VPF sẽ đi vào lối mòn của VFF?

10/12/2011 00:43 GMT+7

Đang mong chờ vào sự cải tổ quyết liệt của VFF thì dư luận lại hết sức sửng sốt khi Công ty tổ chức giải đấu VPF mời lại những gương mặt đã từng bị bất tín nhiệm.

Đang mong chờ vào sự cải tổ quyết liệt của VFF thì dư luận lại hết sức sửng sốt khi Công ty tổ chức giải đấu VPF mời lại những gương mặt đã từng bị bất tín nhiệm.

Chúng tôi còn nhớ rất rõ hồi đầu năm 2005, Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT) ông Nguyễn Trọng Hỷ đã rất đau đầu trước khi đưa ra quyết định xử lý một vài quan chức của VFF khóa 4, trong đó có ông Trần Duy Ly - lúc đó giữ chức Phó chủ tịch thường trực. Cùng với Tổng thư ký VFF khóa 4 Phạm Ngọc Viễn, ông Trần Duy Ly có liên đới trách nhiệm trong thất bại của đội tuyển quốc gia tại Tiger Cup 2004 và đặc biệt vụ đền bù lớn chưa từng có trong lịch sử bóng đá VN (200.000 USD) cho HLV Letard. Sự việc này nặng nề đến mức Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo Ủy ban TDTT, thường trực VFF cần có cuộc họp kiểm điểm sâu sắc, xử lý nghiêm những người có sai phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Ông Viễn sau đó xin từ chức còn ông Ly không được phiếu tín nhiệm trong Hội nghị thường niên của VFF vào cuối tháng 1.2005 và bị VFF khiển trách cùng với 3 quan chức khác.

 
Ông Phạm Ngọc Viễn (trái) và ông Trần Duy Ly từng gây thất thoát hàng tỉ đồng trong vụ kiện của HLV Letard giờ trở lại làm ở VPF - Ảnh: Ngô Nguyễn 

Tại Đại hội VFF khóa 5, ông Ly xin rút lui và ở ẩn suốt 6 năm qua. Mới đây ông Ly vừa được ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF hiện thời mời tái xuất để tham gia quản lý điều hành VPF. Sự xuất hiện của “nhân vật lịch sử” này khiến nhiều người không còn đặt niềm tin vào VPF. Bởi khi VPF ra đời, rất nhiều người kỳ vọng vào sự đổi mới chí ít là công tác nhân sự, vì sự trì trệ trong hơn chục năm qua của bóng đá VN có trách nhiệm không nhỏ của những người đã và đang điều hành VFF.

Việc ông Phạm Ngọc Viễn chắc chắn giữ chức Tổng giám đốc Công ty VPF (dù chưa qua Đại hội cổ đông) gây nghi ngại cho nhiều người vì việc điều hành một công ty chưa từng là sở trường của hầu hết các quan chức VFF. Chức danh này không chỉ đơn thuần lo cho ba giải đấu lớn nhất VN đến đích an toàn, thành công, không còn bê bối như những mùa giải trước, mà còn phải có tầm chiến lược để VPF trở thành một công ty tài chính, biết kinh doanh và làm ăn có lãi. Ông Viễn phát biểu trên báo chí: “Dù không học về điều hành công ty, về tiếp thị tài trợ... song tôi cũng có những kiến thức nhất định về nó”. Liệu những kiến thức nhất định đó có giúp ông Viễn lèo lái nổi VPF?

Chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi VFF và VPF lại muốn cử ông Phạm Ngọc Viễn vào vị trí tổng giám đốc điều hành (CEO), bởi ông Viễn chỉ thuần túy là người làm chuyên môn, không phù hợp với vai trò này. Hơn nữa ông Viễn không phải là người năng động, nhạy bén trong kinh doanh thể thao, không có mối quan hệ kinh tế rộng nên sẽ khó làm cho VPF bật lên”. Một số ý kiến khác cũng cho rằng ông Viễn từng là nhân vật chính làm thất thoát hàng tỉ đồng trong vụ kiện của HLV Letard, gây tổn thất cho bóng đá VN và đặt thẳng vấn đề vì sao Trưởng ban trù bị thành lập VPF, ông Lê Hùng Dũng trong ngày họp với chủ tịch các CLB vào cuối tháng 9 từng tuyên bố: “Tại sao chúng ta không dám thuê tổng giám đốc từ bên ngoài, thậm chí là ngoại và trả mức lương cao?”. Nhưng rốt cuộc, cả VFF lẫn các ông bầu lại thỏa hiệp sử dụng người của VFF khi đưa lại những nhân vật tai tiếng vào VPF. Rõ ràng những động thái không hợp lý này là một bước lùi của bóng đá VN.

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã đưa ra nhận định: “Mặc dù đã thành công ở các nền bóng đá tiên tiến nhưng khi áp dụng vào nước ta, mô hình Công ty VPF chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề mới xuất phát từ sự khác biệt trong cơ chế quản lý”. Bộ trưởng cũng nhận xét về bộ máy của VFF: “Năng lực quản lý và tư duy chiến lược của lãnh đạo VFF còn hạn chế. VFF cần có những thay đổi cả về công tác quản lý, điều hành hoạt động bóng đá lẫn tư duy chiến lược và đặc biệt vấn đề nhân sự để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”. Chỉ đạo này của người đứng đầu ngành thể thao chưa được thực hiện nếu VPF lại dùng những người cũ.

Trung Ninh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.