U.23 Việt Nam sẽ làm thế nào để khai thác điểm yếu của Triều Tiên?

16/01/2020 08:35 GMT+7

Theo các chuyên gia bóng đá, U.23 Việt Nam cần khai thác 2 điểm yếu từ U.23 CHDCND Triều Tiên trong trận đấu lúc 20 giờ 15 tối nay ở bảng D VCK U.23 châu Á 2020.

U.23 Việt Nam cần thắng U.23 CHDCND Triều Tiên. Vậy câu hỏi đặt ra là hàng thủ của U.23 Triều Tiên có những điểm yếu gì để thầy trò HLV Park Hang-seo khai thác?

Lỗ hổng ở khu vực trung vệ

HLV Vũ Hồng Việt nhận xét: "U.23 Triều Tiên sử dụng sơ đồ 5 hậu vệ ở giải U.23 châu Á 2020. Điều đó không quá bất ngờ khi tại giải giao hữu nội bộ ở Trung Quốc hồi tháng 10.2019, HLV Ri Yu-il đã sử dụng hàng thủ này. Điều đáng nói là dù số lượng nhân sự trước cầu môn thủ thành Kang Ju-hyok tăng lên nhưng sự an toàn đối với mành lưới U.23 Triều Tiên lại chẳng hề được củng cố hơn theo tỷ lệ thuận. Ngược lại, đội bóng này còn để thủng lưới nhiều hơn.
Ở trận đấu với U.23 Jordan, vị trí trung vệ đá thòng Ri Yong-gwon (17) và trung vệ lệch phải Jong Kum-song (18) thường xuyên để hở những khoảng trống. Bản thân trung vệ Ri liên tục mắc lỗi, để các tiền đạo, tiền vệ đối phương qua mặt một cách dễ dàng. Tình huống dẫn đến bàn thua đầu tiên của U.23 Triều Tiên cũng đến từ việc Ri để Al Naimat “xỏ kim” rồi vượt qua một cách quá đơn giản. Còn trung vệ Jong lại rất kém ở những tình huống phán đoán điểm rơi của bóng.
Trong hiệp 2, ở một tình huống phá bóng hụt từ đường chuyền dài của cầu thủ Jordan, Jong đã để Al Naimat vượt mặt. Các trung vệ đã kém trong việc phá bóng hoặc đeo bám, hai cầu thủ đá cánh của U.23 Triều Tiên là Jang Song-il (5) và Choe Ok-chol (14) cũng chẳng thể đảm bảo nhiệm vụ phòng ngự hay tổ chức tấn công. 3/4 bàn thua của U.23 Triều Tiên xuất phát từ những lần bị đối phương khai thác khoảng trống ở biên. Và với một hàng thủ đầy sự lủng củng và thiếu chặt chẽ, U.23 Triều Tiên sẽ còn phải chịu sức ép lớn nữa trước một U.23 Việt Nam đang khát chiến thắng.

Sự thụ động của khối đội hình

Còn theo HLV Đoàn Minh Xương, U.23 Triều Tiên thường nhập cuộc tốt trong 10 phút đầu tiên. Nhưng sau giai đoạn hứng khởi ấy, họ thu mình lại và chủ động nhường thế trận cho đối thủ. U.23 Triều Tiên cũng ít có tình huống hãm thành nếu không phải là các tình huống đá phạt cố định. Cho nên phần lớn các pha dứt điểm của U.23 Triều Tiên vẫn chỉ là những cú sút cầu may.
Điều ấy đến từ việc khối đội hình của U.23 Triều Tiên luôn ở dạng cực thấp, sát với khung thành đội nhà. Vậy nên khi gặp sức ép lớn đến từ các đối thủ Jordan và UAE, họ không thể triển khai bóng một cách mạch lạc và tạo bất ngờ. Nhưng khác với U.23 Việt Nam, khối đội hình thấp ấy của U.23 Triều Tiên chỉ tồn tại trong lý thuyết.
Hai tiền vệ phòng ngự Ri Chung-gyu và Kang Kuk-chol thua kém hoàn toàn ở những tình huống tranh chấp tay đôi. Họ luôn rơi vào thế bị đối phương vây ráp dẫn đến mất bóng rồi hệ quả là phải chuyển sang phòng ngự tức thì. Sự thụ động của cả một khối đội hình khiến U.23 Triều Tiên liên tục rơi vào thế phải gồng lên chống đỡ. Các mắt xích trong toàn bộ hệ thống phòng ngự của Triều Tiên thường mắc những lỗi rất nghiệp dư nên họ phải nhận những bàn thua đáng tiếc. Đây chính là cơ hội cho hàng công của U.23 Việt Nam chớp thời cơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.