Nhật ký World Cup 2018: ‘Phong độ’ của nước Nga như thế nào ?

04/07/2018 10:12 GMT+7

Không phải là chuyện đội tuyển Nga vừa lọt vào tứ kết, ở đây tôi muốn đề cập đến “phong độ” tổ chức của nước chủ nhà. Xuất sắc hay dở tệ? Hãy nghe các cổ động viên chia sẻ.

Bên ngoài các sân cỏ đang có một cuộc chiến khác, âm thầm nhưng không kém phần căng thẳng. Đó là cuộc chiến truyền thông giữa nước Nga và phương Tây, chủ yếu là Anh, trong vấn đề tổ chức World Cup 2018. Nguyên nhân bề nổi của chuyện này là vụ Anh cáo buộc Nga đầu độc cha con ông Sergei Skripal, một cựu điệp viên người Nga từng cộng tác với Anh và đang sống lưu vong tại Anh vào thời điểm bị đầu độc đầu năm 2018. Vụ cáo buộc này thậm chí đã dẫn tới nhiều lời đe dọa tẩy chay World Cup 2018 từ một số nước châu Âu. Tuy nhiên, sâu xa mà nói thì việc báo chí Anh có nhiều nhận xét tiêu cực về nước chủ nhà World Cup xuất phát từ khác biệt về văn hóa, về tư duy và có cả những định kiến kinh niên nữa.
Trước khi World Cup diễn ra, nhiều tờ báo Anh đồng loạt “phơi bày những nét xấu xí” của nước chủ nhà. Tờ The Times đưa tin nước Nga đã dựng lên những hàng rào mới tại khu vực Glebovsky ở bên ngoài Moscow, nhằm che đậy những hình ảnh nghèo nàn, xấu xí của một ngôi làng tại đây khỏi tầm mắt của cổ động viên, báo chí quốc tế và người hâm mộ khi họ đến thăm doanh trại đội tuyển Pháp. Tờ Guardian nổi tiếng còn làm một chuyên đề đặc biệt, trong đó mổ xẻ những “mặt tối” của nước chủ nhà, từ hooligan cho tới sân vận động được thiết kế không đẹp, từ kiểm duyệt báo chí cho tới mafia. Vào giải, báo chí Anh tiếp tục phàn nàn, chẳng hạn như chuyện ruồi muỗi quá nhiều ở Volgograd. Trước trận đấu giữa Anh và Colombia trên sân Spartak ở Moscow tại vòng 1/8, The Times cho biết có thể rất ít người hâm mộ Anh đến xem trận đấu này, khi mà chỉ có 1.500 vé được các cổ động viên xứ sương mù đặt mua qua các kênh chính thức của FIFA. Ngay lập tức, Đại sứ quán Nga tại Anh đã lên tiếng chế nhạo báo chí xứ sương mù, cho rằng cổ động viên “Tam sư” không đến Nga là “thành quả của nhiều tháng bêu xấu nước Nga” mà báo chí Anh thực hiện. Cuộc chiến giằng co và còn khó phân định thắng thua hơn các trận đấu trên sân cỏ.
Công bằng mà nói, vẫn còn chuyện này chuyện kia cần cải thiện trong công tác tổ chức, nhưng nhìn chung “phong độ của nước Nga” đến nay rất ổn. Nhiều chính sách hào phóng với cổ động viên bóng đá được thực thi, chưa có bất trắc nào về an ninh - từ đe dọa khủng bố cho tới bạo lực sân cỏ, công tác tổ chức khá trơn tru. Ngay cả báo Anh The Guardian mới đây cũng đã viết: “Nước Nga đang dần chứng tỏ là một chủ nhà tuyệt vời. Có lẽ nhiều người sẽ rời nước Nga với kỷ niệm đẹp và có thể sẽ thay đổi suy nghĩ của mình về đất nước này”.
Về công tác tổ chức World Cup của Nga, vẫn chưa đến ngày chung cuộc nên chưa thể có một đánh giá tổng thể. Nhưng qua những gì mà người viết quan sát được, có thể thấy còn nhiều khía cạnh cần cải thiện, chẳng hạn: tiếng Anh của đội ngũ làm việc tại sân vận động chưa tốt, quy trình về an ninh và giao thông cần được chuẩn hóa, không quá nhiều tiêu chuẩn khiến người hâm mộ và cánh báo chí bối rối; trung tâm báo chí ở nhiều trận đấu quan trọng bị quá tải... Tình trạng nâng giá vô tội vạ của một số khách sạn và dịch vụ lưu trú, vận tải hành khách tại Moscow cũng làm nản lòng người phương xa tới đây trong ngày hội bóng đá.
Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, có thể nói năng lực tổ chức World Cup của Nga là rất đáng ghi nhận. Theo trải nghiệm của cá nhân người viết, đây là một trong những kỳ World Cup mà chủ nhà hào phóng nhất. Từ năm 2006 tới nay thì chỉ có chủ nhà Đức và lần này là Nga có chính sách miễn phí sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc tàu lửa đường dài (có điều kiện) đối với phóng viên và người hâm mộ có mua vé xem các trận đấu. Người Nga cũng luôn tỏ ra thân thiện và sốt sắng giúp đỡ người phương xa.
Hôm qua tôi đã phỏng vấn anh bạn George Falck, một người Anh đến từ bán đảo Wirral, bên ngoài sân Spartak. Chủ đề của cuộc phỏng vấn là phong độ đội tuyển Anh, nhưng anh chàng lại bắt đầu như thế này: “Đầu tiên tôi xin được nói rằng người Nga đã tổ chức một kỳ World Cup tuyệt vời. Tôi đang có những ngày rất đáng nhớ ở đây. Các trận đấu cũng rất hay, nhiều bất ngờ”. Anh bạn Bồ Đào Nha Lobito của tôi có lần nhận xét: “Tôi đã đi nhiều kỳ World Cup và Euro, nhưng nước Nga là một trong những nơi cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Công tác tổ chức rất tuyệt. Con người rất thân thiện. Phụ nữ Nga rất đẹp và dễ gần. Tôi sẽ nhớ về nơi đây”.
Còn anh Jorge Franco, dù rất buồn sau khi Bồ Đào Nha rời cuộc chơi, vẫn dành những lời chân tình: “Giấc mơ còn dang dở. Tôi đang rời khỏi Sochi với tâm trạng rất buồn. Xin cảm ơn những con người luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi”. Bạn Quỳnh Chi, một người hâm mộ từ Hà Nội đến Saint Petersburg để xem hai trận đấu, chia sẻ trước khi trở về VN: “Nước Nga rất tuyệt vời, từ việc tổ chức World Cup cho tới con người, cảnh đẹp. Em sẽ rất nhớ những ngày vừa qua”.
Cách đây vài hôm, một cổ động viên Anh tên là Matt Maybury sau khi rời nước Nga đã post lên Twitter dòng chữ hơi châm chọc: “Vừa sống sót trở về sau hai tuần ở Nga. Tôi không hề bị hooligan tấn công, không bị gấu vồ và không bị đầu độc. Báo chí Anh phải xấu hổ về chuyện đã tuyên truyền xấu về người Nga. Đây là một quốc gia rất đẳng cấp”. Báo Nga ngay lập tức chộp lấy lời anh này để phản công, rằng “thấy chưa, chính người Anh nói đấy nhé!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.