Vĩnh biệt cựu trung vệ “thép” Nguyễn Kim Hằng

06/02/2019 07:00 GMT+7

Biết anh lâm trọng bệnh gần 4 năm nay và từng nghe anh than thở “chắc mình không còn lâu nửa”, nhưng tôi không khỏi bất ngờ khi nghe tin Nguyễn Kim Hằng vĩnh viễn ra đi vào ngay ngày đầu năm Kỷ Hợi ở tuổi 64.

Có lẽ tôi là một trong số ít phóng viên ngưỡng mộ và có dịp gần gũi với anh Nguyễn Kim Hằng từ những năm đầu sau giải phóng khi anh chập chững vào nghề. Tôi biết anh đã dấn thân như thế nào và chứng kiến anh trở thành một trong những tượng đài của bóng đá Việt Nam vào những năm từ cuối thập niên 70 đền cuối thập niên 90 của thế kỷ trước ra sao.

 Năm 1976 cái tên Nguyễn Kim Hằng nghe rất giống con gái nổi lên như cồn và trở thành thần tượng của những đứa trẻ mê bóng đá như tôi lúc đó. Anh chơi ở vị trí trung vệ và là đội trưởng đội Thanh Niên quận Bình Thạnh (sau này đổi tên thành Xây Lắp Nội Thương), một trong những đội bóng mạnh của giải bóng đá hạng B toàn thành cùng với các đội Sở Giao Thông Vận Tải, Bộ Tư lệnh Thành, Quân đoàn 4, Xí nghiệp Công trình 4, Nhà máy Z751, Công ty Citroen và Thanh Niên Cảng Sài Gòn làm mưa làm gió từ các sân Hoa Lư, Đạt Đức, Trần Phú đến Quân khu 7 và chung kết ở sân Thống Nhất..

Ở tuổi 21 (anh sinh năm 1955), nhưng Nguyễn Kim Hằng đã thể hiện tầm bao quát như một tiền vệ tổ chức tài hoa, có ảnh hưởng rất lớn trong lối chơi của cả đội. Thời đó đi xem anh đá, tôi và các bạn ở trường Thạnh Mỹ Tây hay gọi anh là Beckenbauer vì chơi với dáng dấp hệt như “hoàng đế” của tuyển Cộng hòa Liên bang Đức khi đó và cách chơi chẳng khác nào một libero dâng cao.

Nguyễn Kim Hằng, cựu trung vệ và huấn luyện viên đưa Hải quan vô địch quốc gia
Còn so sánh với bậc đàn anh trong nước, chúng tôi hay nhắc anh như một Phạm Huỳnh Tam Lang vì phong cách chơi vô cùng chững chạc, cản phá giỏi, lấy bóng trong chân đối phương điệu nghệ, sẵn sàng đá rắn và đá đau một cách kín đáo khiến cho các chân sút hay thời đó như Hứa Hiền Triết, Hồ Thủy, Hoa Mạnh Dũng, Huỳnh Đình Phi, Nguyễn Văn Thòn nhiều lần phải “bất lực” khi đối mặt với Nguyễn Kim Hằng.
Thật ra lứa học sinh trường Đạt Đức trước 1975 như tôi đã biết anh Nguyễn Kim Hằng khi anh còn khoác áo đội học sinh Đạt Đức đối đầu với Võ Trường Toản chơi hay đến nổi một số đội bóng hạng danh dự của miền Nam thời trước đã từng muốn có anh trong đội hình.
Nguyễn Kim Hằng (đội trưởng) cùng Huấn luyện viên Hồ Thanh Cang thi đấu với đội Giangirit (Liên Xô cũ) dưới sự điều hành của Tổ trọng tài Phạm Liệu (chính), Nguyễn Trung và Hồ Thiệu Quang Tư liệu
Trước giải Cửu Long 1976, Hải quan, đội sau này đã giành ngôi vô địch đã từng cử nhiều tên tuổi kinh nghiệm như Phạm Văn Lắm, Đỗ Thới Vinh, Lê Kim Thanh (tức Bình lùn) tìm cách đưa anh Hằng về đội nhưng bất thành vì như sau này anh kể lại “Tôi muốn đi lên từ những giải đấu trẻ, muốn tự trưởng thành ở sân chơi nhỏ. Hơn nữa tôi thích Cảng Sài Gòn hơn, thích cách chơi của anh Tam Lang và Lê Đình Thăng, những người đã “dạy” cho tôi cách đá bóng chủ yếu bằng đầu chứ không phải chỉ hoàn toàn dùng sức của một trung vệ’

Chính sau khi cùng Thanh Niên Bình Thạnh rồi sau này là Xây Lắp Nội Thương giành hang tư giải hạng B, Cảng Sài Gòn khi nghe anh tâm sự như vậy đã kéo Kim Hằng về. Tưởng chừng môi trường mới được yêu thích đó sẽ chắp cánh cho tài năng của anh bay xa và bay cao. Nhưng sau này khi kể lại giai đoạn đó chính anh cũng bùi ngùi tự trách mình “Về Cảng rồi mới thấy sự cạnh tranh là không hề đơn giản, không thể nào được tạo cơ hội ra sân thay thế được anh Tam Lang và anh Thăng.

Cặp trung vệ Nguyễn Kim Hằng và Phan Văn Tần ảnh Tư liệu
Khi một trong 2 anh vắng mặt cũng không đến lượt mình. Vì khi đó Cảng có quá nhiều trung vệ hay như Lạc Phước Hải hay Lê Xuân Lịch (tự Kịch), sau này cỏn có thêm Nguyễn Phúc. Ngay anh ruột tôi là hậu vệ trái Nguyễn Vinh Quang nhiều lần cũng tìm cách khen trước toàn đội về nỗ lực tập luyện của tôi. Nhưng sự thật là tôi vẫn bị xem là còn quá trẻ để được khoác lên mình mào áo trắng tinh khôi của Cảng Sài Gòn”.
Anh Hằng kể tiếp định mệnh đã đưa anh về Hải quan “Bước ngoặt đến với tôi là khi Hải quan đặt lại vấn đề và trao cho mình cơ hội bởi khi đó anh Sang Hoàng đế (Trần Kim Sang) đã lớn tuổi xin nghỉ, mình đã tìm được một vị trí được chơi cùng thế hệ lẫy lừng như Cù Sinh, Hồ Thanh Cang, Lê Văn Sang (Sang tiều), Bình lùn, anh Lắm rổ..nên mình đã nhanh chóng trưởng thành”.
Anh Hằng còn thổ lộ ước nguyện là khi đá cho Hải quan anh ao ước được đối đầu với Cảng Sài Gòn, được so tài với chính “thần tượng” Tam Lang. Nhưng ước nguyện đó đã không thể thành sự thật khi anh Tam Lang giải nghệ để đi học lớp huấn luyện viên ở Đức.
Nguyễn Kim Hằng (trái, hàng ngồi) và Minh nhí, Phan Văn Tần (hàng đứng) Ảnh Tư liệu
Nguyễn Kim Hằng đã trở thành trung vệ thép từ khi gắn bó với Hải quan, trở thành đội trưởng đội Thanh Niên TP.HCM thi đấu giải vô địch 3 thành phố lớn kết nghĩa vào năm 1977 cùng với Hà Nội và Hải Phòng. Anh cũng trở thành người đội trưởng tài năng sau khi các đàn anh lần lượt chia tay để dìu dắt một tập thể Hải quan mới trẻ trung, khát vọng.

Anh trở thành bức tường vững chắc tạo nên tên tuổi lẫy lừng cho bộ tứ vệ Hải quan những năm 80 gồm Nguyễn Kim Hằng, Phan Văn Tần, Tô Văn Hải và Thái Công Hoàng làm "khiếp vía" nhiều hàng tiền đạo nổi tiếng thời đó của Tổng cục Đường Sắt, Công an Hà Nội, Than Quảng Ninh, Cảng Sài Gòn, Sở Công Nghiệp..giúp cho thế công của Hải quan với bộ tam phong Nguyễn Hoàng Minh (Minh nhí), Nguyễn Văn Thành và Lưu Tấn Liêm chơi thăng hoa, ghi bàn tưng bừng ở phía trên.

Một tiền đạo cùng thời với bộ đôi Hằng- Tần sau này kể lại, đối mặt với bộ đôi phòng thủ này vô cùng khó vi cả 2 trung vệ này không chỉ giỏi kỹ thuật, lấy bóng tài tình mà còn có những "chiêu trò" làm mất lửa các chân sút. Đó là những động tác dùng tay vỗ vào hạ bộ để "bóng qua người ở lại" một cách khôn khéo đủ che mắt trọng tài vì không phạm lỗi. Chân sút này cũng không thể than phiền được với trọng tài trên sân vì rõ ràng anh tự dừng lại vì bị "chiếu tướng" quá đau chứ trung vệ Hải quan vẫn thản nhiên như không có gì.
Nguyễn Kim Hằng (tứ 2 từ trái , hàng đứng) cùng toàn đội Hải quan hạng nhì giải A 1 toán quốc 1983
 Chính nhờ sự chỉ huy của Kim Hằng mà Hải quan thời đó luôn là đội bóng phía Nam duy nhất đủ sức đối đầu thành công với lối đá “quái” của các đội phía Bắc và luôn được chọn làm đại diện cho bóng đá TP.HCM thi đấu quốc tế với các đội bóng Liên Xô cũ sang Việt Nam và được chọn làm nòng cốt cho đội Việt Nam 1 thi đấu giải SKDA bao gồm đội tuyển quân đội các nước Xã Hội Chủ Nghĩa trên thế giới.

Khi giải nghệ và chuyển qua công tác huấn luyện từ cuối thập niên 80, dù chưa hề có bằng cấp chính quy nhưng Nguyễn Kim Hằng bằng tài năng và kinh nghiệm của mình đã rất nổi tiếng với lần đưa Hải quan đi thẳng một lèo đến ngôi vô địch năm 1991 trên sân Thống Nhất sau khi vượt qua Quảng Nam - Đà Nẵng bằng thi đá 11m. Khi đó đội bóng sông Hàn cực mạnh và có chất lượng rất đồng đều với nhiều ngôi sao lớn thời bấy giờ như Phan Thanh Hùng, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Bùi Thông Tuân, Lê Văn Sinh, Nguyễn Hữu Cầu, Trương Văn Lợi...

 
Nguyễn Kim Hằng chỉ đạo đội Hải quan

Hải quan khi đó lực lượng chỉ mới lắp ghép trở lại sau sự phân tán về 2 đội Cảng Sài Gòn và Sở Công Nghiệp (chủ trương của TP.HCM sau giải vô địch quốc gia năm 1987 là xóa tên Hải quan trên bản đồ bóng đá đỉnh cao bằng cách nhập cầu thủ hay nhất của đội này về 2 đội Cảng Sài Gòn, Sở Công Nghiệp để tập trung lực lượng mạnh nhất.

Nhưng điều này lại không hiệu quả khi các cầu thủ lắp ghép này không làm cho 2 đội tiêu biểu mạnh lên , ngược lại đã gây ra sự phản ứng rất nhiều của người hâm mộ, buộc lòng sau đó ngành Thể thao TP.HCM phải sửa sai việc gom đội này và tạo cơ hội cho Hải quan quay lại).

Nhờ được khôi phục trở lại, Hải quan đã chơi quá hay vào bán kết giải vô địch đội mạnh toàn quốc năm 1990 (mà lẽ ra đã vào chung kết nếu không có sự cố đổi trắng thay đen sau bàn thắng đã ghi vào lưới Quảng Nam Đà Nẵng nhưng cách xử lý tiền hậu bất nhất của các trọng tài Phạm Minh, Bùi Đình Đắc và sau đó khi Hải quan không chấp nhận đá lại vì bị phủ nhận bàn thắng vô lý, Ban tổ chức đã dùng quyền loại Hải quan ra khỏi giải) cũng như 1 năm sau đó Hải quan đã chứng minh hùng hồn khi giành ngôi vô địch giải đội mạnh năm 1991 làm nức lòng người xem..

Nguyễn Kim Hằng chỉ đạo đội Huế với sự hỗ trợ hết mình của Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Thừa thiên Huế bấy giờ- Ông Ngô Văn Trân ảnh Tư liệu
Khi đó Hải quan mới gầy dựng lại chỉ còn vài trụ cột như Lưu Tấn Liêm, Trương Văn Dưỡng, Nguyễn Trung Hải, Lưu Tấn Phước..bị xem là yếu nhất trong số 3 đội bóng TP HCM nhưng dưới bàn tay huấn luyện viên Nguyễn Kim Hằng dù có rất nhiều cầu thủ phong trào như Đinh Thanh Hải, Nguyễn Tấn Quyền và cầu thủ ngoại tỉnh dạt về như Âu Dương Thanh, Trình Văn Thiện..rồi sau đó cùng với số trẻ mới ra lò từ trường năng khiếu như Đỗ Khải, Nguyễn Anh Trung, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Hà Vương Bửu, Nguyễn Hoàng Xuân Trúc, Hà Kiên Hùng  nhưng đã thi đấu rất hay những năm 1993-1997 và từng 2 lần đoạt Cúp quốc gia năm 1996, 1997  khiến người hâm mộ hết lời thán phục.
Khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, Hải quan không còn kinh phí để nuôi đội bóng nên đã sống một cách lây lất nhưng anh Nguyễn Kim Hằng vẫn cùng các học trò gắng gượng trụ hạng qua từng mùa giải, có lúc bị chao đảo khi kề ở bờ vực xuống hạng nhưng dưới bàn tay lèo lái của anh, cái tên Hải quan vẫn đứng vững trong sóng gió.
Có một giai thoại mà chính người trong cuộc kể lại có năm Hải quan phải ra Bắc thi đấu mà kinh phí chỉ đủ để di chuyển còn tiền ăn ở vẫn thiếu trước hụt sau. Anh Hằng đã vay mượn khắp nơi thậm chí đã có ý định thế chấp chính ngôi nhà của mình để có tiền hỗ trợ thêm lương, động viên các cầu thủ, giúp đội bóng duy trì sự tồn tại thêm một thời gian.
Huấn luyện viên Nguyễn Kim Hằng (phải) chỉ đạo đội Tiền Giang

Tính cách khẳng khái, bộc trực, chơi hết mình, cầm quân giỏi, quan hệ rộng, biết truyền lửa cho học trò của anh Nguyễn Kim Hằng đã được rất nhiều lãnh đạo các đội bóng tỉnh thành phía Nam đánh giá cao và cầu thủ khắp nơi yêu quý . Vì thế khi đội Hải quan không còn nửa, anh Hằng lần lượt được 6 đội bóng mời về làm huấn luyện viên trưởng hoặc giám đốc kỹ thuật như Đà Nẵng, Quân khu 7, Huế, An Giang, Tiền Giang, Quảng Ngãi. Ở đâu dù ngắn hay dài anh Hằng cũng ít nhiều tạo dấu ấn.

Nhưng cũng chính thái độ thắng thắn của mình nên không ít lần anh Hằng đã xảy ra đụng chạm với một số lãnh đạo khác được ấn xuống cầm đội bóng nhưng lại muốn thích can thiệp vào chuyên môn. Chính vài năm trước khi tôi hỏi sao anh không trụ lai lâu để có thành tích với địa phương rồi hãy rút, anh Hằng cười phá lên trả lời “Thành tích ai không muốn. Nhưng tôi làm việc mà cứ phải bị kiểm soát một cách vô lý và có những can thiệp thô bạo thì làm sao làm được. Tôi yêu ghét rất rõ ràng nên không chấp nhận sự chi phối này”

Chính vì thế mà đang tuổi sung mãn, anh Hằng quyết định giải nghệ huấn luyện viên ở tuổi 57 và suốt 7 năm qua anh chỉ ở nhà và mở một quán ăn nho nhỏ ở quận Bình Thạnh (TP HCM). Căn bệnh quái ác mà có lần anh phát hiện từ hơn chục năm trước có lẽ đã phát tiết trong thời gian anh nghỉ ngơi này và càng gần trở lại đây nó đã trở nên nặng hơn.

Nguyễn Kim Hằng huấn luyện 6 đội khác nhau

Một nghĩa cử đẹp khiến nhiều người phải xúc động khi trước khi mất, anh đã bộc bạch ý định hiến xác cho khoa học, giúp ích cho đời như khi anh còn tung hoành trên sân cỏ thuở nào.Gia đình anh đã thực hiện đúng tâm nguyện đó để anh yên lòng nhắm mắt ra đi.

Vĩnh biệt anh, một trung vệ thép, một lá chắn cừ khôi, một nhà cầm quân tạo nhiều dấu ấn, một tài năng thành công trên cả 2 cương vị cầu thủ và huấn luyện viên. Hồi tưởng và ghi lại những câu chuyện đã qua với anh như một kỷ niệm khó phai đối với tôi và những người hâm mộ anh cũng như đội Hải quan lẩy lừng thời đó. Anh ra đi thanh thản anh nhé vì những gì anh cống hiến cho đời, cho bóng đá Việt Nam giai đoạn thập niên cuối 70 đến cuối 90 thế kỷ trước sẽ còn đọng lại rất lâu trong ký ức mọi người.

* Di ảnh cựu trung vệ Nguyễn Kim Hằng được đặt tại Nhà tang lễ thành phố (25 đường Lê Quý Đôn, Q.3) từ 8 giờ ngày 6/2 (mùng 2 tết) đến 17 giờ ngày 7/2 (mùng 3 tết ). Những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các học trò  của anh sẽ đến viếng trước khi xác anh được hiến cho khoa học.

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.