VFF làm được gì trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam?

03/01/2020 10:19 GMT+7

Theo yêu cầu của Chính phủ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng đề án báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, để Chính phủ kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Vừa vượt vừa... thiếu chỉ tiêu

Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 (viết tắt là chiến lược) được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành năm 2013. Trong số 5 mục tiêu chính của giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2020, VFF đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu về thành tích của các đội tuyển, thậm chí còn vượt chỉ tiêu. Chiến lược yêu cầu đội tuyển nam vô địch Đông Nam Á, đội U.22 giành HCV SEA Games thì cả hai đội đều đã đạt thành tích. Bên cạnh đó, bóng đá nam đã đứng trong top 14 châu Á, bóng đá nữ hạng 6 châu Á (chiến lược đặt ra mục tiêu ở giai đoạn này là đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á đối với nam và nhóm 6 đối với nữ).
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chưa được thực thi một cách rốt ráo hoặc vì một trở ngại khách quan khiến VFF chưa thể bắt tay vào thực hiện như yêu cầu của Chính phủ. Chiến lược ghi rõ, từ năm 2012 - 2020, Việt Nam xây dựng và hoàn thiện 3 học viện bóng đá tầm cỡ tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng; áp dụng đại trà phương thức huấn luyện, quản lý bóng đá hiện đại, có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ - y học thể thao; xây dựng dự án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho bóng đá Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bóng đá Việt Nam và thí điểm chương trình bóng đá học đường. Thế nhưng đến thời điểm này, chưa có bất kỳ dự án nào trong số các dự án nói trên được triển khai.
Trong dự thảo báo cáo trình Bộ VH-TT-DL và Chính phủ năm 2020, VFF sẽ nói rõ những vướng mắc và khó khăn như ở nhiều địa phương coi bóng đá chuyên nghiệp là việc của doanh nghiệp, của các ông chủ nên chưa quan tâm hỗ trợ. Các quy định, chính sách quản lý và khuyến khích hoạt động bóng đá còn thiếu, chưa đồng bộ. Bệnh thành tích, coi trọng kết quả ngắn hạn, chưa chú ý tới việc thực hiện các mục tiêu dài hạn còn phổ biến trong đội ngũ những người làm công tác bóng đá và quản lý bóng đá tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, sân bãi và nguồn lực tài chính trong đào tạo bóng đá trẻ.

Chưa thể kiếm được tiền từ đặt cược bóng đá

Chiến lược cũng chỉ rõ giai đoạn 2012 - 2020, thí điểm triển khai hoạt động đặt cược bóng đá tại Việt Nam, hình thành Quỹ phát triển bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có sự thống nhất giữa Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL và VFF về danh mục các giải bóng đá được phép đặt cược hợp pháp tại Việt Nam. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Hành lang pháp lý đã có khá đầy đủ nhưng việc triển khai đặt cược bóng đá quốc tế vẫn giậm chân tại chỗ và chưa biết thời điểm nào có thể được tiến hành.
Ở một số nước châu Á và Đông Nam Á, đặt cược bóng đá mang lại nguồn thu cực khủng cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Nói như một quan chức Bộ VH-TT-DL, nếu đặt cược bóng đá sớm được triển khai và hoạt động có hiệu quả thì bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn.
Chiến lược đặt ra chỉ tiêu, từ năm 2021 - 2030, bóng đá nam phải nằm trong top 10 châu Á, nữ top 6 châu Á. VFF vững mạnh về tổ chức, tự chủ về kinh phí, đảm nhiệm hầu hết hoạt động bóng đá. Như khẳng định của ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch VFF, bóng đá Việt Nam kiên quyết đặt ra mục tiêu có mặt ở World Cup 2026 (nam) và World Cup 2023 (nữ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.