Vì sao ông Miura chọn Duy Mạnh mà không phải Công Phượng là sản phẩm xuất chúng?

14/04/2020 20:48 GMT+7

HLV Toshiya Miura lựa chọn trung vệ Đỗ Duy Mạnh như sản phẩm xuất chúng nhất trong nhiệm kỳ cầm quân của mình tại Việt Nam, chứ không phải tiền đạo Công Phượng, người chơi rất nổi bật và tỏa sáng khi ông còn dẫn dắt đội tuyển.

Mới đây, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura đã trả lời trên một tờ báo rằng: “Nếu chỉ được chọn một, tôi sẽ chọn Đỗ Duy Mạnh là sản phẩm xuất chúng nhất trong triều đại cầm quân của mình tại Việt Nam. Khi phát hiện ra Duy Mạnh trong một trận đấu ở giải trẻ, tôi đã bàn với một trợ lý về việc đưa Duy Mạnh lên tuyển. Cậu trợ lý nói với tôi rằng: "Ông có thể mất việc nếu tin tưởng vào một cậu bé còn chưa được nhớ mặt đặt tên". Nhưng tôi biết rằng nếu không thử thì sẽ không biết bao giờ mới có cơ hội”.

Ông Miura trở lại Việt Nam nhưng không thành công trên cương vị HLV trưởng CLB TP.HCM

Ảnh: Khả Hòa

HLV người Nhật nhận xét: “Duy Mạnh là một cầu thủ tài năng và đa năng, hội tụ đầy đủ các kỹ năng phòng ngự và tấn công. Cậu ấy chuyền xa tốt, chạm một không có động tác thừa, tranh chấp tay đôi quyết liệt và thường đi trước đối phương một nhịp phán đoán”. Nhưng thời điểm ông Miura hành nghề tại Việt Nam, còn có một cầu thủ khác cũng xuất sắc không kém. Đó chính là Công Phượng. Phải chăng, HLV Miura đã quên đi tầm ảnh hưởng của tiền đạo tài năng này.

Ông Miura tự hào vì mình là người đã phát hiện ra Duy Mạnh

Ảnh: Vy Khánh

Thời điểm ông Miura sang Việt Nam cũng là lúc Công Phượng vừa “bước ra” khỏi lứa U.19 Việt Nam cùng với mọi nỗi thăng trầm. Và khi được HLV Miura triệu tập, Công Phượng đã tạo ra tầm ảnh hưởng còn lớn hơn cả những gì anh từng cống hiến khi ở đội U19 dưới sự dẫn dắt của người thầy ruột Guillaume Graechen. Kể cả so sánh với thời kỳ gần 2 năm qua khi đội tuyển Việt Nam đang được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo, Công Phượng cũng không để lại dấu ấn đậm nét bằng thời kỳ làm học trò của HLV Miura.

Văn Quyết, Duy Mạnh - chuyện "cột chèo" ở CLB và đội tuyển Việt Nam

Ở thời Miura (hai năm), Công Phượng thi đấu đúng như một số 10 thực thụ. Anh là nhạc trưởng, là nguồn cảm hứng trong cách chơi của đội Việt Nam. HLV Miura cho Công Phượng được phát huy đúng bản năng của mình hơn. Anh có thể cầm bóng, có thể tự đột phá, có thể tổ chức triển khai trên mặt trận tấn công cho toàn đội.

Công Phượng và Phi Sơn (10) đều từng là học trò của HLV Miura

Ảnh: CLB TP.HCM cung cấp

Ở vòng loại U.23 châu Á 2016, Công Phượng tạo ra điểm nhấn trong 2 chiến thắng quan trọng của U.23 Việt Nam trước U.23 Malaysia và U.23 Macau. Tại SEA Games 28 năm 2015, Công Phượng chơi bùng nổ, liên tục đặt dấu giày của mình trong hàng loạt pha lập công của đội nhà. Ở trận bán kết gặp U.23 Myanmar, Công Phượng liên tiếp có những pha solo tuyệt kỹ nhưng thật đáng tiếc khi anh và đồng đội đã để thua với tỷ số 1-2 và người ta không thể chứng kiến U.23 Việt Nam lứa Công Phượng được một lần chơi trận chung kết SEA Games trong cuộc đời.
Trong quãng thời gian hành nghề tại Việt Nam, HLV Miura đã giúp Công Phượng có được nhiều niềm vui trên sân cỏ, tạo cho anh nhiều dũng khí để vượt qua được rất nhiều áp lực, mà đôi khi lại không đến từ chuyên môn thuần túy. Ngược lại, tiền đạo chơi bóng cho HAGL cũng thể hiện mình thi đấu nổi bật ra sao, để qua đó có thể định danh dấu ấn thời Miura về một Công Phượng - một số 10 đúng nghĩa.
Tuy nhiên có thể vì một lý do nào đó thuộc về chuyên môn thuần túy, khi nhìn lại quãng đường đã từng gắn bó với bóng đá Việt Nam, HLV Miura lại “cất” Công Phượng đi mà chỉ nhắc nhớ về Duy Mạnh mà thôi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.