Dọc đường Euro 2016: 'Đừng đưa tôi về nhà...'

27/06/2016 10:22 GMT+7

'Đừng đưa tôi về nhà. Tôi không muốn đi làm đâu. Tôi muốn ở lại đây và uống hết số bia này...'. Xung quanh các đường bóng ảo diệu của cầu thủ là những thanh âm rộn ràng sôi nổi.

Trên khán đài Công viên các hoàng tử, tôi đã ở giữa những người Xứ Wales áo đỏ đang cuồn cuộn như sóng trào. Nối tiếp bài quốc ca Hen Wlad Fy Nhadau hát bằng tiếng Wales là những bài hát và khẩu hiệu không bao giờ dứt. Họ đứng hát suốt trận, tạo nên nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho các chàng trai áo đỏ dưới sân. Tôi lắng nghe, chợt bắt gặp giai điệu và thanh âm quen thuộc, “Don’t take me home. Please don’t take me home...”.

Bản nhạc chế này có lời rất vui, là tâm sự của một anh chàng cổ động viên bóng đá, cứ muốn ở lại với cái không khí hội hè của giải đấu, không muốn trở về nhà đi làm. Thoạt tiên, nó được người Anh mang tới các trận bóng đá trong nước, và bây giờ, khi Euro diễn ra, nó đã trở thành bài hát phổ biến nhất trong mùa hè nước Pháp.
“Đừng đưa tôi về nhà. Xin đừng đưa tôi về nhà. Tôi không muốn trở lại đi làm. Tôi muốn ở lại đây và uống hết số bia này. Đừng, xin đừng đưa tôi về nhà...”. Lời của anh cổ động viên ham chơi đồng thời là ước muốn đội tuyển của mình tiếp tục trụ lại giải chứ không xách vali về nước sớm.
Tính chất vui vẻ của bài hát đã làm cho nó không ngừng “lây lan”. Trước trận đấu ở Lens, người Anh hát, rồi người Xứ Wales hát theo. Người Anh còn tập cho người Thụy Điển, người Pháp, cứ thế, “Don’t take me home” vang vọng khắp các khán đài, các fanzone, nhà ga, quán nhậu, cứ như một thứ vi rút lây lan vậy.
Người Pháp vốn “ngại” dùng tiếng Anh, ấy thế mà đến nay bên cạnh điệp khúc “Allez les Bleus” cũ xưa như trái đất, họ cũng hát lên “Don’t take me home” trên khán đài sân đấu ở Lyon vào chiều hôm qua, dưới ánh nắng vàng ấm áp của miền trung nước Pháp.
Những bài ca về bóng đá, được sáng tác theo kiểu dân gian, nghĩa là người này góp một ít, người kia góp một ít, ấy thế mà lấn át hẳn bài ca chính thức This One’s For You của Euro 2016.
Thực ra thì cổ động viên không ai hát bài hát chính thức cả, vì nó dài và giai điệu phức tạp. Họ có thứ ngôn ngữ riêng của mình, ngắn gọn, sôi động và hài hước. “Hát cho vui ấy mà. Tôi không thể tưởng tượng ra một trận bóng đá mà thiếu các bài hát”, Marc Kemp, một cổ động viên Xứ Wales mà tôi có dịp quen biết, chia sẻ.
“Trên khán đài, chúng tôi thường hát quốc ca, hô vang “Deutschland, Deutschland” (nước Đức), “Finale, Finale” (Chung kết) và bây giờ hát cả “Don’t take me home”.
Đó là cách tạo trò vui trong bóng đá”, Thomas Hanter, anh chàng Đức ở chung phòng với tôi tại Paris, kể. Tất nhiên là bên cạnh bài hát vui, ca ngợi đội bóng của mình, các cổ động viên cũng không ngớt nghĩ ra trò trêu chọc người hâm mộ đối phương. Hôm tôi ở trên khán đài sân Toulouse, nghe mấy người Thụy Điển hát điệp khúc “Italienare”, hỏi ra mới biết là họ đang chế nhạo “Người Ý ở đâu rồi?”. Trò này cũng tương tự cách mà những người Argentina một dạo World Cup 2014 ồn ào điệp khúc “Maradona xuất sắc hơn Pele” mà tôi đã nghe đến mức nhàm tai.
CĐV Pháp reo hò trên khán đài sân Stade de Lyon, tại trận gặp CH Ireland ở vòng 1/8 Reuters
Từ World Cup 2006, khi tôi bắt đầu cái may mắn được hít thở không khí hừng hực lửa trên các khán đài, giữa những nhà ga xô bồ, trên các chuyến tàu đông đúc và sực nức mùi mồ hôi, đấy cũng là lúc tôi bắt đầu làm quen với những giai điệu bóng đá vốn đã trở thành một phần của không khí hội hè.
Bạn hãy tưởng tượng xem, một khán đài 50.000 khán giả, cùng đồng thanh hát lên điệp khúc, không thể diễn tả được không khí đó như thế nào, chỉ có thể nói rằng “ngoài sức tưởng tượng”.
Những bản nhạc chế, vài câu khẩu hiệu hô lên, lặp đi lặp lại, cứ thế, sân đấu trở thành chảo âm thanh. Từ 2006 đến nay, tôi đã có vô số lần được chìm đắm trong biển âm thanh ấy, với một ngoại lệ duy nhất là World Cup 2010, khi các bài hát bóng đá buộc phải nhường chỗ cho chiếc kèn vuvuzela.
Quen thuộc và thân thương đến mức, có những buổi sáng thức dậy không còn nghe âm thanh đó nữa, chợt thấy nhớ và biết rằng mùa hội bóng đá đã qua. Nhưng đấy là những mùa hội trước, Euro 2016 thì vẫn còn dài, và trong lúc ngồi viết những dòng này, tôi vẫn đang ở giữa biển người và biển thanh âm trên khán đài Lyon rực nắng.
Dịch vụ vẽ mặt bội thu
“Đồ chơi” cho cổ động viên, như cờ, áo, tóc giả... luôn hút khách quanh các sân vận động trước mỗi trận đấu. Nhưng có lẽ ăn tiền nhất là dịch vụ vẽ mặt. Hai lá cờ Pháp ở hai bên má ư? 2 euro! Lá cờ che kín cả khuôn mặt ư? 5 euro! Mức giá khá cao nhưng khách hàng luôn đông nườm nượp, khiến “người bán” không một phút nào ngơi tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.