Trồng cây tới ngày hái quả

29/03/2010 09:39 GMT+7

Chỉ vỏn vẹn trong 3 năm trở lại đây, bóng đá trẻ Đà Nẵng liên tục giành những thắng lợi rực rỡ...

Các cầu thủ trẻ Đà Nẵng tham gia chương trình “Giấc mơ sân cỏ“ 2009 - Ảnh: B.D

Chỉ vỏn vẹn trong 3 năm trở lại đây, bóng đá trẻ Đà Nẵng liên tục giành những thắng lợi rực rỡ...

Cách đào tạo và quản lý bóng đá trẻ của Đà Nẵng vẫn đi đúng hướng sau khi chuyển giao hoàn toàn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội cách đây 3 năm.

Đào tạo theo mô hình kim tự tháp

Kể từ năm 1988, trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ Đà Nẵng ra đời mỗi năm chọn tới hàng trăm cầu thủ nhí. Ngay tại các đội trẻ: U.11, U.13, U.15, U.17, U.19 và U.21, SHB Đà Nẵng luôn có 2-3 HLV phụ trách công tác huấn luyện và quản lý. HLV U.11 SHB Đà Nẵng, Bùi Thông Tuân cho biết: “Thời gian đầu tiên này rất vất vả, chúng tôi phải chỉnh từng động tác đơn giản nhất. Công việc “đãi cát, tìm vàng” vô cùng quan trọng. Và quan điểm chúng tôi là không bỏ sót bất cứ cầu thủ nhí xuất sắc nào”.

Cơ cấu tổ chức của SHB Đà Nẵng gần như hoàn thiện. Chưa kể về độ khắc nghiệt và khắt khe về số lượng khi 50 cầu thủ U.11 chỉ còn tầm 20 học viên bước qua lớp U.13. Bước qua thời điểm ấy, cầu thủ được hưởng chế độ VĐV chuyên nghiệp với chế độ đãi ngộ và trợ cấp rõ ràng. Nghĩa là ngay từ rất bé, các em được ý thức rõ ràng về tính chuyên nghiệp trong nghiệp “quần đùi, áo số”. Sự sàng lọc có tính đào thải cao ấy cứ lớn dần qua từng tuyến “U”. Mỗi lần như thế, các cầu thủ dần được nâng tầm và hoàn thiện cho tới khi lên tới tuyến U.21. Vào thời điểm ấy, các cầu thủ nhận chế độ trợ cấp 2.500.000 đồng /tháng. Đó là bước đệm quan trọng nhất trước khi bước vào “đội lớn”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, cha cầu thủ Nguyễn Văn Mẹo, khẳng định: “Bóng đá Đà Nẵng là môi trường lý tưởng để các cầu thủ trẻ thành tài: Một hệ thống cơ sở vật chất hoàn thiện cũng như sự chỉ vẽ tận tình, hết mực yêu nghề của các HLV. Chưa kể, người dân Đà Nẵng ai cũng “máu” bóng đá và sẵn sàng để con cái theo nghiệp cầu thủ. Mỗi buổi tập của các cầu thủ trẻ có rất đông người tới xem”.

Đầu tư dài hơi nhưng có tính trọng điểm

Nói về thành công của SHB Đà Nẵng ở mùa giải 2009, HLV Lê Huỳnh Đức thừa nhận 3 quan điểm. Đầu tiên, ông được nắm tập thể đồng đều và giàu khát vọng. Điểm thứ 2, sự quan tâm nhiệt tình từ phía ban lãnh đạo thành phố. Thứ 3, chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho ông toàn quyền quyết định về chuyên môn cũng như quản lý.

Phải công nhận rằng, sự phát triển chóng mặt của các cầu thủ Đà Nẵng nở rộ từ sau khi doanh nghiệp SHB “chung lưng đấu cật” với UBND thành phố. Dưới bầu sữa từ “bầu” Hiển, SHB Đà Nẵng không còn quá lo kinh phí. Mỗi năm, công tác đào tạo trẻ của Đà Nẵng cũng mất từ 5- 7 tỷ đồng vào khâu ăn uống, áo quần, giày tất, tiền đào tạo và di chuyển thi đấu. Chưa kể đó là kế hoạch phát triển dài hơi sau khi Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ được xây dựng khang trang vào năm 2000.

Ngoài ra, tố chất cũng như kỹ năng của các cầu thủ gốc Đà Nẵng luôn được định hình đậm nét trong cách giáo dục, tổ chức – quản lý từ tầm vĩ mô. Chính sự tác động có tính đa chiều như thế, SHB Đà Nẵng luôn đi đầu trong công tác tổ chức - sàng lọc – đào thải để chọn lại những tinh binh. Chưa kể đó là áp lực khiến các cầu thủ trẻ không thể tự hài lòng với chính mình. Như đội hình giành cú đúp quốc nội mùa trước, Quang Cường, Đức Cường, Phước Vĩnh, Hải Lâm là lứa cầu thủ do cựu GĐKT Trần Vũ chăm sóc. Song đóng góp không nhỏ còn từ số cầu thủ U.21 SHB Đà Nẵng như Nguyên Sa, Thanh Hưng, Hoàng Quảng, Văn Mẹo… dưới quyền chỉ đạo HLV Hà Nội T&T , Phan Thanh Hùng. Chính độ dày cũng như chất lượng mà mỗi cầu thủ SHB Đà Nẵng đang có được khiến cho mỗi cầu thủ trẻ khi vào sân đều có thể thay thế khá tốt. Ngay phía sau đó, những cầu thủ trẻ ở đội hình dự bị như Thành Trung, Minh Tuấn, Duy Lam… cũng đang trưởng thành vượt bậc. 

Tiếp tục là đầu tàu trong đào tạo trẻ

Sự kiện Nguyễn Thái Sung được Học viện Aspire (Qatar) tuyển chọn không chỉ là lời khẳng định về chất lượng của các cầu thủ trẻ Đà Nẵng. Ngay thành công của U.17 Việt Nam tại vòng loại châu Á vừa qua cũng có sự góp mặt của 7 cầu thủ Đà Nẵng trong đội hình HLV Hoàng Văn Phúc.

SHB Đà Nẵng chưa bắt tay vào công tác đào tạo trẻ với bất cứ một đội bóng lớn nào. Nhưng sự quan tâm và cách đào tạo bài bản, nghiêng về “chất” địa phương vẫn tiếp tục thành công. Trung vệ Châu Lê Phước Vĩnh thẳng thắn trả lời: “Bóng đá Đà Nẵng có được thành công bây giờ phải bắt nguồn từ công tác đào tạo trẻ. Hiếm có một địa phương nào, tính truyền thống và tiếp nối lại lớn như ở đây. Chưa kể việc tuyển chọn quá tốt từ khâu đầu vào và đào thải quyết liệt từ khâu đầu ra khiến mỗi cầu thủ trẻ hay đá đội 1 đều cố gắng có được vị trí cho riêng mình”.

Yến Ca

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.