Tiệc tất niên VFF biến thành buổi chất vấn

22/01/2016 20:55 GMT+7

Có nhiều thông tin được các quan chức Liên đoàn bóng đá Viêt Nam (VFF) chia sẻ với giới truyền thông tại buổi tất niên ngày 22.1, trong đó phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ phản bác thông tin đã ‘xin’ tiền chủ tịch Lê Hùng Dũng.

Có nhiều thông tin được các quan chức Liên đoàn bóng đá Viêt Nam (VFF) chia sẻ với giới truyền thông tại buổi tất niên ngày 22.1, trong đó phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ phản bác thông tin đã ‘xin’ tiền chủ tịch Lê Hùng Dũng.

Phó chủ tịch VFF, ông Nguyễn Xuân Gụ trong buổi gặp mặt báo chí mừng Xuân - Ảnh: Khả Hòa
Anh Gụ nói đúng…
Là người đã gây sốt trong dư luận với bài phát biểu mạnh như “búa bổ” tại hội nghị công tác ngành cách đây chưa lâu, ông Gụ thẳng thắn đề cập đến một loạt những khó khăn mà VFF đang phải đối đầu - trong ấy có khó khăn về tài chính.
Hai ngày trước, một Ủy viên thường trực khác của VFF là ông Trần Anh Tú cũng lên báo, bảo “Anh Gụ nói thế thì chết Liên đoàn. Theo tôi hiểu ở đây xuất phát từ việc anh Gụ có xin một ít kinh phí của anh Dũng nhưng anh Dũng không đồng ý. Anh Dũng nhắn tin từ chối khéo”.
Nhân thể có cả ông Gụ lẫn ông Tú ở cuộc gặp mặt chiều 22.1, các phóng viên đã “xới” lại chuyện này. Ông Gụ trả lời: “Phát ngôn là của mọi người nhưng tôi xin khẳng định tôi không xin tiền anh Dũng. Trong điện thoại của tôi còn tin nhắn của anh Dũng, nội dung thế này: Năm nay làm ăn chưa kiếm ra tiền từ đầu năm tới giờ.
Sau đó, tôi đã đã liên hệ với chỗ bạn bè thân quen, nói họ hỗ trợ được 500 triệu. Tôi báo cáo đầy đủ với chủ tịch VFF và sau khi tiền được chuyển về tài khoản của VFF, tôi lại báo cáo lần nữa thì chủ tịch nhắn lại: Tốt quá, tiền đó chi cho công tác truyền thông”.
Còn ông Tú lại nói: “Cá nhân tôi không mâu thuẫn với ai. Tôi phát biểu vì muốn bảo vệ hình ảnh VFF vì VFF sống bằng tài trợ. Tôi không mâu thuẫn với anh Gụ.
Anh Gụ nói đúng. Câu chuyện khó khăn tài chính là khó khăn chung. Liên đoàn luôn khó khăn về tài chính. Nhưng năm 2015, VFF lên kế hoạch cho 10 đội tuyển và vẫn lo được chứ không phải kinh khủng quá”.
Anh Tuấn cũng có chút uy tín…
Ông Tuấn trao đổi cùng HLV Toshiya Miura trong buổi tập của đội tuyển - Ảnh: Minh Tú
Tạm dừng câu chuyện tiền nong, lại chuyển sang câu chuyện uy tín. Một phóng viên kỳ cựu có hỏi như sau: “Tại đại hội thường niên VFF, một số đại biểu đã nói phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn giữ nhiều ghế quá và chỉ lo việc ở nước ngoài.
Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi anh Tuấn trả lời việc mình ngồi vào chiếc ghế đó là do uy tín cá nhân, theo kiểu không cần đến VFF. Tôi về đọc điều lệ thì thấy để được vào các tổ chức cần có sự giới thiệu của Liên đoàn quốc gia”.
Ông Tuấn không có mặt tại cuộc họp nên chắc không bị “rát mặt”. Người trả lời thay là Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh: “Tôi xin phép không nói thay anh Tuấn. Trên thực tế, vừa hợp tác vừa đấu tranh để có những vị trí và ảnh hưởng để hỗ trợ bóng đá Việt Nam”.
Còn ông Nguyễn Xuân Gụ cho hay: “Tôi đã hai lần ký giấy giới thiệu cho anh Tuấn. Một lần họp ban chấp hành Liên đoàn bóng đá châu Á, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á giới thiệu 5 thành viên nhưng sau đó Myanmar xin rút.
Anh Tuấn đạt số phiếu thấp là 17/46 phiếu. Lào 36/46 phiếu; Đông Timor và Philippines đạt 38/46 phiếu. Lần khác, tôi ký giới thiệu anh Tuấn thay anh Dương Vũ Lâm vào AFF. Nói chung, anh Tuấn cũng có chút uy tín…”.
Miura về hay không về, thường trực chưa quyết
Lãnh đạo VFF trả lời chất vấn của truyền thông chiều 22.1 - Ảnh: Khả Hòa
Tạm hết câu chuyện uy tín, chuyển sang câu chuyện Miura. Các phóng viên hỏi: “Việc ký hợp đồng với HLV Miura có thành công hay không? Trong hợp đồng chỉ không đặt ra chỉ tiêu cụ thể mà chỉ chung chung là vượt qua vòng loại, thế ký hợp đồng làm gì? Có phải lương ông Miura không đó VFF trả nên không có ý kiến gì được? Ông Hoài Anh đã từng nói mình là người ký hợp đồng với ông Miura nên sẽ chịu trách nhiệm, vậy trách nhiệm ấy như thế nào?”.
Ông Hoài Anh nói: “VFF và ông Miura ký hợp đồng trực tiếp nên không ai can thiệp vào công việc giữa đôi bên.
Tại vòng chung kết U.23 châu Á, đội U.23 Việt Nam có cơ hội cọ sát với những đối thủ rất mạnh. Ông Miura đặt ra chỉ tiêu vào tứ kết nhưng chưa làm được. Nhìn lại 3 trận đấu, có trận chưa được như ý muốn như trận gặp Jordan nhưng ở trận gặp Úc và UAE, toàn đội đã rất nỗ lực.
Đánh giá công việc của tôi thuộc về chủ tịch VFF và ban chấp hành VFF. Theo điều lệ, chức danh Tổng thư ký do chủ tịch giới thiệu và chủ tịch là người có quyền miễn nhiệm chức danh này”.
“Vậy VFF quyết định thế nào về tương lai của ông Miura?”. Ông Nguyễn Xuân Gụ trả lời: “Thường trực VFF chưa bàn tính tới và nếu có cũng phải đem ra bàn bạc cụ thể ở thường trực. Đến giờ phút này, anh Miura về hay không về, thường trực chưa quyết.
Nhưng tôi cũng chưa biết rõ thế nào. Vì HLV đội nữ Takashi trước khi về nước đến chào tôi, tôi mới biết. Không biết lần này với anh Miura, “kịch bản” có bị lặp lại không?”.
Công Phượng về Việt Nam vào ngày 23.1

Một tin rất vui cho khán giả là theo kết luận của bệnh viện Aspetar (Qatar), tiền đạo của đội U.23 Việt Nam sẽ không mất quá nhiều thời gian điều trị chấn thương gãy xương quay xanh. Cuối trận đấu với UAE tại vòng chung kết U.23 châu Á, Phượng bị ngã đập vai xuống đất và phải phẫu thuật ngay trong sáng 21.1.

 

Sau khi thực hiện thành công ca phẫu thuật chấn thương cho tiền đạo Công Phượng, các bác sĩ của bệnh viện Aspetar (Qatar) tỏ ra  lạc quan về khả năng hồi phục của anh. Phượng sẽ nhanh chóng bình phục và có thể trở lại tập luyện sớm hơn dự kiến, thay vì hai tháng như chẩn đoán ban đầu. Dự kiến, ngày 23.1, Công Phượng sẽ trở về Việt Nam. 

 

Trong khi đó, lãnh đạo CLB Mito Hollyhock cũng bày tỏ ý định đưa Công Phượng sang Nhật điều trị chấn thương. Đội bóng Nhật Bản cũng đang tích cực liên lạc với bác sĩ để kiểm tra tình trạng chấn thương và chuẩn bị phương án điều trị cho Công Phượng.

Nhật Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.