Tú 'ngựa' và những câu chuyện tưởng như giấc mơ

30/12/2016 10:16 GMT+7

Bình dị, dễ thương bởi sự khiêm tốn, Nghiêm Xuân Tú chưa bao giờ xem mình là trường hợp đặc biệt ở bóng đá Việt Nam. Anh chỉ coi mình là người kể câu chuyện bóng đá, với những ý nghĩa, tốt đẹp vẫn luôn tồn tại ở môn thể thao Vua...

Khi lựa chọn đề cử cho Cúp Chiến thắng, ban tổ chức giải thưởng điền tên Nghiêm Xuân Tú. Do “lỗi đánh máy”, phần lý lịch của cầu thủ đi lên từ bóng đá phong trào này có chút nhầm lẫn bởi cho anh vào diện đang khoác áo đội tuyển quốc gia. Thế nhưng như là sự sắp đặt của số phận, một tuần sau đó, khi lên danh sách tập trung đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2016, HLV Hữu Thắng đã đã điền tên Nghiêm Xuân Tú. Nhưng cũng như trò đùa kỳ lạ và trớ trêu của số phận, đúng một ngày trước khi tập trung, ở trận chung kết lượt về Cúp quốc gia 2016, Tú dính chấn thương, khi vừa chạm tay vào giấc mơ đội tuyển…
Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường
“Đỏ mãi rồi, đen chút cũng không sao đâu anh ạ. Mình không may nhưng biết đâu, đó lại là cơ may để mở ra cơ hội cùng nhiều thứ cho người khác. Luôn có cơ hội cho sự cố gắng, nếu mình xứng đáng, nhỉ”. Tú “ngựa” cười mà nhăn nhó, khi nhìn xuống cái đầu gối bó trắng. Tú bảo “thế là may rồi” khi không vỡ gối, không bị dây chằng hay sụn chêm phải mổ mà chỉ tổn thương nên nghỉ vài tháng là trở lại.
Với một cầu thủ từng phải chia tay bóng đá, đi đá phủi rồi may mắn đi theo bóng đá chuyên nghiệp, có những thành công ban đầu, giấc mơ đội tuyển quốc gia và cơ hội AFF Cup là cái gì đó quá lớn lao, thế nhưng nó lại trôi qua vì một tai nạn lãng nhách. Và Tú “ngựa” bình thản, với suy nghĩ rất lạc quan chứ không hề bi kịch hóa.
Nghiêm Xuân Tú nhận huy chương vàng Cúp quốc gia với cái đầu gối quấn trắng xóa bởi chấn thương Minh Tú
“Cậu ta phải có cái gì đó đặc biệt chứ, tôi tin rằng thế…”. Khi ghé qua sân phủi với các chiến hữu, HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ thế khi được giới thiệu về trường hợp của Nghiêm Xuân Tú. Và ông Hùng, cuối cùng lại gặp Tú để rồi cùng cậu học trò này bắt đầu một hành trình khám phá, với những ngạc nhiên “không thể tin nổi”.
Chuyện bắt đầu từ một buổi tối, khi ông Hùng chờ các học trò đón từ Hà Nội về Cẩm Phả sau ngày nghỉ. Ông gọi Tú vào, cầm cốc bia và bảo “hãy thử bày tỏ đi”. Đó là lần đầu tiên, hai thầy trò ngồi riêng với nhau, dù ông Hùng về Than Quảng Ninh làm gần 1 tháng. Họ nói với nhau chỉ vài câu, và những gì ông Hùng “chia sẻ như những người đàn ông bóng đá” đó, không chỉ khai thông mà còn trở thành động lực kích thích sự vươn lên của Tú “ngựa”.
Bắt đầu từ trận thua Hải Phòng mà cả 2 bàn thua xuất phát từ lỗi của Nghiêm Xuân Tú, thế nhưng ông Hùng vẫn tin dùng để rồi sau đó, tiền vệ thể hiện sự tiến bộ vượt bậc. Không chỉ là những bàn thắng và kiến tạo, Tú trở thành thứ vũ khí quan trọng trên hàng công của Than Quảng Ninh, góp phần giúp đội bóng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất khi khủng hoảng lực lượng để rồi bay cao, tham dự cuộc đua vô địch theo cách rất bất ngờ ở cuối V-League 2016.
Tú 'ngựa" đã trở lại và chơi một trận Siêu Cúp quốc gia thật xuất sắc giúp Than Quang Ninh vượt qua Hà Nội FC tại sân Hàng Đẫy Minh Tú
“Không chỉ là tốc độ, cậu ấy có sự khôn khéo và thứ tư duy nhanh nhạy, ý thức học hỏi cầu tiến nên tự cậu ấy quyết định thôi. Bởi Tú có ý chí với nghề, đó mới là thứ quan trọng quyết định tất cả…”, HLV Phan Thanh Hùng nói như thế, khi nói về việc thay đổi một cầu thủ không có điểm gì đặc biệt ngoài tốc độ đúng với biệt danh Tú “ngựa”, vốn chỉ quen, biết chạy cánh trong sơ đồ 4-4-2 truyền thống nên “như không biết đá bóng” khi phải chơi 4-2-3-1 với những yêu cầu chiến thuật mới mà CLB áp dụng dưới thời ông Hùng nhưng sau đó biết thay đổi, thích nghi để phát huy bản thân, tỏa sáng.
Một bản hợp đồng mới với Than Quảng Ninh, sự yêu quý và thừa nhận của ban lãnh đạo, ban huấn luyện cùng đồng đội lẫn các CĐV, lọt vào danh sách đội hình tiêu biểu của BTC V-League 2016, được triệu tập lần đầu lên đội tuyển quốc gia rồi được mời sang Đức thử việc, với Nghiêm Xuân Tú đó không chỉ là sự khẳng định mà còn là một câu chuyện cổ tích. Câu chuyện đó, từ một cầu thủ bình thường vẫn bị coi thường là “không biết đá bóng” nhưng Tú viết lên bằng giấc mơ, khát vọng và ý chí với bóng đá. Cổ tích nhưng rất đời, thật và đầy chất liệu cuộc sống, bóng đá…
Biểu tượng của chiến thắng
Ngày nghỉ chờ chung kết lượt về Cúp quốc gia rồi lên tuyển tập trung, Tú xin phép ra được “đá nốt một trận HPL”. Tú quay về với sân phủi, chơi cùng đội Cường Quốc, ghi bàn rồi rời sân trong những tiếng vỗ tay động viên của hàng ngàn khán giả. Cầu thủ này đi quanh sân, lần lượt bắt tay chào và cảm ơn anh em bạn bè, khán giả của mình. Đó như là sự tri ân của Tú với sân chơi phong trào là bệ phóng giúp anh quay lại với bóng đá chuyên nghiệp.
3 năm trước, ngày khai mạc giải Ngoại hạng Hà Nội ở trận “El Clasico của phủi Hà Nội”, Tú tỏa sáng với 2 bàn thắng giúp Cường Quốc hòa kỳ phùng địch thủ Trà Dilmah 2-2. Đúng 2 ngày sau đó, Tú xách ba lô vào Thanh Hóa thử tìm cơ hội. Tập 4 ngày, trận gặp SLNA được đăng ký thi đấu cho đủ. Tình huống bất ngờ khi Thanh Hóa cần chút đột biến, HLV Mai Đức Chung tung tân binh đang thử việc vào sân và ngay ở pha di chuyển rồi chạm bóng đầu tiên, Tú ghi bàn giúp đội bóng xứ Thanh có 3 điểm. May mắn đã mỉm cười, một bản hợp đồng được chìa ra và từ đó, cuộc hành trình kỳ lạ được viết tiếp, với nhiều giấc mơ lần lượt thành hiện thực.
Gia đình hạnh phúc của chàng trai trẻ Minh Tú
Thực ra, Tú không phải cầu thủ đi lên từ phong trào, dù nổi danh nhờ đá phủi. Là con trai cựu cầu thủ Nghiêm Xuân Mạnh (Đường sắt Việt Nam), Tú sinh ra trong môi trường bóng đá nên có ăn tập, hết lớp 12 bắt đầu theo tập chuyên nghiệp. Cùng Hòa Phát V&V lên hạng Nhất rồi được bán cho Xuân Thành Sài Gòn, Tú không trụ được, lang thang xin thử việc nhiều nơi nhưng thất bại nên gác lại giấc mơ bóng đá và đi đá phủi. Thế rồi cơ may đến và cầu thủ này nắm lấy nó, biến thành cơ hội của mình để rồi chạy những bước thật nhanh, thật dài của sự nghiệp.
Khi điền tên Nghiêm Xuân Tú vào danh sách đề cử, BTC Cúp Chiến thắng muốn gửi đi thông điệp về ý chí, khát vọng mà Tú như là một biểu tượng của chiến thắng, khi có thể chiến thắng chính mình để vượt lên tất cả, vươn đến thành công. Không phải chàng thanh niên 20 tuổi nào cũng có thể chiến thắng bệnh tật, ở thời điểm khủng hoảng nhất khi tất cả những cánh cửa với bóng đá đóng lại và phát hiện ra căn bệnh ung thư trực tràng. Không phải cầu thủ phong trào nào cũng có thể giữ gìn, tự tập và duy trì mơ ước để có sự sẵn sàng khi đang đá phủi được gọi đi thử việc và thành công.
Xuân Tú trong thời gian thử việc ở Đức Facebook nhân vật
Cũng không phải cầu thủ nào, với xuất phát điểm kém lại chịu định kiến về sự hạn chế chuyên môn, có thể vững tin vào bản thân rồi đi lên, khẳng định bằng ý chí, tinh thần cầu tiến như Nghiêm Xuân Tú để rồi câu chuyện về anh biến thành lời mời từ nước Đức về một chuyến đi thử việc mà có lẽ 99% cầu thủ Việt Nam sẽ coi là chuyện viển vông, không dám lựa chọn hay dấn thân thử thách. Thế nhưng với Tú “ngựa” thì khác, tất cả chỉ đơn giản là câu chuyện của bóng đá, với những ước mơ và chân lý “không có gì là không thể, nếu mình cố gắng…”.
Bình dị, dễ thương bởi sự khiêm tốn, Tú chưa bao giờ xem mình là trường hợp đặc biệt ở bóng đá Việt Nam. Anh chỉ coi mình là người kể câu chuyện bóng đá, với những ý nghĩa, tốt đẹp vẫn luôn tồn tại ở môn thể thao Vua này, trong môi trường bóng đá Việt Nam mà đôi khi những giá trị căn bản nhất lại bị thiếu trân trọng nhất….
Câu chuyện đó đã, đang và sẽ được viết tiếp bởi Nghiêm Xuân Tú với mong muốn giản đơn nhất: Thắp sáng cho thêm nhiều những giấc mơ bóng đá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.