Nhật ký World Cup 2018: Dừng bước nhưng không ngừng cuộc chơi

09/07/2018 09:04 GMT+7

Đội tuyển Nga dừng bước trên chấm 11 m khiến bao người Nga buồn đau. Nhưng cuộc chơi vẫn còn, người Nga vẫn tiếp tục lễ hội “chỉ có một lần trong đời” này.

Đội tuyển Nga dừng bước trên chấm 11 m khiến bao người Nga buồn đau. Nhưng cuộc chơi vẫn còn, người Nga vẫn tiếp tục lễ hội “chỉ có một lần trong đời” này.

Đội Nga đã dừng bước, nhưng người Nga vẫn tiếp tục cuộc chơi với một “phong độ” tuyệt vời. Ảnh: Đỗ Hùng
Nửa đêm, sau trận đấu Anh - Thụy Điển, chúng tôi đi xe từ Samara trở lại Moscow. “Fan Fest” của chúng tôi vì thế chỉ là một không gian chật hẹp của chiếc xe 9 chỗ ngồi với 5 hành khách và 1 tài xế. Và thay vì xem ti vi, chúng tôi theo dõi trận đấu qua radio trên xe. Tôi đã từng không biết bao nhiêu lần đứng giữa rừng người trên các khán đài World Cup, từng chen chân trong các khu Fan Fest chật cứng người và nồng nặc mùi cồn. Tôi cũng từng xem bóng đá trong những quán bar với không khí đầy kích động. Vì thế, “nghe” World Cup trên một chuyến xe có vẻ như là chuyện cực chẳng đã và rất nhạt nhẽo. Cực chẳng đã thì đương nhiên, nhưng thực ra thưởng thức bóng đá kiểu này cũng mang lại những trải nghiệm mới mẻ, đặc biệt là trong không gian ít người nên dễ trao đổi, tương tác. Mỗi người có điều kiện biết được cảm xúc của từng người xung quanh sau mỗi nhịp bóng lăn.
Quả thực, đó là một trận đấu nghẹt thở đối với 5 gã đàn ông Nga đi cùng xe với tôi. Mở đầu là hào hứng, kỳ vọng, những anh chàng trẻ tuổi tập cho tôi hô: “Rossiya! Rossiya!” (nước Nga, nước Nga). Khi Nga vươn lên dẫn trước và đặc biệt là bàn san bằng tỷ số 2-2 trong thời gian hiệp phụ, không khí lại bùng lên. Anh chàng Kostya Korbur quê ở thành phố Arkhangelsk đâu trên miền bắc nước Nga đập cửa xe kêu bác tài tạt vào quán cơm ven đường để xem đá luân lưu. Trong quán, dân tài xế xe tải, xe đò và khách vãng lai ngồi rất đông, tất cả cùng nín thở mỗi khi cầu thủ hai đội sút luân lưu, tiếp sau đó là tiếng vỡ òa hoặc xuýt xoa. Thế rồi, bao lo âu, hồi hộp, hy vọng chấm dứt khi cầu thủ Rakitic sút thành công quả luân lưu cuối cùng mang về chiến thắng cho Croatia. Trên sân, các cầu thủ Nga gục xuống thảm cỏ. Trong quán, những gã đàn ông Nga lặng im, vài người mắt đỏ hoe, bỏ dở phần đồ ăn khuya vừa mới được dọn ra.
Người Nga đã đến World Cup lần này với một diễn biến tâm lý từ thấp đến cao. Ban đầu họ coi nhẹ mọi chuyện: Quan trọng là nước Nga tổ chức World Cup thành công, còn đội tuyển thì tiến tới đâu hay tới đó, chủ yếu đá đấm cho đàng hoàng là được. Thế rồi, khi đội tuyển giành hai chiến thắng liên tiếp, họ bắt đầu trở nên tự tin và mơ mộng: Ồ, hay quá. Có thể tiến vào tứ kết được chăng?! Và rồi, khi các chàng trai Nga vượt qua cựu vô địch Tây Ban Nha, người Nga bắt đầu bộc lộ tham vọng: Cứ đá như vậy, biết đâu vào được chung kết! Đúng 10 năm trước, họ cũng từng vào đến bán kết Euro 2008 đấy thôi! Và trước trận đấu với Croatia, một đối thủ không phải quá mạnh, hàng chục ngàn người Nga đổ về Sochi để tiếp thêm năng lượng cho đội tuyển. Cùng lúc, ở khắp nơi trên đất nước bao la này, hàng triệu con người không ngớt phất cờ và hô vang “Rossiya! Rossiya!”. Trên khán đài trận đấu Anh - Thụy Điển diễn ra trước đó, cổ động viên Nga với khẩu hiệu “Rossiya” cũng lấn át phần nào cổ động viên của hai đội bóng đang đấu trên sân.
Thế rồi, cuộc mộng mơ của người Nga đã kết thúc trong tiếc nuối. Lẽ ra, may mắn hơn một chút, bình tĩnh hơn một chút, các cầu thủ đã làm nên chuyện. Nếu Nga vào bán kết, biết đâu một kết cục như mơ sẽ ập đến trong ngày cuối cùng. Trong cơn buồn đau chợt đến, người Nga cứ day dứt “nếu như”, “biết đâu”. Buồn vô cùng, nhưng người Nga cũng không đến mức quá bi lụy. Khi kết thúc trận đấu tại sân Fisht ở Sochi, hàng chục ngàn người trên khán đài cùng đứng lên vỗ tay hoan hô các cầu thủ đã cho họ những ngày tuyệt vời vừa qua. Đó là những ngày mà lòng tự hào về đội tuyển, về đất nước, về con người được dịp trỗi dậy. Đó là ngày mà người Nga thuộc mọi sắc dân chợt nhận ra một cách sâu sắc rằng mình cùng đứng dưới một màu cờ sắc áo và cùng hướng tới một mục tiêu chung. Đó cũng là hiện tượng mà tôi từng chứng kiến ở World Cup 2010, khi người dân Nam Phi đang trong quá trình hàn gắn hậu Apartheid đã cùng nhau đứng lên hát vang những bài ca ái quốc.
Rời quán nửa khuya, chúng tôi tiếp tục hành trình về Moscow, nơi ngày hội bóng đá vẫn còn tiếp diễn. Tôi lại trò chuyện cùng Kostya Korbur, Andrei và Vladislav, 3 chàng trẻ tuổi ngồi cùng tôi ở 2 hàng ghế sau. Nỗi buồn và tiếc nuối còn nặng trĩu trong lòng, nhưng Vladislav vẫn diễn giải mạch lạc: “Đội tuyển đã chơi rất hay, rất tự tin. Lâu lắm rồi chúng tôi mới lại thấy được hình ảnh này. Đó là điều quan trọng nhất. Còn vô địch World Cup ư? Chắc phải rất lâu nữa chúng tôi mới làm được điều đó chứ không phải ngay giải đấu năm nay”.
Tôi trở về Moscow vào chiều hôm qua, thành phố trong ngày không có bóng đá trở nên bình lặng hơn nhưng Quảng trường Đỏ và các khu vực lân cận vẫn tấp nập người. Những lá cờ Nga vẫn được giương cao, được treo ở các quán ăn xung quanh phố đi bộ. Vài người Nga vẫn ngẫu hứng cùng nhau hô “Rossiya! Rossiya!” như chưa hề có kết cục buồn của đêm hôm trước. Cuộc chơi của đội tuyển Nga đã kết thúc, hình ảnh đội tuyển Nga để lại không quá mức tuyệt vời, nhưng cũng đủ để những người ngoài cuộc ngưỡng mộ và người Nga lạc quan. Và vẫn còn đó cuộc chơi lớn hơn mà người Nga, nước Nga đang là nhân vật trung tâm, là chủ nhà. Đó là cuộc chơi World Cup. Đội bóng không thể vô địch, nhưng người Nga vẫn có thể là một chủ nhà rất tuyệt vời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.