VPF chính thức khiếu nại

17/02/2012 03:46 GMT+7

Không thỏa mãn với kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Hội đồng quản trị Công ty VPF đã chính thức gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Thanh tra Chính phủ.

Không thỏa mãn với kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Hội đồng quản trị Công ty VPF đã chính thức gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Thanh tra Chính phủ.

 
Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên tại buổi họp - Ảnh: Ngô Nguyễn

Hợp đồng đúng luật, tuy nhiên... 

Ở cuộc họp báo cùng ngày, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao  - Du lịch (VH-TT-DL), tuyên bố: “Việc ký kết hợp đồng (HĐ) giữa VFF và AVG được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa phù hợp, nhưng những nội dung này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại của HĐ”. Cũng theo ông Thành, trong cuộc làm việc trước đó một ngày, thanh tra Bộ đã giải thích rất rõ rằng, luật pháp không giới hạn chỉ có cơ quan báo chí mới được quyền mua, bán bản quyền truyền hình (BQTH). Vì vậy, AVG hoàn toàn có quyền dù công ty này không hề có giấy phép hoạt động truyền hình. 

Trước câu hỏi “VFF không tham khảo ý kiến của các đài truyền hình khác, trong đó có Đài THVN là vi phạm luật Đấu thầu?”, ông Thành khẳng định: “Theo quy định của điều 1 luật Đấu thầu, chỉ khi lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của VFF mới thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Đấu thầu”. PV Báo Thanh Niên chất vấn: “Các đội tuyển quốc gia được đầu tư bằng tiền của nhà nước. Tại sao VFF lại mang thương quyền đội tuyển bán đứt cho AVG mà không thông qua đấu thầu?”. Câu trả lời của thanh tra Bộ rất khó hiểu, nếu không muốn nói là tối nghĩa, đại ý AVG không phạm luật đấu thầu vì các đội tuyển được nhà nước nuôi ăn, ở, đi lại và kế hoạch tài chính đã được Bộ Tài chính phê duyệt (!?). 

Ông Thành ca ngợi sự hợp tác giữa AVG, VFF đã góp phần nâng cao hình ảnh các giải đấu tại VN, nhưng yêu cầu VFF và AVG phải điều chỉnh một số điều, ví dụ như HĐ quy định nếu diễn ra tranh chấp thì nơi giải quyết tranh chấp là Tòa án Nhân dân Hà Nội, nhưng thanh tra Bộ khẳng định vì VFF hoạt động theo điều lệ FIFA, nên nếu có tranh chấp thì nơi giải quyết tranh chấp không thể là Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, mà phải là Tòa án Thể thao quốc tế (CAS). 

Tuy nhiên, ông Thành gần như bế tắc trước một loạt những phản ứng khá gay gắt của một số báo chí về điều khoản: “VFF bán cho AVG cả thương quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như truyền hình, internet, thiết bị thông tin cố định và di động và quyền khai thác doanh thu trên báo, tạp chí, sách...”. Thanh tra Bộ lúng túng giải thích nhưng cuối cùng vẫn phải: “Chúng tôi sẽ xem xét lại vấn đề này!”. 

Với VPF, thanh tra Bộ nhất thiết phải xem xét lại gần hết kết luận bởi theo Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên: “Chúng tôi không hài lòng. Thanh tra Bộ chưa đảm bảo tính khách quan và mong mỏi của VPF”.

VPF không muốn đưa ra tòa án thể thao 

Và trong cuộc gặp gỡ báo chí ngay liền kề cuộc họp của Bộ, VPF đã phân tích rất kỹ những điều mình không hài lòng. Viện dẫn luật Dân sự, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, điều lệ VFF, ông Kiên nhấn mạnh: “Đoàn thanh tra đã không xem xét đến nhiều điều khoản quan trọng của các văn bản pháp luật này. Nếu căn cứ vào những văn bản này, sẽ thấy VFF và các thành viên tham gia giải VĐQG là đồng sở hữu về tất cả các quyền của giải đấu. Thế nên chúng tôi vẫn cho rằng, trước khi ký HĐ với AVG, VFF phải hỏi ý kiến các CLB. Theo số liệu của thanh tra, khoản lợi nhuận từ BQTH mà VFF được trả năm 2011, mới chỉ có duy nhất CLB Navibank được chia, 27 CLB khác vẫn chưa nhận được đồng nào”.

Chúng tôi không hài lòng. Thanh tra Bộ chưa đảm bảo tính khách quan và mong mỏi của VPF 

Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên

Ông Kiên phân tích tiếp: “Quốc hội có luật sử dụng tài sản nhà nước, ngành thể thao cũng có luật TDTT, và căn cứ vào 2 luật này thì VFF chỉ là đối tượng quản lý các ĐTQG, chứ không phải là đối tượng sở hữu các ĐTQG. Do đó, việc VFF bán cho AVG thương quyền của các ĐTQG là không hợp lệ”. Thứ 3, ông Kiên tiếp tục cho rằng VTV là một đối tác lớn của VFF, nên việc trước khi ký hợp đồng với AVG, VFF không thông báo cho VTV, VTC là điều thiếu công bằng, minh bạch. 

Ông Kiên cho hay sẽ hỏi ý kiến FIFA, AFC, AFF về BQTH, nhưng trước mắt sẽ gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL và báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước xem xét lại bản HĐ. Ông Kiên nói vụ việc không cần thiết phải đưa lên CAS mà: “Chúng tôi mong muốn tìm được cách giải quyết tốt nhất chứ không đến mức gay gắt phải đưa nhau ra tòa. Trên tinh thần tuân thủ tuyệt đối những chỉ đạo của các cơ quan chức năng, trước mắt HĐQT VPF sẽ họp cấp tốc để đề ra một phương hướng hành động hợp tình hợp lý, sẽ có những báo cáo lên Thủ tưởng Chính phủ. Sau khi có được câu trả lời của Thủ tướng Chính phủ, VPF sẽ công khai những bước đi của mình. Ngày 20.2, VPF sẽ làm việc với AVG theo lời mời của AVG. Trên cơ sở giữ vững những nguyên tắc của mình, chúng tôi cũng mong muốn có thể trao đổi, thỏa thuận với AVG trong một số vấn đề”.

Tại thời điểm thanh tra, VFF chưa ký hợp đồng giao quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Như vậy, về mặt pháp lý, VPF chưa được pháp luật công nhận là đơn vị khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2012. 

(Trích kết luận thanh tra) 

VFF không phải là chủ sở hữu duy nhất và có toàn quyền quyết định thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như nội dung kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. 

(Trích đơn khiếu nại của VPF gửi Bộ VH-TT-DL, Thanh tra Chính phủ)

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.