Tuyển VN có thể thắng một đội dự World cup?

15/05/2010 22:50 GMT+7

Đặt ra vấn đề này khi New Zealand đang là 1 trong 32 đội sẽ góp mặt ở vòng chung kết World Cup là có phần khập khiễng. Nhưng thực tế, đội tuyển bóng đá VN đủ sức quật ngã đối thủ còn chưa mấy tiếng tăm này.

Niềm vui của New Zealand khi lọt vào VCK World Cup - Ảnh: Reuters

Đặt ra vấn đề này khi New Zealand đang là 1 trong 32 đội sẽ góp mặt ở vòng chung kết World Cup là có phần khập khiễng. Nhưng thực tế, đội tuyển bóng đá VN đủ sức quật ngã đối thủ còn chưa mấy tiếng tăm này.

Nếu VN nằm giữa đại dương

Nhiều người cho rằng bóng đá VN thiệt thòi theo sự sắp xếp về mặt địa lý vì chúng ta thuộc khu vực Đông Nam Á mà trình độ bóng đá chỉ được coi là “vùng trũng” của thế giới. Thế nhưng châu Đại Dương sau khi Úc tách ra thực chất trình độ cũng chẳng chênh lệch là bao so với khu vực chúng ta vì thành tích nhiều đội khu vực này gần như chỉ là con số không, nhưng lại được ưu tiên có 1 suất vào thẳng hoặc dự trận play-off World Cup.

Cách chọn đội lọt vào VCK World Cup của FIFA luôn theo sự phân bổ cơ hội cho các quốc gia theo từng châu lục. Bởi châu Đại Dương là một châu lục cũng như châu Á, châu Âu… nên họ đương nhiên phải có suất vào đến vòng sâu nhất. Trước đây việc tuyển Úc được coi là mạnh hơn hẳn, có tiềm lực và luôn tỏ ra xứng đáng là đối trọng với một số đội mạnh của châu Âu hay Nam Mỹ khi xuất hiện trên đấu trường thế giới, thì việc châu Đại Dương có 1 suất vào thẳng hoặc dự trận play-off là không có gì bàn cãi. Thế nhưng sau khi Úc gia nhập AFC từ năm 2006 đã vô tình giúp cho châu Đại Dương với New Zealand có nhiều ưu thế để giành suất dự World Cup.

Bởi thế New Zealand đá vòng loại 8 trận, trong đó có 6 trận với 3 đội mà chẳng ai biết tên tuổi ở đâu là New Caledonia, Fiji và Vanuatu, nên chiến thắng đến với họ quá dễ. Sau đó New Zealand có đến 11 tháng nghỉ ngơi để tích lũy học hỏi kinh nghiệm trước khi đá 2 trận play-off với Bahrain và thắng sát nút 0-0 và 1-0 để giành suất đi Nam Phi. Tất nhiên nỗ lực của New Zealand không ai phủ nhận, song nhiều người cho rằng nếu tuyển VN mà nằm giữa Thái Bình Dương thì với thể thức của FIFA như vậy,  biết đâu chúng ta sẽ được dự World Cup 2010.

Nên nhớ tuyển VN trong lịch sử của mình từng đánh bại cả New Zealand lẫn Bahrain. Tại Agribank Cup 2006, VN đã vượt qua tuyển New Zealand 1-0 (bàn thắng do Công Vinh ghi) trong trận khai mạc với sự vượt trội về kỹ thuật. Khi đó các tuyển thủ VN đã biết khắc phục điểm yếu về thể hình bằng lối đá nhanh, thoáng, phối hợp nhóm cực kỳ mau lẹ khiến cho các cầu thủ New Zealand không kịp xoay trở và liên tục bị động, phơi bày sơ hở cho chúng ta khai thác. Có 6 cầu thủ New Zealand khi đó mới 22 tuổi giờ đã có tên trong đội hình tuyển New Zealand dự World Cup.

Còn với Bahrain, tuyển VN cũng từng thắng đậm đến 5-3 trong trận tập huấn trước thềm vòng chung kết Asian Cup 2007 ngay trên sân Mỹ Đình. Nhiều cầu thủ Bahrain thời đó cũng từng khoác áo đội tuyển quốc gia hiện nay dự trận play-off. Nói thế để thấy trình độ bóng đá VN không hề kém cỏi khi so với New Zealand (đội đang được FIFA xếp hạng 100 còn VN xếp hạng 145) và nếu đối đầu nhau chưa chắc “những chú kiwi” này thắng được thầy trò Calisto.

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh cho rằng New Zealand không phải là đội xoàng vì họ cũng từng hòa Iraq 0-0 ở Confederations Cup hồi năm rồi, nhưng lối đá của họ chỉ dựa trên nền tảng là giàu thể lực và bền bỉ tinh thần chiến đấu như người Anh, chứ không sắc sảo và cũng chưa khéo. Thế nên nếu đặt lên bàn cân để so sánh, New Zealand chưa phải là đội bóng mà các đội châu Á thậm chí Đông Nam Á khác phải ngại. Ngay Thái Lan cũng từng đánh bại New Zealand 3-1 ở King’s Cup. Thế nên tuyển VN với lối chơi mềm mại, uyển chuyển và khôn ngoan, chỉ cần tích lũy tốt sức mạnh thì hoàn toàn đủ sức đánh bại đội lọt vào VCK World Cup này.

Giấc mơ chạy trốn vùng siêu trũng

New Zealand không phải một đất nước xa lạ đối với những người thích đi đây đi đó. Quốc gia nằm phía tây nam Thái Bình Dương này đang sở hữu những điểm du lịch thú vị khiến ai cũng muốn một lần tìm đến: núi lửa, núi non trùng trùng, sự lung linh thế giới thủy cung và vẻ hoang sơ của những thảo nguyên rộng lớn. Nói về kinh tế, New Zealand khá phát triển, thậm chí những khu đô thị của họ chẳng kém gì so với những thành phố hiện đại, hào hoa của châu Âu giàu có. Nhưng nói về bóng đá, người ta chỉ nhớ mang máng về một Espana 82  (năm tuyển New Zealand lọt vào VCK World Cup diễn ra ở Tây Ban Nha) và những trận đấu giữa các tuyển quốc gia châu Đại Dương kết thúc bằng tỷ số rất “khủng” với hàng chục bàn thắng được ghi nghiêng về New Zealand hoặc Úc trước các đối thủ Fiji, Tahiti, Solomon, Vanuatu, New Caledonia và New Hebrides.

Bởi vậy mà người hâm mộ trái bóng tròn thường gọi châu Đại Dương là vùng… siêu trũng. Và dĩ nhiên từ khi ra đời giải bóng đá của châu lục này vào năm 1973, chức vô địch chỉ trao cho Úc hoặc New Zealand. Úc đăng quang nhiều hơn, bởi đơn giản con người ở xứ sở kangaroo có niềm đam mê bóng đá cháy bỏng hơn.

LĐBĐ New Zealand gia nhập FIFA khá sớm (năm 1948), nhưng chẳng để lại dấu ấn nhiều ngoài một lần tuyển quốc gia góp mặt ở World Cup 1982. HLV tuyển quốc gia hiện nay là Ricki Herbert chính là thành viên của tuyển New Zealand thi đấu ở Espana 82. Tại giải này, New Zealand thua cả 3 trận trước Scotland 2-5, Liên Xô 0-3 và Brazil 0-4. Nhưng điều đó chẳng ai buồn vì ở đất nước này, bóng bầu dục được người dân coi trọng hơn. Ai ai cũng đều biết đến hình ảnh đội trưởng David Kirk hôn chiếc cúp Webb Ellis sau khi tuyển bóng bầu dục New Zealand đăng quang tại giải vô địch thế giới năm 1987. Và chẳng ai xa lạ hình ảnh những sân vận động luôn chật kín khán giả mỗi khi có một trận bóng bầu dục diễn ra tại đất nước này.

 
Tuyển VN từng đánh bại New Zealnad trên sân Mỹ Đình 4 năm trước đây - Ảnh: Ngô Nguyễn

Đến nay, New Zealand cũng có một giải VĐQG với 8 đội tham gia, cũng có đội tuyển bóng đá nam, nữ với lứa tuổi “U này, U nọ”, nhưng CLB được xem là hay nhất New Zealand - Wellington Phoenix lại đang thi đấu tại giải VĐQG Úc - giải được tài trợ bởi Công ty Hyundai Motor Việt Nam.  Thú vị hơn, dường như do quá rảnh rỗi ở tuyển quốc gia, nên Ricki Herbert cũng kiêm luôn việc dẫn dắt đội bóng này từ năm 2007. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu đến New Zealand mà cầm đọc 2 tờ báo lớn nhất nước này (The New Zealand Herald và The Dominion Post), thì phải tìm mỏi mắt mới thấy một mẩu tin nhỏ về bóng đá, còn đậm nhất vẫn là bóng bầu dục, golf, cricket và theo sau là đua ngựa, leo núi, đua xe…

Nhờ Úc hết chịu nổi “cuộc sống ở vùng đất trũng” và trở thành thành viên của AFC nên New Zealand mới có cơ hội “tìm ra biển lớn”. Chẳng có đối thủ ở châu Đại Dương, họ mặc nhiên có vé đá play-off giành suất dự World Cup 2010. Đội hình của All Whites chủ yếu là những cầu thủ đang chơi ở giải quốc nội, VĐQG Úc và vài gương mặt đang chơi ở châu Âu, đặc biệt các giải ở Anh như: Ryan Nelsen (Blackburn Rovers), Tommy Smith (Ipswich Town), Rory Fallon (Plymouth Argyle), Chris Killen (Middlesbrough), Chris Wood (West Bromwich Albion) và Winston Reid (FC Midtjylland, Đan Mạch)… Trong đó, ngôi sao sáng nhất là hậu vệ đội trưởng Nelsen.

Cầu thủ 32 tuổi này vừa là nhân tố quan trọng ở hàng thủ, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho toàn đội.

Thực tế, bóng đá New Zealand chỉ thực sự được để ý đến từ khi Úc gia nhập AFC. Nhưng để làm được một điều gì đó ở World Cup xem ra là giấc mơ không hề đơn giản. Chắc chắn họ sẽ khó gây bất ngờ ở Nam Phi mùa hè này vì thực lực cũng như đẳng cấp của New Zealand không thể so bì với đương kim vô địch thế giới Ý, đội về ba khu vực Nam Mỹ Paraguay và đội bóng đứng đầu một bảng vòng loại châu Âu là Slovakia. Nhiều người nói rằng chỉ cần New Zealand tìm được một trận hòa như Confederations Cup như năm rồi là thành công, hoặc chí ít ghi được bàn vào lưới các đội mạnh này cũng là một niềm vui không nhỏ rồi. 

Quang Tuyến - Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.