Thuốc nào để chữa bệnh?

25/03/2010 11:30 GMT+7

Hành vi phản ứng trọng tài của các cầu thủ Việt Nam ngày càng trở nên thiếu văn hóa và đang trở thành căn bệnh khó chữa.

Trọng tài Trần Công Trọng bị trung vệ Nirut của HA.GL xô đẩy trong trận đội này gặp ĐT.LA tại Cúp QG 2010 - Ảnh: Bạch Dương

Hành vi phản ứng trọng tài của các cầu thủ Việt Nam ngày càng trở nên thiếu văn hóa và đang trở thành căn bệnh khó chữa.

Trong bóng đá, trọng tài luôn được coi là vị “vua áo đen”, là người được trao quyền điều khiển một trận đấu và giữ cho cuộc chơi được diễn ra trong trật tự. Cầu thủ trên sân luôn phải tuân thủ tuyệt đối quyết định của trọng tài khi trận đấu còn diễn ra. Thế nhưng có một nghịch lý ở bóng đá Việt Nam là trọng tài đang ngày càng… sợ cầu thủ. Hiện tượng trọng tài bị cầu thủ và BHL đội bóng gây áp lực, bị cầu thủ chửi rủa, đe dọa bằng những lời nói khó nghe ngày càng trở nên phổ biến ở các giải bóng đá hàng đầu Việt Nam.

“Vua” cũng thua “liều”

Hành vi phản đối trọng tài đều xuất hiện ở tất cả các giải bóng đá trên thế giới. Nhưng ở những giải bóng đá có tính chuyên nghiệp cao, các cầu thủ tuy có phản ứng nhưng không quá phản cảm và trọng tài luôn giữ được vị thế của mình trước mặt khán giả trên sân. Bởi ai cũng hiểu, không tập trung vào chuyên môn mà chỉ chăm chăm phản ứng trọng tài không phải là hành vi chuyên nghiệp của một cầu thủ bóng đá. Ở Việt Nam, hành vi phản ứng trọng tài xuất hiện thường xuyên. Từ đội nhà cho đến đội khách, mỗi khi thua trận thường đổ lỗi cho trọng tài. Cầu thủ sau khi bị phạt cũng nhăm nhăm ăn thua đủ với vị “vua áo đen”. Trong đó, có những hành vi phản ứng không giống ai và không coi trọng tài ra gì.

Vào năm 2006, VFF đã phải phạt 2 triệu đồng đối với Huy Hoàng vì trung vệ này 3 lần vái trọng tài Đào Văn Cường.  Cũng ở mùa giải 2006, cầu thủ Đào Thế Phong của CLB M.H.Hải Phòng đã bị đình chỉ thi đấu 6 tháng và phạt tiền 10 triệu đồng do có hành vi xúc phạm trọng tài Dương Mạnh Hùng trong trận đấu đấu với Bình Dương. Sau khi bị thẻ đỏ do phạm lỗi cài sau đối với cầu thủ Amaobi của Bình Dương ở phút 98, Thế Phong đã bị truất quyền thi đấu, nhưng cầu thủ này chưa vội rời sân, mà liên tiếp có lời xúc phạm, thách thức và nhổ nước bọt vào trọng tài chính Dương Mạnh Hùng.

Đến năm 2008, Hoàng Đảm của Thanh Hóa vái trọng tài Nguyễn Văn Thanh. Hoàng Đảm sau đó phải làm kiểm điểm theo yêu cầu của HLV Trần Văn Phúc. Còn tại giải hạng Nhất mùa bóng 2008, một số cầu thủ Đồng Nai đã tấn công trọng tài Nguyễn Quốc Hùng trong trận đội này gặp Tây Ninh tại vòng 14. Kết quả là Trần Thanh Bình đã bị cấm thi đấu 1 năm và phạt 10 triệu đồng, thủ môn Danh Hoàng Tuấn bị treo giò đến hết năm 2008 và phạt 5 triệu.

Số lượng những vụ cầu thủ làm mất mặt trọng tài ngày càng tăng lên.

Thầy nghiêm mới có trò ngoan

Một trong những biện pháp để ngăn chặn tình trạng thiếu văn hóa của cầu thủ đối với các trọng tài đó là phải có những hình thức kỷ luật nặng để răn đe. Nhưng theo Chủ tịch Hội đồng trọng tài Nguyễn Văn Mùi, hiện công tác giáo dục đạo đức cho cầu thủ của các đội bóng còn quá sơ sài. Các đội đang lơ là trong việc giáo dục tư cách, văn hóa cho cầu thủ mà chỉ chú trọng vào công tác chuyên môn. Phần lớn các đội đã không hướng cầu thủ đến việc khi ra sân là phải cống hiến vẻ đẹp cho khán giả, vẻ đẹp đó không chỉ đến từ những đường bóng mà còn phải thoát ra từ cốt cách tinh thần, từ những hành động fair-play trên sân cỏ. Phần lớn các cầu thủ Việt Nam hiện nay chưa ý thức được rằng mình phải luôn tự xây dựng một phong thái chuyên nghiệp và hành động coi thường trọng tài cho thấy sự chuyên nghiệp rất thấp.

Muốn cầu thủ hành xử có văn hóa, trước hết HLV trưởng và ban huấn luyện, những người “hướng đạo” cho cầu thủ cần phải làm gương. Trong thời gian gần đây, hình ảnh BHL đội bóng “nhao nhao” lao ra phản đối, thậm chí xúc phạm trọng tài sau trận đấu diễn ra càng nhiều. Nhiều người cho rằng, văn hóa trong bóng đá Việt Nam hiện nay bị xói mòn từ chính những người “thầy” thì “trò” bị nhiễm cũng là điều không có gì khó hiểu.

Ý kiến

Chủ tịch HĐTT Nguyễn Văn Mùi: Chỉ phạt nặng cũng chưa đủ

Văn hóa của cầu thủ đang xuống cấp. Điều đó thể hiện qua số lượng thẻ phạt cứ tăng qua mỗi mùa bóng, mỗi vòng đấu. Nếu các trọng tài bắt quyết liệt hơn nữa, số lượng thẻ phạt trong những vòng đấu vừa qua còn cao hơn. Tất cả những hành vi phi văn hóa của cầu thủ đều sẽ bị trừng trị thích đáng nếu chúng tôi thu thập đủ cơ sở. Nhưng rõ ràng trách nhiệm vẫn nằm ở các đội bóng. Họ cần phải giáo dục tư cách đạo đức cho cầu thủ và coi đó như là một phần quan trọng trong giáo án. Có như vậy, bóng đá Việt Nam mới ngày càng ít đi những hành vi không đẹp.

Cựu trọng tài FIFA Dương Văn Hiền: CLB xem nhẹ việc giáo dục cầu thủ

Từng cầm còi nhiều trận trong nước và quốc tế, tôi thấy rằng hành động tế sống trọng tài nói riêng và những hình vi xúc phạm trọng tài nói chung diễn ra ở các sân cỏ quốc tế rất hiếm. Và càng đáng buồn hơn khi những hành vi phi thể thao này xuất hiện ngày càng nhiều ở sân cỏ Việt Nam. Điều đó chứng tỏ rằng các cầu thủ ngày càng coi thường đội ngũ áo đen. Điều đó xuất phát từ việc BHL các đội bóng quá xem nhẹ công tác giáo dục cầu thủ hoặc thực tế hơn là vì tư tưởng “ăn thua”, háo thắng của những người thầy “bột phát” tức thì khi có diễn biến trên sân. Thay vì kiềm chế, họ lại khơi mào cho các cầu thủ phản ứng trọng tài và góp phần để tình trạng này lây lan nhanh chóng.

Hiếu Dân

HLV Nguyễn Thành Vinh (HP.HN): Cầu thủ chưa biết phục vụ khán giả

Số đông cầu thủ Việt Nam hiện nay ít chăm chỉ tập luyện mà chỉ chăm chăm học nhau những tiểu xảo. Dùng tiểu xảo chơi xấu đối phương khiến cả hai bên đều rất dễ bị ức chế rồi nảy sinh những chuyện không hay. Điều đó sẽ giết chết bóng đá. Cầu thủ Việt Nam hiện nay khi ra sân không ý thức được rằng mình phải phục vụ khán giả. Người hâm mộ đến sân là để chứng kiến những pha bóng đẹp, những hành động chứng tỏ tinh thần thể thao cao thượng chứ không phải để đối lấy những hành vi tầm thường. D.L

Đừng trêu trọng tài

Các lỗi phản ứng với trọng tài luôn bị LĐBĐ châu Âu trừng phạt rất nặng, không cần biết trọng tài đúng hay sai. Trong trận bán kết lượt về Champions League mùa trước giữa Chelsea và Barcelona tại Stamford Bridge, trọng tài Ovrebo đã bỏ qua 3 quả phạt đền cho Chelsea khiến đội bóng nước Anh bị loại. Tức giận vì trọng tài, các cầu thủ Chelsea đã lao về Ovrebo khi tan trận, Drogba là người manh động nhất khi chỉ mặt trọng tài (ảnh). UEFA cho rằng Drobga và các đồng đội của anh ở Chelsea đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của tinh thần cao thượng trong thể thao và ra án treo giò 6 trận với Drogba. Sau đó, UEFA giảm án xuống treo giò 5 trận (3 phải thi hành ngay) và nộp phạt 15.000 euro. Bosingwa, một cầu thủ manh động khác, bị treo giò 3 trận (1 thi hành ngay) cùng 10.000 euro tiền phạt.

Việc vỗ tay “tán thưởng đểu” trọng tài cũng dễ bị ăn thẻ. Năm 2005, Rooney vỗ tay tán thưởng trọng tài Kim Nielsen trong trận M.U gặp Villarreal vì trọng tài Nielsen rút thẻ vàng thứ nhất. Sau khi vỗ tay, Rooney bị thêm thẻ nữa và bị đuổi khỏi sân. Tiền vệ Sneijder của Inter cũng rơi vào trường hợp tương tự trong trận đấu với Milan cách đây ít tháng.

Nhật Minh

Di Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.