Tiềm năng bóng đá VN đủ sức dự VCK World Cup

21/01/2013 03:05 GMT+7

Như Thanh Niên đã đưa tin, chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe đã có mặt ở Việt Nam để tiếp cận môi trường mới trước khi trở thành Phó tổng giám đốc VPF trong mùa giải 2013.

Như Thanh Niên đã đưa tin, chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe đã có mặt ở Việt Nam để tiếp cận môi trường mới trước khi trở thành Phó tổng giám đốc VPF trong mùa giải 2013.

Có mặt tại Trung tâm thể thao Thành Long vào sáng qua, ông đã dành cho báo chí cuộc phỏng vấn.

Là người đang điều hành J-League và từng giúp cho các CLB bóng đá Nhật Bản phát triển, vì sao ông lại quyết định tạm ngừng công việc của mình để đến với VN?

Tôi nhận lời đến VN vì tôi muốn thử sức mình trong môi trường mới. Tôi nhận thấy VN là một nước rất có tiềm năng để phát triển bóng đá, bởi đất nước các bạn rất năng động và đại đa số người dân yêu thích môn thể thao này. Vì thế tôi quyết định đến đây để góp tay xây dựng bóng đá VN phát triển. Với những tiềm năng VN sẵn có thì trong tương lai gần tôi tin đội tuyển quốc gia các bạn sẽ có mặt ở VCK World Cup. Công việc của tôi là hoạch định để hướng tới tương lai, tôi muốn nhìn thấy bóng đá VN thật sự phát triển trong vòng 5 năm tới.

Tiềm năng bóng đá VN đủ sức dự VCK World Cup
Ông Kazuyoshi Tanabe trả lời báo chí - Ảnh: Khả Hòa

Trước khi đến đây ông đã biết gì về bóng đá VN?

Qua nhiều nguồn khác nhau tôi biết một số thông tin về bóng đá VN. Như việc các CLB hàng đầu VN đang gặp khó khăn về tài chính chẳng hạn. Nhưng quả thật tôi chưa biết được nhiều lắm. Khi xem ĐTLA đá giao hữu với Cao su Đồng Tháp trên sân Long An, tôi thấy rằng sân bóng này cần bổ sung thêm một vài hạng mục để trở thành sân bóng chuyên nghiệp. Nhưng khi đến Thành Long xem U.16 PVF đá với U.16 ĐTLA thì tôi nhận thấy, VN đang có những cơ sở đào tạo bóng đá trẻ rất tốt. Từ đó tôi biết rằng mình cần phải đi nhiều để biết thêm văn hóa làm bóng đá ở VN.

 

Ông Kazuyoshi Tanabe năm nay 52 tuổi, từng làm Giám đốc điều hành CLB Yokohama, Avispa Fukuoka, Ryukyu (Nhật), Grenoble Foot 38 (Pháp)... hiện là Phó giám đốc điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J-League). Ông Tanabe sang VN theo sự giới thiệu của Tổng giám đốc J-League Yulio Nakano nằm trong chương trình hợp tác toàn diện với VPF. Phía Nhật Bản cũng mong muốn nhân 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Nhật và Năm hữu nghị Việt - Nhật sẽ tăng cường đưa các chuyên gia và các đội bóng sang hỗ trợ bóng đá VN, thúc đẩy sự phát triển mô hình V-League chuyên nghiệp trong thời gian tới.

T.K

Nói thật lòng, tôi ngạc nhiên bởi đội U.16 PVF không thua gì đội tuyển U.16 Thái Lan, vì tôi đã từng xem U.16 Thái Lan đá vào năm ngoái. Thậm chí một vài cầu thủ U.16 PVF còn rất nổi bật, thi đấu khéo léo hơn hẳn các cầu thủ Thái Lan. Xuất phát điểm và niềm đam mê của các cầu thủ trẻ VN làm tôi tự tin mình không quyết định sai lầm khi đến đây.

Với kinh nghiệm từ J-League, liệu ông có cách gì để giúp các CLB VN vượt qua khó khăn hiện nay?

Kinh nghiệm 20 năm làm J-League giúp tôi rút ra bài học: muốn CLB phát triển bền vững thì đừng bao giờ phụ thuộc vào một ông chủ hay một nhà tài trợ duy nhất. Một đội bóng cần phải có từ 4 đến 5 nhà tài trợ cùng chung tay hợp lực, nếu nhà tài trợ này gặp khó khăn trong kinh doanh đã có các nhà tài trợ khác đứng ra gánh vác. Đội bóng cũng nên lấy tên của địa phương, để tạo nên sự kiêu hãnh, quan tâm và yêu thích của người hâm mộ. Nếu đội bóng cứ đổi tên liên tục thế nào cũng gặp nhiều khó khăn. Khi đội bóng thi đấu trung thực, hấp dẫn kéo được khán giả đến sân thì các nhà tài trợ cũng cảm thấy hài lòng vì sự đầu tư xứng đáng của mình, điều này giúp đội bóng phát triển bền vững.

Người hâm mộ bóng đá VN thường than phiền bóng đá VN chưa có được sự phát triển tốt vì hạn chế từ những người điều hành và quản lý bóng đá, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi chưa tiếp xúc nhiều nên không thể đánh giá về vấn đề này. Nhưng bóng đá ở Nhật Bản từ con số 0 đã phát triển vượt bậc để trở thành đội bóng thường xuyên có mặt ở World Cup nhờ những người điều hành rất tâm huyết. Còn với Trung Quốc, dù có dân số đông nhưng họ không có một đội tuyển quốc gia mạnh bởi họ làm việc vì lợi ích của một thiểu số nào đó. Bóng đá là một đại gia đình, tất cả phải cùng chung tay, làm hết mình thì bóng đá mới phát triển. Không chỉ là HLV và cầu thủ mà cần nhất và quan trọng nhất vẫn là những người điều hành có dũng khí, tham gia hết mình, có khát khao, đam mê và phải hy sinh lợi ích của mình thì bóng đá mới có thể phát triển.

Lúc nào thì ông bắt tay vào công việc của mình và ông dự định gắn bó với VN trong bao lâu?

Tôi chưa biết sẽ cộng tác với VPF trong bao lâu, nhưng mục tiêu của tôi là sẽ nói được tiếng Việt sau 3 năm. Tôi và VPF chưa chính thức ký hợp đồng nhưng về phần mình, tôi muốn càng sớm được làm việc ở VN càng tốt. Tôi không quan trọng lắm đến chuyện tiền nong hay các ràng buộc này nọ, mà điều quan trọng là tôi muốn nhanh chóng nhìn thấy bóng đá VN phát triển. Lúc đó có thể tôi sẽ có dịp nói nhiều hơn vì tôi muốn nói về những điều mà mình đã làm được.

Quang Huy
(thực hiện)

>> Thanh Hóa tậu được tuyển thủ World Cup
>> Thanh Hóa chính thức có tiền vệ từng dự World Cup
>> Trận cầu bạo lực và quan ngại an ninh ở World Cup 2014
>> Chelsea vào chung kết FIFA World Cup Club 2012
>> John Terry không thể dự FIFA Club World Cup

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.