Dọc đường Euro 2016: Bản sơ kết bạo lực

06/07/2016 10:46 GMT+7

Hơn 1.000 người bị bắt, 600 người bị khởi tố, 56 người bị kết tội, nhiều người nhập viện. Bản tổng kết của Bộ Nội vụ Pháp cho thấy một mảng tối của Euro 2016.

Một người Anh, có thông tin cho biết là một cảnh sát không làm nhiệm vụ, đã bị đâm hai nhát bên ngoài ga Bắc (Gare du Nord) ở Paris ngay sau khi Pháp có chiến thắng bão bùng trước Iceland. Người Anh này là một cổ động viên bóng đá trung lập bởi mặt anh ta vẽ cả cờ Pháp lẫn Iceland. Sau khi đâm người, hung thủ vứt dao và biến vào bóng đêm; còn nạn nhân bị thương nặng và đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Thích là đánh nhau
Vụ đâm người trong đêm 3.7 là sự vụ mới nhất liên quan tới nạn bạo lực bên ngoài sân cỏ vốn nhiều lúc đã diễn biến xấu tới mức báo động trong thời gian qua. Hôm 4.7, Bộ Nội vụ Pháp đưa ra con số sơ kết về công tác bảo vệ Euro 2016. Theo Bộ trưởng Bernard Cazeneuve, kể từ khi giải đấu khởi tranh đến nay, cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.000 người, trong đó có 600 người bị khởi tố, 56 người bị kết tội liên quan tới bạo lực bóng đá; nhà chức trách Pháp đã trục xuất 34 hooligan. Trong số bị bắt, nước Anh đóng góp 65 người; trong số bị trục xuất, người Nga chiếm tới 23. Các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Anh, đã hợp tác chặt chẽ với Pháp để nhận diện các phần tử nguy hiểm. Nhiều hooligan cộm cán đã bị cấm đến xem các trận đấu trong thời gian ít nhất là 3 năm, nghĩa là không được đến Nga vào dịp World Cup 2018.
Những con số thống kê có phần khô khan này không nói hết được vấn đề. Thực tế cho thấy bạo lực liên quan tới Euro 2016 diễn biến rất phức tạp và có thể bùng phát mọi lúc mọi nơi; thành phần tham gia đánh nhau, động cơ ra đòn rất phong phú đa dạng, chứ không chỉ đơn thuần là chuyện cổ động viên của các đội bóng đối thủ lao vào choảng nhau.
Người Anh và người Nga đánh nhau do sự kình địch của hai đội bóng. Người Pháp phục kích choảng người Anh vì khó chịu trước sự quấy nhiễu của các vị khách thô lỗ. Người Xứ Wales nhậu say và gây sự với cảnh sát bên ngoài sân Công viên các hoàng tử. Cực hữu Nga và Pháp tấn công các nhóm cổ động viên nước ngoài. Cổ động viên đốt pháo khói quậy phá trong khu fanzone ở Paris khiến hàng ngàn người chạy tán loạn.
Khó hiểu nhất là vụ người Croatia lao vào đánh nhau trên khán đài. Hooligan bóng đá hiển thị ở Euro 2016 với khuôn mặt đa sắc màu chẳng khác gì màu áo của cổ động viên. Sự quậy phá của những người quá khích đã gieo một không khí sợ hãi ở nhiều nơi. Tôi nhớ bạn tôi, Richard Ware, một người Anh chính hiệu, đã phải chạy nhanh về nhà trọ ở Nice bởi lẽ “đêm nay đội tuyển Anh thua, đi ra trung tâm thành phố sẽ rất nguy hiểm, anh nên cẩn thận nhé”.
Quyết liệt và chu đáo
Để đối phó với tình trạng hooligan, cảnh sát và phương tiện an ninh đã được huy động tối đa. Mỗi lúc có trận đấu diễn ra, cảnh sát như vào một chiến dịch căng thẳng. Họ làm việc 24/24; ăn, chợp mắt trên xe; thay nhau tranh thủ nghỉ ngơi giữa lúc bóng lăn và khi trận đấu vừa tan là lúc chiến dịch được triển khai với lực lượng đông đảo nhất. Rất nhiều lần cảnh sát đã ra tay khống chế hooligan. Ở Marseille, Nice và một số nơi khác, họ xịt hơi cay mù mịt để đẩy lùi các bợm nhậu. Cách xử lý như thế có lúc khiến họ bị lên án; báo chí Anh đã chỉ trích rất kịch liệt chính sách “hơi cay trước, lý lẽ sau” của cảnh sát Pháp. Tuy nhiên, sự mạnh tay của cảnh sát nước chủ nhà lại được UEFA và Ban tổ chức Euro 2016 ủng hộ hoàn toàn. “Chúng tôi hoan nghênh sự cương quyết của cảnh sát nước chủ nhà nhằm đảm bảo an ninh cho giải đấu”, một thông cáo của ban tổ chức được đưa ra giữa giải đấu nêu rõ.
Nhưng nước chủ nhà không chỉ biết mạnh tay với hooligan, họ còn rất kịp thời trong việc biểu dương các nhân tố tích cực. Bà Thị trưởng Anne Hidalgo của Paris cách đây mấy hôm đã thông báo tặng Huy chương Thành phố (Médaille de la Ville de Paris) cho cổ động viên Bắc Ireland và CH Ireland. Phó thị trưởng phụ trách du lịch và thể thao Jean-François Martins đánh giá: “Các cổ động viên này đã tham gia vào không khí lễ hội tại Paris một cách đầy nhiệt tình. Họ là tấm gương cho cổ động viên toàn thế giới”.
Trong mỗi trận đấu, Ban tổ chức Euro 2016 luôn bầu chọn một cổ động viên tiêu biểu nhất, đó là người có hành động đẹp hoặc có trang phục ấn tượng. Trước trận và trong thời gian nghỉ giữa hiệp, người ta cũng tổ chức các trò vui để cổ động viên gần gũi nhau, ví dụ thi ai hét to hơn hoặc thi đá bóng giữa các nhóm người hâm mộ. Hôm ở Bordeaux, tôi đã chứng kiến 3 chàng trai Đức đè bẹp 3 chàng trai Ý 4-1 trong một trận đấu “giết thời gian”, sau đó, lúc đã vào trong sân, cổ động viên Đức cũng hét to hơn cổ động viên Ý với âm thanh đo được là 104,7 decibel. Có lẽ điều này đã báo hiệu rằng Đức sẽ vượt qua Ý trong trận đấu tứ kết.
Nếu tất cả mọi người đi xem bóng đá đều vui như vậy thì hay biết mấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.