Thiếu người có tầm

07/05/2010 23:56 GMT+7

Sự sa sút gần đây của 2 đội bóng hàng đầu cũng như phong trào bóng đá TP.HCM là do những người điều hành đã lèo lái đi vào ngõ cụt.

Buồn cho bóng đá Sài Gòn khi Navibank quá nhạt nhòa - Ảnh: Khả Hòa

Sự sa sút gần đây của 2 đội bóng hàng đầu cũng như phong trào bóng đá TP.HCM là do những người điều hành đã lèo lái đi vào ngõ cụt.

Người hâm mộ bóng đá đang chán nản và hụt hẫng trước cách trả lời của 2 quan chức LĐBĐ TP.HCM (HFF) trên báo chí mới đây và qua đó mọi người đã hiểu vì sao bóng đá Sài Gòn lại trượt dốc một cách thảm hại như vậy. Mọi chuyện đã được phơi bày khi tổ chức xã hội bóng đá cao nhất TP, thay mặt cho cơ quan quản lý nhà nước để quản lý và điều hành những hoạt động bóng đá, nhưng đã để xảy ra việc mất đoàn kết nội bộ, không nhìn về một hướng. Nhiều người vừa buồn cười vừa đau khi nghe 2 ông Phó chủ tịch Trần Duy Long và Tổng thư ký HFF Dương Vũ Lâm “tố” cả Navibank lẫn CLB TP.HCM yếu kém về nhiều mặt mà không hề thấy trách nhiệm của mình.

Nói nhiều hơn làm

Trong bài báo Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết trên Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Duy Long khẳng định đã nhiều lần góp ý cho BHL Navibank nhưng chẳng ai nghe cả. Còn ông Dương Vũ Lâm thì cho biết ông đã khuyên nhủ lãnh đạo CLB TP.HCM phải biết cách bồi dưỡng cho các HLV vì họ được đào tạo bài bản, nhưng đùng một cái thay HLV khiến ông bật ngửa.

Trên thực tế, bóng đá Sài Gòn không lạ gì cặp bài trùng nói nhiều hơn làm và đôi lúc hành xử rất thiếu khách quan này. Ông Long chuyên môn không phải kém khi là trợ lý HLV đội tuyển, ông cũng từng viết báo cáo những sai phạm và sự yếu kém về chuyên môn của HLV Karl Heinz Weigang cho VFF. Nhưng chính BHL CLB TP.HCM từng cho biết cầu thủ Lưu Ngọc Hùng đang đá cho đội bị ông Long rỉ tai đề nghị về tăng cường cho Navibank với những món tiền hậu hĩnh. Cách làm “bên trọng bên khinh” như vậy, liệu có phải là cái tầm của người đứng đầu đang điều hành chuyên môn của bóng đá TP.HCM?

Còn với ông Lâm, liệu vai trò tổng thư ký ở đâu khi 2 đội bóng ngày càng trượt dốc? Đọc những phát biểu của ông còn hơn sự đổ lỗi và thoái thác trách nhiệm. Điều này khiến nhiều người nhớ lại vụ ông từng có lời lẽ khinh miệt dành cho HLV Weigang hay cách đây 2 năm đã có những phát ngôn gây “sốc”. Đó là lúc ông còn ở cương vị Phó chủ tịch VFF, ông Lâm từng nói: “Ông Calisto có nộp đơn làm HLV trưởng đội tuyển VN đâu mà tôi biết”. Nhiều người chưng hửng với một suy nghĩ lạ thường của người quản lý cao nhất về chuyên môn của VFF.

Lẽ ra với vai trò của mình, ông Lâm cần phải trải thảm đỏ mời người tài, chứ nếu HLV Calisto tự ái và từ chối huấn luyện thì không biết đến khi nào chúng ta mới có “vàng” ở AFF Cup? Thế nên khi ông tự cho rằng mình đứng ngoài cuộc trong sự đi xuống của 2 đội TP.HCM và còn thách thức rằng công luận và người hâm mộ đừng có phê phán HFF vì “chửi” cũng vô ích thì rõ ràng cách nói như vậy chẳng khác nào làm cho bóng đá Sài Gòn ngày càng lúng túng và chìm nghỉm.

Cần những người có tâm và đủ tầm

Ông Trần Văn Tạo trước khi rời khỏi chức Chủ tịch HFF từng tâm sự với công luận rằng nếu ông có được sự hậu thuẫn từ những cộng sự biết làm bóng đá chuyên nghiệp của HFF thì nhiệm kỳ của ông làm chắc chắn không đến nỗi kém cỏi. Giờ đây đến lượt ông Lê Hùng Dũng, một con người say mê và “ngoại đạo”, vì bức xúc trước thực trạng đi xuống của bóng đá TP nên bằng quan hệ của mình cố duy trì Cúp TP.HCM dù đôi lúc èo uột, cố mang một “sản phẩm” chất lượng chưa tốt về để bảo đảm cho TP.HCM không thiệt thòi khi không có đội chơi V-League. Nhiều người không trách ông Dũng trong những nỗ lực đó, có trách chính là các cộng sự chuyên môn không tham mưu tốt cho ông mà còn đổ lỗi rằng “chẳng qua do tự ái nên làm vậy”. Nếu có những định hướng đúng đắn và phân tích rạch ròi lợi bất cập hại của việc xây nhà từ nóc của những người làm chuyên môn thì làm sao ông Dũng có thể “tự ái” cố vấn Navibank nhận QK4 được.

Tóm lại, yếu tố con người trong điều hành, định hướng và vực dậy bóng đá Sài Gòn trong thời điểm này là quan trọng. Cần phải dũng cảm loại bỏ những ung nhọt trong cơ thể, làm lại từ đầu ở khâu đào tạo và chuyên nghiệp hóa bộ máy bằng những người có tâm và đủ tầm thì bóng đá Sài Gòn mới trở lại cuộc đua và tìm lại thời vàng son trước. Lúc này không phải là làm những thay đổi vụn vặt như thay HLV, mua vài cầu thủ, đổ lỗi cho nhau bởi điều đó cũng sẽ chẳng mang lại giải pháp nào cho bóng đá Sài Gòn sống dậy. Cái chính là phải có chiến lược lâu dài, không thể theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Mong rằng lãnh đạo TP.HCM phải có những chỉ đạo quyết liệt và đầu tư thỏa đáng hơn để người hâm mộ bóng đá Sài Gòn không phải chạnh lòng trước sự khủng hoảng và mất niềm tin dữ dội như hiện nay.

Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng: Chúng tôi đang nỗ lực tìm giải pháp

Tình hình bóng đá TP.HCM đúng là đang gặp khó khăn. Chúng tôi đang nỗ lực tìm giải pháp. Không phải HFF không có trách nhiệm và không có sự quan tâm đến các đội bóng, nhưng có những việc chúng tôi không thể can thiệp sâu vì đội bóng là do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp quản lý. Tuần nào họp giao ban, chúng tôi cũng mời đại diện 2 đội đến cùng bàn bạc với HFF để có sự trao đổi thông tin, động viên nhau một cách tích cực. 2 đội đều là bộ mặt của bóng đá TP.HCM nên HFF luôn suy nghĩ tìm hướng giúp đỡ. Nói thật, có những việc do lãnh đạo đội bóng chưa hợp tác tốt, nếu chúng tôi nóng ruột nhảy vào thì cũng rất khó. Trường hợp CLB TP.HCM có những vấn đề bên trong, tôi không tiện nói ra. Nhưng HFF từng đặt thẳng rằng nếu CLB TP.HCM không quản lý điều hành được thì chúng tôi sẽ tìm doanh nghiệp khác tham mưu để tiếp nhận đội, xốc dậy tinh thần, lấy lại khí thế. Chứ hiện nay thực trạng của đội đang có biểu hiện xuống dốc về một số mặt, nhưng bản thân CLB TP.HCM không tự cứu, không thay đổi cung cách điều hành thì làm sao chúng tôi có thể làm thay?

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.