh, sinh viên cũng là những vườn ươm nhân tài quý báu cho ngành TDTT. Song, trong bản đề án mà ngành thể thao lập thì mạng lưới các cơ sở đăng cai tổ chức thi đấu ở Hà Nội, chủ yếu cần lấy H.Gia Lâm hoặc Q.Long Biên làm tâm điểm. Đây là nơi nằm ở bờ bắc sông Hồng, khá phù hợp với việc sử dụng các cây cầu sẽ được xây mới và hệ thống 5 đường cao tốc dự kiến sẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2020, nối với trung tâm, phía bắc và phía nam Hà Nội, chỗ có phần lớn các địa điểm tổ chức thi đấu với sự tính toán thời gian từ làng VĐV tới nơi thi đấu không quá 90 phút, phù hợp thông lệ của ASIAD. Ngoài ra, hiện chúng ta không thiếu các nhà thi đấu và cũng đã có kế hoạch sử dụng khoảng 6 nhà thi đấu của các trường đại học thuộc khu vực nói trên. Vì vậy, nếu dùng ký túc xá của Đại học Quốc gia thì sẽ không thuận lợi về mặt giao thông và nâng cấp từ ký túc xá thành đẳng cấp khách sạn theo thông lệ cũng đòi hỏi phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư.

 Thận trọng khi tổ chức ASIAD 18
Xây dựng nhà thi đấu tại Nam Định chuẩn bị cho ASIAD 18 - Ảnh: Ngô Nguyễn

 

OCA đã quy định rằng nước đăng cai không thể đơn phương bỏ cuộc trừ khi có hiểm họa chiến tranh hoặc bị thiệt hại trầm trọng do thiên tai, động đất...

Ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN

Tôi xin nhấn mạnh rằng làng VĐV là công trình triển khai bằng hình thức xã hội hóa, ngân sách nhà nước không phải chi đồng nào.

VN có nên đề nghị với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) về việc giảm bớt một số môn cho đỡ tốn kém chi phí tổ chức vì những môn ấy không phù hợp với điều kiện tổ chức tại VN?

OCA quy định nước đăng cai phải bắt buộc tổ chức 28 môn Olympic có tại Olympic Tokyo năm 2020, trong đó công trình sân đua xe đạp lòng chảo không thể không có và môn xe đạp cũng phù hợp với người VN. Ngoài ra, nước đăng cai phải bắt buộc tổ chức 5 môn đại diện cho 5 vùng châu Á là Đông Á (wushu), Đông Nam Á (cầu mây), Nam Á (kabbadi), Trung Á (kurash) và Tây Á (karatedo). VN cũng được quyền đề xuất thêm 3 môn hiện nay là đá cầu, cờ (cờ vua, cờ tướng, cờ vây) và bi sắt. VN có phương án tổ chức những môn chưa phát triển ở nước ta như đua ngựa, bóng bầu dục, hockey trên cỏ, 5 môn phối hợp hiện đại bằng kinh phí xã hội hóa hoặc xây dựng mới tốn ít kinh phí. Điều quan trọng là các môn nói trên ngoài quy định của OCA thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt cho ngành thể thao đưa vào nội dung tranh cử đăng cai. OCA cũng quy định nước đăng cai không thể đơn phương bỏ cuộc trừ khi có hiểm họa chiến tranh hoặc bị thiệt hại trầm trọng do thiên tai, động đất…

Tại phiên giải trình vừa qua của Chính phủ, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội kết luận là chúng ta cần làm như thế nào cho tiết kiệm, hợp lý. Vậy theo ông, VN cần làm thế nào?

Trong dự thảo đề án đăng cai ASIAD 18, Bộ VH-TT-DL có đưa ra con số như sau: Nguồn xã hội hóa và nguồn thu từ tổ chức ASIAD khoảng 14.116 tỉ đồng (trong đó thu từ các đoàn là 1.131 tỉ đồng, huy động nguồn khác là 12.983 tỉ đồng). Và trong nguồn 12.983 tỉ đồng này có riêng dự án sân đua xe đạp lòng chảo và cụm công trình khách sạn - tổ hợp thương mại giá trị ước tính ban đầu do phía nhà đầu tư đưa ra là 500 triệu USD (tương đương 10.500 tỉ đồng).

Vừa rồi, Ban Soạn thảo đề án đã tiếp thu ý kiến của các bộ, có tính toán lại và chỉ dự kiến mức đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước cho triển khai xây sân đua xe đạp lòng chảo là 420 tỉ đồng (không xây khách sạn và tổ hợp thương mại đi kèm nữa). Ngoài ra còn có dự án xây làng VĐV, dự kiến khoảng 1.350 tỉ đồng sẽ triển khai theo hình thức doanh nghiệp ứng vốn đầu tư, sau đó bán để thu hồi vốn. Dự án xây cụm 13 sân tennis đã có nhà đầu tư quan tâm và chắc chắn sẽ được triển khai. Một số dự  án nhỏ khác triển khai bằng hình thức xã hội hóa là trong tầm tay của đơn vị đã có cam kết, như sân golf Long Thành, khu vực đua ngựa tại Lâm Đồng, trường bắn đĩa bay tại xã Quang Minh, H.Sóc Sơn, Hà Nội.

Hiện nhà đầu tư Hàn Quốc (VSP) đã cam kết thuê đất 50 năm để xây sân lòng chảo chứ không liên doanh theo dạng VN đóng góp đất như dự kiến ban đầu. Còn ông Đỗ Quang Hiển -  Chủ tịch Tập đoàn Hà Nội T&T đã có công văn xin được đầu tư xây cụm 13 sân tennis tại 5 ha đất thuộc Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội.

Như thế kinh phí sẽ được huy động từ nhiều nguồn xã hội hóa, còn những gì thuộc ngân sách sẽ có những điều chỉnh tính toán hợp lý trên tinh thần tiết kiệm chứ không để bội chi, gây lãng phí như dư luận lo lắng. 

Ý kiến

“Không nên đặt vấn đề là nên hay không nên nữa”

 Ông Lê Như Tiến
Ông Lê Như Tiến - Ảnh: Ngọc Thắng

Là người đã chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh trong phiên giải trình cách đây vài ngày với câu hỏi “Nếu số tiền tăng vọt so với dự trù kinh phí 150 triệu USD thì lấy đâu ra nguồn?”, hôm qua, trong cuộc trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình theo tinh thần: “Đăng cai ASIAD 18 là cơ hội để tôn vinh VN, khẳng định vị thế của VN trên trường quốc tế. Vì khẳng định chúng ta có điều kiện đăng cai được nên Đảng và Nhà nước đã hoàn toàn nhất trí. Vì thế vào lúc này không nên đặt vấn đề là nên hay không nên nữa”.

Ông Tiến phân tích: “Trình độ VĐV, HLV và các nhà quản lý nhờ có sự kiện này mà có điều kiện trưởng thành, trình độ sẽ chạm tới đấu trường châu lục. Chúng ta được lợi không chỉ thể thao mà còn có cơ hội đón tiếp hàng trăm ngàn người từ các nước trong khu vực, châu lục. Nhờ đó phát triển du lịch, phát triển hàng không, nâng cao dịch vụ ngân hàng, khách sạn đi kèm”.

Nhưng ông Tiến cũng quan ngại: “Điều tôi lo lắng nhất là ngân sách, nhiều doanh nghiệp trên bờ vực thẳm. Vì thế có thể nói, ASIAD 18 được tổ chức trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn, do đó làm bất cứ điều gì nên cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng. Khi thuyết trình để được đăng cai ASIAD, ngành thể thao nói 150 triệu USD, đây chỉ khâu tổ chức cho đại hội thôi, chưa tính đến đào tạo nhân lực, đào tạo đội ngũ VĐV, HLV cũng như chưa tính đến xây mới hạ tầng cơ sở, nâng cấp các công trình hiện có. Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính lo lắng là đúng”.

Ông Tiến nói tiếp: “Vừa rồi tôi đề nghị 2 bộ trên và Bộ VH-TT-DL phải ngồi lại với nhau, rà soát lại toàn bộ đề án đầu tư. Nhiều nước dự chi đều vượt quá so với dự toán ban đầu. Ta dự toán 150 triệu USD, chắc chắn không đủ. Cần phải tính đúng tính đủ rồi báo cáo với Chính phủ, không được tách ra. Vì sau này có thể gấp nhiều lần lên, thì cơ quan nào, cá nhân nào phải giải trình về việc này. Nếu không chuẩn bị kỹ, chúng ta rơi vào thế bị động, ngân sách lại có hạn thì sẽ rất nguy hiểm, làm mất cân đối chi đầu tư và chi ngân sách nhà nước".

“Tôi cũng ủng hộ quan điểm là nên tận dụng công năng của khu ký túc xá Đại học Quốc gia sắp xây mới tại Láng-Hòa Lạc hoặc sử dụng nhiều khu ký túc xá của các trường đại học khác làm nơi ở của VĐV. Tôi đề nghị phát huy tối đa xã hội hóa. Ví dụ nhờ sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, hoặc huy động nguồn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, tận dụng những cái đã có để tiết kiệm chi phí. Sau khi ASIAD kết thúc chuyển cho phục vụ dân sinh”, ông Tiến nói.

“Quan điểm của tôi là VN xin rút”

Ông Nguyễn Sỹ Cương
Ông Nguyễn Sỹ Cương 

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra cái nhìn rất khắt khe: “Không phải vì tổ chức một lần ASIAD mà hình ảnh đất nước được nâng lên (dù không thể phủ nhận điều này), nhưng để nâng hình ảnh đất nước phải qua nhiều lĩnh vực khác, không chỉ thể thao. Và tôi nói thực, tôi không tin tổ chức ASIAD năm 2019 mọi thứ sẽ hiệu quả hơn, vì bài học từ SEA Games 22 còn rất nhiều. Chúng ta luôn nói câu “tại VN cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu”, nhưng sau khi đầu tư cho sự kiện xong lại không liên tục sử dụng cơ sở vật chất đó hoặc sử dụng sai công năng nên rất lãng phí. Hôm Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh giải trình, tôi có nêu vấn đề mà chưa được trả lời. Đó là: Ngành thể thao có chủ trương, quan điểm sử dụng cơ sở vật chất, các công trình phục vụ tập luyện, thi đấu như thế nào sau mỗi sự kiện được tổ chức? Có một thực tế là ngành chỉ chăm chăm vào việc thu tiền mà không chú tâm việc khai thác sử dụng thường xuyên. Nhiều hạng mục của các công trình thể thao bị mổ xẻ để buôn bán, đành rằng khai thác để lấy lợi nhuận bù đắp nhưng hoàn toàn không nên.

Việc đầu tư cho ASIAD trong 5 năm, với tình hình ngày càng trượt giá thì sự đầu tư đó là sự lãng phí rất kinh khủng. Với tính chất quan trọng của ASIAD 18, cần có một cuộc họp, điều trần tiếp về mọi công tác tổ chức. Việc này liên quan đến nhiều ủy ban khác của Quốc hội. Nhiều ủy viên Thường vụ Quốc hội cần được triệu tập, bàn bạc nghiêm túc vấn đề này, để đi đến một kết luận cụ thể. Tôi cho rằng vì chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nhìn nhận ASIAD nghiêm túc hơn. Chúng ta cần có cuộc họp càng sớm càng tốt. Nhưng quan điểm của tôi là VN xin rút, nên cân nhắc thà chịu phạt còn hơn lãng phí đầu tư một lần rồi thôi”. 

Thái Lan tận dụng tốt cơ sở vật chất đăng cai ASIAD

Trong lịch sử ASIAD, Thái Lan là nước trong khu vực Đông Nam Á từng 4 lần nhận đăng cai tổ chức. Tuy nhiên, chỉ 2 lần Thái Lan chủ động đăng cai ở các kỳ ASIAD 1966 và 1998. Hai kỳ còn lại 1970 và 1978 thì “đóng thế” do 2 nước giành quyền đăng cai là Hàn Quốc (1970) và Pakistan (1978) từ bỏ vì không chịu nổi kinh phí khổng lồ. Sở dĩ Thái Lan nhận thay vào thời điểm đó là vì nước này có cơ sở vật chất đáp ứng ngay cho đại hội. Thái Lan sau khi tổ chức các kỳ ASIAD thì những công trình xây dựng như các nhà thi đấu, sân vận động... đều được đưa vào phục vụ cho cộng đồng hoặc các sự kiện thể thao tầm châu Á khác mà họ nhắm tới trước đó. Bên cạnh đó, có không ít nhà thi đấu được xây dựng ngay trong khuôn viên các trường đại học, sau khi hết ASIAD hay các sự kiện thể thao thì để cho các học sinh, sinh viên tập luyện. Vì vậy, Thái Lan rất ít khi để lãng phí các công trình mà họ xây dựng phục vụ các đại hội thể thao từ ASIAD cho đến SEA Games ở hầu hết các tỉnh thành, dù đã chi bộn tiền như kỳ ASIAD gần nhất năm 1998 lên tới 19,3 tỉ baht (627,7 triệu USD).  (G.Lao)

 Lan Phương
(thực hiện)

>> Dự toán kinh phí ASIAD 18: Tránh bội chi, không lãng phí
>> Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Tuấn Anh: Ngân sách cho ASIAD 18 lên đến 300 triệu USD
>> Gần 40 triệu USD đầu tư đào tạo VĐV đoạt huy chương ASIAD 18
>> 56 tỉ đồng đào tạo cầu thủ cho ASIAD 18
>> Chỉ tiêu “khủng” tại ASIAD 18  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.