Từ chân trần trở thành cầu thủ chuyên nghiệp

25/09/2010 22:39 GMT+7

Sau 3 năm, chúng tôi trở lại Học viện HAGL Arsenal JMG, tìm gặp lứa cầu thủ do học viện đào tạo.

Các VĐV của Học viện HAGL Arsenal JMG trên sân tập - Ảnh: Khả Hòa

Sau 3 năm, chúng tôi trở lại Học viện HAGL Arsenal JMG, tìm gặp lứa cầu thủ do học viện đào tạo.

Vì sao đá chân không?

Xem 25 cầu thủ quần nhau tơi tả trên sân suốt hơn 2 giờ đồng hồ, điều đập vào mắt chúng tôi là tất cả cầu thủ đều đá chân không, chẳng có giày vớ cũng chẳng có ống bịt để ngừa chấn thương. HLV Dương Minh Ninh giải thích rằng: “Từ đầu, khi đào tạo các em trong học viện này, phương châm của các HLV đến từ Arsenal cũng như chúng tôi là cho các em chơi bóng một cách tự nhiên, không gò bó vào những dụng cụ hỗ trợ.

Giày là vật dụng cần thiết để góp phần giúp đôi chân một cầu thủ phát triển thành tài. Nhưng có những điều căn bản hơn phải học trước khi mang giày. Đó là khả năng chơi bóng, là cảm giác bóng, là việc uốn nắn từng động tác kỹ thuật cho các em, sao cho từng em phải ý thức được việc tư duy trên đôi chân của mình một cách sinh động nhất. Từ đó, các em mới có thể nhảy múa trên chính đôi chân của mình với bóng, như vậy sự hứng thú chơi bóng của các em cao hơn”.

Tôi bắt chuyện với Nguyễn Trung Tính (sinh năm 1998, đến từ Bình Dương) khi em đang ra đứng giải lao chờ vào thay đồng đội. Tính nói ngay: “Đá chân không em rất thích vì nó làm cho em điều khiển quả bóng đúng theo ý mình hơn, tạo cho em sự tự tin để xử lý nhịp nhàng, tránh những va vấp không đáng có. Chính nhờ đá quen với đôi chân trần như vậy, dần dần em thực hiện các động tác đơn giản, dứt khoát hơn để không có những đường chuyền hay cú sút chệch mục tiêu”.

Cũng chung suy nghĩ như vậy, Đinh Thanh Bình, cậu bé cũng sinh năm 1998 đến từ Thanh Hóa, liếng thoắng: “Đá chân không chủ yếu rèn kỹ thuật nên tụi em chỉ đá sân 5x5, 6x6 hoặc 8x8 người thi đấu với kích thước vừa phải, mục đích chính là bộc lộ hết những tố chất năng khiếu của mình để các thầy nhìn ra những điểm mạnh yếu, rồi từ đó chỉnh sửa ngay. Em thấy thực hiện các bài tập như vậy để rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo từ đôi chân không giày đồng thời vẫn có được sức mạnh, sức rướn để sau này khi kỹ thuật ổn định và chín chắn, đá sân lớn phù hợp hơn”.

Còn HLV người Pháp Guillaume thì rất tự tin khi nói rằng: “Ở nhiều CLB lớn trên thế giới, cầu thủ bắt đầu được đào tạo từ đôi chân trần. Con đường để các em trưởng thành cũng phải từ đây. Điều quan trọng là các em phải tích lũy đủ những yếu tố kỹ thuật làm nền tảng cho nghề nghiệp sau này. Bóng đá hiện đại giờ đây nhiều người nói chạy nhiều là tốt. Đúng nhưng nếu chạy mà không biết dẫn bóng, không biết đột phá, không biết xử lý thì chạy để làm gì. Thế nên bài học căn cơ trước tiên là phải trui rèn kỹ thuật từ khi còn nhỏ. Chúng tôi sẽ cho các em tập như vậy ít nhất là 4 năm đầu trong 7 năm đào tạo. Nghĩa là phải đến cuối năm 2011 mới chuyển dần cho các em sang tập giày. Lúc đó, các động tác căn bản của các em đã nhuần nhuyễn thì việc thích nghi với giày sẽ rất nhanh chóng và chúng ta sẽ có được lứa cầu thủ chơi sáng tạo và bùng nổ như Messi, Fabregas hay Iniesta”. 

4 năm nữa sẽ hái quả

Có lần tôi hỏi bầu Đức, mục đích xây dựng học viện để tìm kiếm nhân tài cho bóng đá VN là rất đúng. Nhưng sau 7 năm, liệu số cầu thủ này có đủ sức bay nhảy ra thị trường châu Âu hay thế giới không. Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức khi đó cho biết ông làm bóng đá phi lợi nhuận và cái chính là khi các em trưởng thành, đứng được trên đôi chân của mình. Ông sẽ tạo điều kiện tối đa cho các em sống được bằng nghề nghiệp của mình ở bất cứ đâu mà các em có điều kiện hướng tới. Hiện cứ 2 năm học viện tuyển sinh một lần, bên cạnh việc đào tạo trở thành cầu thủ, các em còn được học văn hóa và trang bị đầy đủ cho các sinh hoạt vui chơi. Mục đích quan trọng của học viện là giúp các em bộc lộ khát khao chơi bóng, khát khao trở thành những tài năng thực sự cho bóng đá nước nhà trong tương lai.

Chứng kiến 25 cầu thủ đã được sàng lọc sau 2 khóa đào tạo đầu tiên của học viện (2007 và 2009), dễ nhận thấy là ý thức cầu tiến, tinh thần ham học hỏi của các em rất lớn. Nhưng để trở thành một cầu thủ lớn trong tương lai là cả một chặng đường dài. Lê Đức Lương, cầu thủ lớn tuổi nhất trong số 25 em (sinh năm 1994, đến từ Bình Dương) nói: “Quy trình đào tạo với cường độ cao như tại học viện đòi hỏi tụi em phải nỗ lực thật nhiều. Không ai được phép thỏa mãn với chính mình và cũng không cầu thủ nào tự thụt lùi. Bởi tụi em đều hiểu rằng chỉ có lao động miệt mài hôm nay mới có quả ngọt ngày mai. Cứ mỗi ngày ra sân, tụi em đều đặt ra cho mình một quyết tâm “Hôm nay phải hay hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay”. Chỉ có vậy cùng với sự chỉ bảo của các thầy, tụi em hy vọng đến năm 2014 sẽ đủ sức chơi ở các giải đỉnh cao trong khu vực”.

Trợ lý HLV Nguyễn Văn Đàn nhận xét: “Bọn trẻ rất cố gắng. Trong 25 em này, hiện tại chúng tôi chưa cho các em đá các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia, bởi không muốn các em phân tâm mà chỉ tập trung huấn luyện. Đến thời điểm chín muồi mới cho các em đấu chính thức. Hiện nay khi cần thì chỉ cho các em đấu tập nội bộ, hoặc với các đội bóng khác cùng trang lứa. Vừa rồi, đội đá với lứa được đào tạo tương tự như vậy ở Thái Lan sang tham quan, và đội chúng tôi cũng đã thắng. Với cái nhìn của mình, tôi nghĩ nếu không có gì thay đổi thì phần lớn trong số này đều chơi tốt ở giải V-League trong 4-5 năm nữa. Có thể CLB HAGL sẽ giữ lại hoặc chuyển nhượng vài cầu thủ cho các CLB khác nếu phù hợp. Việc chuyển nhượng ra nước ngoài thì còn tùy các CLB của Đông Nam Á, châu Á có cần hay không. Tôi nghĩ trình độ các em chơi trong khu vực rất tốt”.

Thực tế đúng như vậy, các cầu thủ được đào tạo từ học viện hoàn toàn có thể khẳng định được mình ở sân chơi Đông Nam Á. Nhưng để bước ra sân chơi đẳng cấp quốc tế như các CLB châu Âu hay Đông Bắc Á thì e là khó, bởi hạn chế lớn nhất của cầu thủ VN vẫn là thể hình. Cả Trung Tính, Công Phượng, Thanh Bình, Quang Chiến, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Quý, Đức Lương, Văn Đại, K’ror Uc... có thể là những tài năng lớn trong nước sau này. Tuy nhiên để đào tạo các em trưởng thành, học viện chắc hẳn phải cải thiện nhiều yếu tố sinh học hơn nữa, may ra mới có một vài cầu thủ làm vẻ vang bóng đá nước nhà.

25 cầu thủ được đào tạo tại Học viện HAGL Arsenal JMG đến từ 14 địa phương trong cả nước như Tuyên Quang, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương và Gia Lai. Tất cả đã trải qua 3 vòng chọn lựa trước khi đến Trung tâm Thể thao Hàm Rồng. Hiện buổi sáng các em học văn hóa tại trường do chính học viện mở. Sau khi học đến 11 giờ, các em ra sân tập ngay ít nhất 1 giờ rồi mới được ăn trưa. Sau giờ ngủ trưa,15 giờ các em lại ra tập trong 2 giờ nữa. Buổi tối nghỉ ngơi. Riêng thứ bảy, chủ nhật các em được cấp điện thoại gọi về nhà hoặc vào phòng internet để thư giãn.

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.