Nguyễn Thanh Tùng: Tiền vệ “móm” và những cú “đại bác” tầm xa

08/05/2020 07:00 GMT+7

"Tùng móm" (biệt danh của Nguyễn Thanh Tùng) là một tiền vệ xuất sắc cùng đội bóng đá Cảng Sài Gòn từng đoạt chức vô địch giải A1 toàn quốc (như giải V.League hiện nay) năm 1986 và nổi tiếng với những cú sút mạnh như "búa bổ".

Không qua trường lớp vẫn đá hay


Sinh năm 1963 tại Mộc Hóa (Long An), mới 4 tuổi "Tùng móm" và gia đình đã phải sớm xa quê để đến nơi sinh sống mới là Tân Quy Đông, một vùng đất nghèo khó thuộc huyện ngoại thành Nhà Bè của Sài Gòn (bây giờ là phường Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM).

Tiền vệ đội Cảng Sài Gòn Nguyễn Thanh Tùng bị móm từ nhỏ nên có biệt danh là "Tùng móm". Năm 1983 khi vào tập luyện với đội Cảng mang áo số 6, Tùng đã bớt móm nhiều nhưng người hâm mộ vẫn cứ gọi anh là "Tùng móm" để phân biệt với một cầu thủ khác cùng tên (mang áo số 16) đá cho đội Hải Quan.

Trước khi được về đội Cảng Sài Gòn, "Tùng móm"  đã tìm nhiều nơi để được đá bóng cho thỏa đam mê. Năm 1975 (12 tuổi), Tùng chỉ được làm quen với bóng bằng nhựa, tiến lên thi đấu bằng bóng da cho đội thiếu niên huyện Nhà Bè rồi giúp đội tuyển xã Tân Quy vô địch cấp huyện 4 năm liền. Được bạn bè động viên, năm 1979 Tùng có đăng ký thi tuyển vào lớp bóng đá trường năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM nhưng với chiều cao chỉ 1m58, Tùng bị chê. 

Không nản chí, "Tùng móm" liên tục tham gia thi đấu cho các đội bóng phong trào để tích lũy trận mạc từ Cảng miền đông đến đội Xí nghiệp Mỹ phẩm những năm 1980 - 1982. Giai đoạn này, dù chỉ chơi cho các đội “chẳng có chút tên tuổi” nào nhưng "Tùng móm" rất chú tâm học hỏi những cầu thủ đàn anh, thấy ai có "cú" nào hay là tìm đến để xin học. Anh luôn tâm niệm “Mơ ước của tôi là trở thành cầu thủ giỏi nên tôi kiên trì tập luyện để tạo độ tinh tế hoàn thiện trong chuyên môn của mình. Từ đó tôi tin sẽ bù đắp cho thể hình thấp bé của mình. Khi đó bất cứ có trận đấu lớn hay nhỏ nào ở đâu có cơ hội là tôi tìm cách xin được ra sân thi đấu và luôn “cháy” hết mình”.
 

Nguyễn Thanh Tùng ở tuổi 57 vẫn hồn nhiên với nụ cười rất "móm" bên các kỷ vật của mình

Nhựt Quang


Và cơ hội đó đã đến vào đầu năm 1983 khi cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang sau khi hoàn tất 2 năm học khóa huấn luyện viên (HLV) quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Đức trở về nước và được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội Cảng Sài Gòn. Thời gian này, đội tuyển huyện Nhà Bè có cơ hội tiếp đón đội Cần Giuộc (Long An) trên sân nhà, "Tùng móm" ở tuổi 20 được vinh dự  khoác áo đội chủ nhà cùng với các anh lớn trong đội Cảng Sài Gòn như Dương Văn Thà, Nguyễn Thành Thuận, Nguyễn Văn Thòn, Huỳnh Đình Phi… Qua giới thiệu của tiền đạo Nguyễn Văn Thòn, HLV Tam Lang đã xem kỹ trận đấu này và nhận định "Tùng móm" là cầu thủ tuy chưa qua trường lớp nào nhưng vẫn có nhiều điểm mạnh như: nhanh nhẹn, chuyền bóng và sút bóng đều đạt yêu cầu nên đồng ý cho Tùng về thử việc tại đội Cảng Sài Gòn ngay sau đó. 

Vượt qua được những năm tự tập luyện không bài bản, khi về đội Cảng Sài Gòn trong năm 1983, "Tùng móm" may mắn được tiếp thu những bài học quý giá của bóng đá thế giới mà HLV trưởng Tam Lang bắt đầu áp dụng cho đội, theo lối chơi hiện đại với sơ đồ mới 4-3-3. Trong khoảng 2 - 3 năm đầu khi về đội, Tùng còn được các cầu thủ kỳ cựu như Lưu Kim Hoàng, Lê Đình Thăng, Dương Văn Thà, Trần Văn Xinh… (đều nghỉ thi đấu sau khi đội đoạt chức vô địch quốc gia năm 1986) dìu dắt chỉ dẫn tận tình các kinh nghiệm cả trong thực tế thi đấu đến các kỹ năng sinh hoạt và giao tiếp ứng xử trong hoạt động bóng đá đỉnh cao. Nhờ vậy chàng trai gốc miền Tây có thêm niềm tin. 

Thanh Tùng trong trận đấu với đội Bông Lúa (Liên Xô) năm 1985

Tư liệu


Với quyết tâm học hỏi rất cao, "Tùng móm" tiếp tục chăm chú lắng nghe rất chi tiết, ghi nhận từng động tác chỉ dẫn của các thầy và các cầu thủ đàn anh để khổ luyện. Chẳng hạn như với HLV Tam Lang, Tùng học rất kỹ cú xỉa bóng rồi chạy vòng qua đối thủ nhận bóng đá tiếp; với tiền đạo Phan Hữu Phát thì học cách che bóng, tì đè đối thủ. Với trung phong Nguyễn Văn Thòn (biệt danh "Thòn xe tăng") thì học cách rèn luyện thể lực và kỹ thuật để có thể giữ bóng trong chân, chơi quyết liệt nhưng không phạm luật…

Sau khi về đội Cảng Sài Gòn được khoảng một tháng, tháng 6.1983, "Tùng móm" được tung ra thử sức với các đội bóng ở Đồng bằng sông Cửu Long và từ đó thường xuyên có trong đội hình chính. Một kỷ niệm mà Nguyễn Thanh Tùng không bao giờ quên là đến chiều 24.9.1983, lần đầu tiên anh được HLV Tam Lang cho thi đấu trận giao hữu quốc tế ngay trên sân Thống Nhất giữa đội Thanh niên TP.HCM (hầu hết lấy quân từ đội Cảng Sài Gòn) với đội Thanh niên Campuchia. Dù chỉ được ra sân khoảng 15 phút cuối của trận đấu khi đội Thanh niên TP.HCM thắng cách biệt 4-0, "Tùng móm" cũng có được một pha bắt vô lê đẹp mắt ở phút 80 từ ngoài 30 m làm cho thủ môn Campuchia phải rất khó khăn mới đẩy được bóng ra ngoài. Khán giả trên sân Thống Nhất lúc đó vỗ tay rần rần như chính thức ghi nhận tài năng của một tiền vệ trẻ thi đấu cho TP.HCM. 

Tùng "móm" (thứ 2 hàng ngồi từ trái) cùng các cựu cầu thủ danh tiếng lẫy lừng của Cảng như Tư Lê, Trần Văn Xinh, Lưu Kim Hoàng, Hà Vương Ngầu Nại, Hồng Phẩm..

Tư liệu


Tùng "móm" (ngồi, giữa) cùng nhiều thế hệ trưởng đoàn, HLV và cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn trong giải đấu vinh danh HLV Tam Lang

tư liệu


Có tên lên tuyển nhưng bất ngờ bị loại

Càng thi đấu, "Tùng móm" càng tiến bộ nên 3 tiền vệ đá chính trong sơ đồ 4-3-3 cho Cảng Sài Gòn thường gồm có Tùng (tiền vệ phải), Dương Văn Thà (tiền vệ trụ, khi nghỉ thi đấu năm 1985 thì Hà Vương Ngầu Nại thay) và Nguyễn Văn Hòa (tiền vệ trái). Riêng Tùng, do đá được cả hai chân đều tốt nên tùy theo từng đối thủ khác nhau, anh được ban huấn luyện đưa vào các vị trí tiền vệ còn lại. Khi ở vị trí tiền vệ trụ, anh điều bóng rất khéo và có cơ hội là tung ra được những cú sút xa rất mạnh về phía khung thành đối thủ. Những cú sút của "Tùng móm" thường rất nguy hiểm vì anh sút bóng sống hay bóng chết đều được, vừa chạy vừa sút thì càng mạnh hơn. 

Trong giải A1 toàn quốc năm 1985 trên sân Thống Nhất gặp đội Khánh Hòa, chính "Tùng móm" từ ngoài 30 mét đã xoay người đá tung lưới thủ môn Trần Hải. Cũng giải hạng cao nhất quốc gia sau đó hai năm trên sân Đà Lạt, nhìn thấy thủ môn Nguyễn Luật Tri của đội chủ nhà đứng sai vị trí, từ ngoài 25 mét Tùng cũng sút ngay vào cầu môn để ghi bàn cho đội Cảng Sài Gòn.      

Thanh Tùng (thứ 3 từ phải, hàng ngồi) cùng các cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn

Tư liệu


Trung vệ Lê Đình Thăng nhận xét: "Tùng là một cầu thủ rất hiền lành, đối xử với anh em nhỏ nhẹ và chân tình. Trong thi đấu, anh luôn thực hiện tốt chiến thuật đề ra, nhất là làm tốt lối đá "một chạm" mà HLV Tam Lang khởi xướng từ lúc đó. Tùng cũng thi đấu rất thông minh và có những đường chuyền chọc khe "thọc cù lét" cho đồng đội rất hiệu quả giống như danh thủ Võ Bá Hùng từng thực hiện rất thành công trước năm 1975". 

Khi gặp tôi ở giải bóng đá lão tướng TP.HCM do quận 12 tổ chức năm 2007, "Tùng móm" còn khoe: "Năm 2007, Q.12 đăng cai tổ chức giải lão tướng TP.HCM, tôi có tham gia thi đấu cho đội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM của ông Tư Tạo. Do bị đau chân phải nên giải này tôi toàn đá chân trái mà vẫn đá tốt nên góp phần giúp đội đoạt chức vô địch". 

Thanh Tùng (hàng ngồi thứ 3 từ trái) cùng đội cựu cầu thủ TP.HCM

Hội cựu cầu thủ

Thanh Tùng (hàng ngồi giữa) vẫn thường xuyên thi đấu giải lão tướng

CTV


Nguyễn Thanh Tùng có chút tiếc nuối: "Giai đoạn tôi thi đấu tốt nhất từ năm 1985 - 1987, có đóng góp tích cực cho đội Cảng Sài Gòn với chức vô địch quốc gia năm 1986, vô địch giải các đội mạnh phía nam 1987. Tôi có được chọn vào thi đấu cho tuyển TP.HCM nhưng do thời điểm này bóng đá chúng ta chưa được mở cửa nên việc giao lưu với quốc tế còn rất ít. Năm 1985, ban đầu tôi có suất vào tuyển Thanh niên Việt Nam đi Liên Xô tập huấn và thi đấu, nhưng giờ chót… bất ngờ không có tên mà không hề biết vì sao. Thời đó thông tin báo chí cũng không nhiều như bây giờ nên thêm bớt ai đều rất “bí mật” rất ít phổ biến rộng rãi. Nhưng tôi biết chắc mình bị loại không phải do năng lực.." .    
Sau 10 năm thi đấu liên tục, năm 1993 "Tùng móm" xin nghỉ thi đấu, được cơ quan bố trí về làm việc ở Cảng Khánh Hội (kho hàng), sau đó chuyển qua khu vực vận tải container. Đến năm 2015, ở tuổi 52 sau 32 năm công tác ở đội Cảng Sài Gòn, do sức yếu nên ông làm thủ tục giám định y khoa và được nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí sớm với mức lương hưu hàng tháng 3 triệu đồng. 

Hiện tại ông Tùng cùng người bạn đời của mình là Lê Thị Mỹ Phượng đang sinh sống hạnh phúc ở đường Phan Huy Thực (Q.7, TP.HCM). Hai ông bà tập trung nghỉ ngơi lo sức khỏe và dồn sức lo cho 3 cậu con trai cùng sống chung là Nguyễn Lê Thanh Toàn sinh năm 1996 (tốt nghiệp Cao đẳng Du Lịch), Thanh Tân (sinh 1998, học trường Đại  học Tài Chánh Marketing), Thanh Tài (sinh 2005, học lớp 9). Cả 3 con ông đều bị cận thị nên không thể theo nghiệp đá bóng của ba mình.

Thanh Tùng và tác giả bài viết

Châu Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.