Thủ môn Trần Tiến Anh: Nỗi ám ảnh mang tên Sasi Kumar

11/05/2020 07:00 GMT+7

Trần Tiến Anh được người hâm mộ nhớ tới nhiều nhất với pha xử lý lỗi dẫn đến bàn thua duy nhất của đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết Tiger Cup 1998 khiến chúng ta phải nhìn đối thủ Singapore bước lên ngôi vô địch

Bầu trời như sụp đổ

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại, thủ môn Trần Tiến Anh vẫn còn day dứt về sai lầm ngớ ngẩn này. “Đó là tình huống mà tôi đã chủ động lao ra để đấm bóng. Đó không phải là một tình huống quá khó. Tuy nhiên do chọn sai điểm rơi nên bóng rơi vào lưng trung vệ Singapore và từ từ lăn vào lưới. Thời điểm đó tôi thấy tất cả như sụp đổ dưới chân mình. Nhìn lên khán đài, khán giả trên sân Hàng Đẫy dường như chết lặng. Khi đó tôi hiểu rằng chiếc Cúp Tiger đã thực sự rời xa tầm tay, cho dù trận đấu vẫn còn khoảng 20 phút”.

Trong khi đó, nói về pha lập công “quý như vàng” của mình vào lưới Tiến Anh tại Tiger Cup 1998, trung vệ cao kều của đội tuyển Singapore là Sasi Kumar nhớ lại: “Đó là một tình huống phạt góc, đội Việt Nam phá ra nhưng tôi khi đó vẫn còn ở tuyến trên. Đồng đội Kadir thực hiện đường treo bóng rất cao vào vòng cấm và tôi lao vào. Thủ môn Việt Nam băng ra nhưng lại nhìn thẳng vào tôi thay vì nhìn bóng.

 
 
Xem lại trận chung kết Tiger Cup 1998 Việt Nam - Singapore 
Nguồn: AFF Cup YouTube Channel

Lúc đấy tôi biết là mình có cơ hội vì thủ môn lẽ ra phải nhìn theo trái bóng. Thấy anh ấy lao đến như vậy thì tôi cũng có chút lo sợ, nên khi nhảy lên tôi đã quay lưng lại. Cả hai chúng tôi đều trượt bóng. Anh ấy thì đang nhắm vào tôi còn tôi thì quay lưng để tránh. Thế rồi quả bóng lại đập vào lưng tôi nảy vào lưới. Khi đó, tôi cũng không quan tâm là bằng cách nào, chỉ thấy bóng bay vào lưới là ăn mừng như điên, bởi khi đó tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ đoạt Cúp vô địch”.

Sasi Kumar (13) trong một pha đe dọa thủ môn Tiến Anh trong trận chung kết Tiger Cup 1998

Tư liệu

Có thể nói, trong suốt một thời gian dài sau trận chung kết Tiger Cup 1998, cái lưng của Sasi Kumar vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với không chỉ thủ môn Trần Tiến Anh mà còn với nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Tiến Anh cho biết: "Ám ảnh này theo tôi một thời gian dài. Dù các đồng đội và BHL cũng đã động viên nhiều nhưng mỗi lần xỏ găng ra sân sau đó tôi vẫn không thể nào quên. Ngay trong giấc ngũ nhiều lúc giật mình tôi vẫn nhớ như in cảm giác để lọt lưới đó".

Còn trợ lý HLV đội tuyển quốc gia lúc bấy giờ Vũ Tiến Thành nhận xét: "Chúng tôi rất buồn và thất vọng về kết quả này vì chưa bao giờ mà Việt Nam tiến gần đến ngôi vô địch nhiều như thế, nhất là sau khi đá bại 3-0 vô cùng thuyết phục trước Thái Lan ở bán kết. Cho dù ở vòng bảng Singapore từng cầm chân Việt Nam và trong đội hình họ có nhiều tài năng bấy giờ như Rafi Ali, Nasir Nazir, Zulkanael, Ahmad Latiff.. nhưng trước trận chung kết, từ ông Riedl đến tập thể đội đều rất tự tin về chiến thắng và ngôi vô địch. Vì vậy khi xảy ra bàn thua duy nhất có phần xui rủi như thế đúng là cả đội rất đau, cảm thấy bầu trời như sụp đổ. Sau trận chung tôi ai nấy khóe mắt đỏ hoe, lên nhận huy chương bạc mà gượng cười ra nước mắt. Nhưng nói có trách Tiến Anh hay không thì thật lòng, chúng tôi không quy trách nhiệm cho một cá nhân nào.."

Gia đình có truyền thống làm thủ môn

Tiến Anh trong đội hình thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam

Tư liệu

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm thủ môn, cha của Trần Tiến Anh là Trần Văn Vĩnh - một thủ môn tài ba của trường Huấn luyện, Bưu điện và đội tuyển Việt Nam ở thập niên 60 của thế kỷ trước. Ba người em của ông  Vĩnh là Trần Văn Khánh (Thể Công), Trần Văn Thành (Công An Hải Phòng), Trần Văn Trung (Công An Hà Nội) cũng đều là những thủ môn nổi tiếng của đội tuyển quốc gia, đội tuyển Thanh niên Việt Nam ở thập niên 70 và 80. Mẹ của Tiến Anh - bà Nguyễn Thị Ngân, cũng là một vận động viên bóng chuyền quốc gia nổi tiếng với "thâm niên" hơn 40 năm thi đấu. Vì thế không có gì là ngạc nhiên khi Tiến Anh sớm quyết định sẽ theo nghiệp thể thao.

Từ ngày bé khi mới học cấp 1, cậu bé Tiến Anh đã thích đi theo bố hay các chú đến sân tập. Khi mới 12 tuổi, Tiến Anh bắt đầu gia nhập đội tuyển năng khiếu Quân đội. Ðó chính cột mốc đánh dấu thời điểm bắt đầu sự nghiệp cầu thủ bóng đá của Tiến Anh. Thừa hưởng gien của người cha - thủ môn Trần Văn Vĩnh, Trần Tiến Anh nhanh chóng khẳng định được năng lực của mình trong khung gỗ và dần trở thành người gác đền số 1 của đội bóng mặc áo lính.

Thủ môn Tiến Anh với những pha phản xạ nhanh nhạy

VSI

Đỉnh cao trong sự nghiệp của Tiến Anh là ở mùa giải 1998 khi anh cùng đội Thể Công đoạt chức vô địch quốc gia. Ở mùa giải đó, anh chỉ để lọt lưới vẻn vẹn có đúng 20 bàn sau 26 trận, ít nhất trong số các đội bóng tham dự giải. Nhờ những pha cứu bóng ngoạn mục, Tiến Anh đã giành được danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất giải năm đó. Ðó cũng là món quà đầy ý nghĩa mà anh giành tặng trong ngày sinh con gái đầu lòng.

Đánh giá về thủ môn Tiến Anh, người đồng đội một thời ở Thể Công là cựu hậu vệ Đức Thắng cho biết: “Tiến Anh là một thủ môn giỏi của Thể Công với những pha ra vào hợp lý, phản xạ nhạy bén và bắt bóng bổng rất tốt. Chức vô địch mà Thể Công giành được năm 1998 có sự đóng góp không nhỏ của Tiến Anh. Còn bàn thua ở chung kết Tiger Cup 1998 có thể coi là một tai nạn ngoài ý muốn".

Đáng tiếc là những chấn thương xảy ra liên tiếp vào năm 2000 đã buộc anh phải nói lời chia tay Thể Công cũng như đội tuyển quốc gia và giã từ sự nghiệp “quần đùi áo số" khi còn chưa bước qua tuổi 30.

Tiến Anh cùng các thành viên đội tuyển Việt Nam cuối thập niên 90

Tư liệu

Con đường trở thành HLV thủ môn

Sau khi giải nghệ, Tiến Anh tiếp tục gắn bó với trái bóng tròn khi đi học bằng HLV rồi tham gia công tác đào tạo ở đội trẻ Thể Công. Năm 2008, Tiến Anh theo chân người thầy cũ Vương Tiến Dũng đến đất Cảng để đảm đương vai trò HLV thủ môn tại CLB Xi Măng Hải Phòng và góp phần giúp đội bóng này giành được tấm Huy chương Đồng ngay trong mùa giải đầu tiên trở lại V-League. Tuy nhiên sau đó anh cùng HLV Vương Tiến Dũng phải khăn gói ra đi sau khi mùa giải kết thúc để đội bóng đất Cảng dọn đường đón HLV Alfred Riedl.

Rời Hải Phòng, Tiến Anh lần lượt cập bến Hà Nội.ACB rồi chuyển sang đầu quân cho Hà Nội T&T kể từ đó đến nay cũng với vai trò là HLV thủ môn. Những thành công mà đội bóng Thủ đô giành được trong một thập kỷ vừa qua đều có những đóng góp thầm lặng của Trần Tiến Anh. Các thủ thành của Hà Nội như Nguyễn Văn Công, Phí Minh Long…đều đã tiến bộ đáng kể về mặt chuyên môn nhờ sự huấn luyện của cựu thủ môn Thể Công này.

Tiến Anh sau nhiều thăng trầm đã cập bến Hà Nội

Vy Khánh

Tiến Anh (bìa phải) cùng BHL Hà Nội vô địch quốc gia 2018

Minh Hoàng

Trong công việc, Tiến Anh nổi tiếng là một người nghiêm túc, nhiệt tình và chu đáo. Anh chia sẻ rằng đó chính là tính cách truyền thống gia đình "thủ môn" họ Trần của mình. Giờ đây, sau khi tất cả mọi chuyện đã qua đi, những trải nghiệm trong sự nghiệp thủ môn càng cho Tiến Anh thấy thấm thía những bài học quý báu về sự kiên trì, đức tính cần thiết cho vai trò của các thủ môn. Anh cho biết tố chất để trở thành một thủ môn giỏi là một thể hình tốt, khả năng phản xạ nhanh và tâm lý vững.

Tâm sự về nghề thủ môn, Tiến Anh cho biết: "Thủ môn tuy không mệt mỏi về cơ bắp như các cầu thủ khác trên sân nhưng bao giờ cũng là người phải chịu sức ép nhiều nhất trước mỗi quả lọt lưới. Trước bất cứ một diễn biến nào trên sân cỏ, thủ môn phải là người hết sức tỉnh táo, bình tĩnh xử lý mọi tình huống. Bằng không một sai lầm dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến cho công sức của cả hàng phòng ngự đổ xuống sông xuống biển".

Tiến Anh trong buổi xuất quân của CLB Hà Nội

Vy Khánh

Giờ đây niềm vui trong cuộc sống của cựu thủ môn đội tuyển Việt Nam này, bên cạnh công việc chính là đào tạo, huấn luyện cho các thủ môn của CLB Hà Nội, là thỉnh thoảng được đắm mình vào sở thích đi câu cá trong những dịp rảnh rỗi.

Phút thư giãn của Tiến Anh

NVCC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.