Dọc đường Euro 2016: Lỗ hổng an ninh ở đâu?

22/06/2016 11:22 GMT+7

Bằng cách nào những kẻ nằm trong sổ đen của an ninh lại có thể lọt được vào các khán đài Euro 2016?

Chuyện ly kỳ nhất của Euro 2016 không phải là đội Xứ Wales bùng nổ, Cristiano Ronaldo nhạt nhòa, nhiều trận đấu có bàn thắng vào phút cuối. Cũng không phải là chuyện mặt sân bong tróc, áo dễ rách như giấy hay là bóng bể giữa trận cầu. Chuyện ly kỳ nhất hẳn thuộc về cái tên Alexander Shprygin. Alex, tạm gọi như thế, được UEFA và Ban tổ chức Euro 2016 mô tả là một tay côn đồ cộm cán người Nga, báo chí thì khẳng định Alex là phần tử tân phát xít dù ông ta muốn được gọi bằng mỹ danh “người ái quốc”.
Trong cuộc loạn đả trên khán đài sân Velodrome ở Marseille sau trận Anh - Nga, mà chủ yếu là Alex chỉ huy đàn em tấn công người Anh, chính phủ Pháp đã trục xuất tay anh chị này cùng 19 người Nga khác hồi cuối tuần qua. “Au revoir”, tạm biệt nhé, đẩy ra khỏi biên giới và đóng cửa lại, coi như Euro 2016 chấm dứt với những hooligan chuyên nghiệp.
Thế nhưng, khi đội tuyển Nga bị Xứ Wales vùi dập tối tăm mặt mũi tại Toulouse vào đêm 20.6 (theo giờ Pháp), tức chỉ 2 ngày sau khi Alex bị trục xuất, người ta lại thấy gã chụp hình đứng trên khán đài Sân vận động Thành phố (Municipal) để xem trận đấu. Alex giải thích: “Tôi chỉ bị đuổi chứ không bị cấm cửa. Thị thực Schengen của tôi vẫn còn hiệu lực và tôi có vé vào sân. Tôi tới đây một cách hợp pháp”.
Alex còn cho biết trong số 20 người bị trục xuất, đã có 4 người trở lại Pháp. Đến lúc này thì giới chức Pháp, đặc biệt là ngành an ninh, mới tá hỏa, vội vã cho người đi bắt Alex một lần nữa. “Chúng tôi vừa bắt giữ Alexander Shprygin tại sân vận động vào đêm nay và đang xem xét các thủ tục pháp lý”, Pierre-Henry Brandet, người phát ngôn Bộ Nội vụ Pháp, thông báo với các phóng viên. Hiện thủ lĩnh hooligan Nga đang đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự hoặc các hình thức phạt hành chính, cấm cửa vĩnh viễn.

tin liên quan

Quậy tưng bừng, 4 hooligan Ba Lan bị bắt
1.000 cảnh sát và 200 nhân viên an ninh đã phải vào cuộc giải quyết vụ loạn đả trước thềm trận đấu tuyển Ba Lan gặp Ukraine tại thành phố Marseille, nước Pháp.
Sự vụ liên quan đến Alex tiết lộ một lỗ hổng không ngờ tới trong an ninh xuyên biên giới cũng như kiểm soát an ninh cho các trận đấu Euro 2016. Từ trước đến nay, khi có giải bóng đá lớn diễn ra, cảnh sát các nước thường hợp tác chia sẻ thông tin an ninh, chẳng hạn cung cấp danh sách đen các phần tử nguy hiểm, hoặc là khủng bố, hoặc là hooligan hoặc các dạng tội phạm khác. Căn cứ vào đó, các nước sẽ cấm xuất cảnh và nước chủ nhà sẽ cấm cửa đối với những phần tử này. Điều đó cũng được thực hiện trước Euro 2016.
Tuy nhiên, việc một tay hooligan có lịch sử “đầy chiến tích” như Alex có mặt tại Pháp để quậy, rồi có thể tìm cách trở lại sau khi bị trục xuất, cho thấy khu vực thị thực chung Schengen chưa có một sự hợp tác hiệu quả để ngăn chặn nguy cơ. Bị đuổi khỏi Pháp nhưng không bị hủy thị thực, Alex có thể nhập cảnh vào một quốc gia Schengen khác, có điều kiện nhập cảnh dễ hơn hoặc tham nhũng nhiều hơn, rồi sau đó đi đường bộ “băng qua dãy Alps” như Alex tự thú và xâm nhập vào nước Pháp.
Các hình chụp do chính Alex đăng tải cho thấy hình như gã ta đã đi qua sân bay Barcelona rồi đi đường bộ qua Pháp “nhờ sự che chở của bóng đêm”. Thử thách tiếp theo của Alex là vượt qua hàng rào an ninh quanh sân để chễm chệ trên khán đài. Chuyện này tưởng khó mà đơn giản, bởi trừ phi mang theo hàng cấm, còn không thì với một chiếc vé, Alex sẽ dễ dàng vào sân bởi không phải nhân viên gác cổng nào cũng có thể nhận diện được phần tử nằm trong danh sách đen. Kẽ hở an ninh ở đây là rất lớn.
Lỗ hổng an ninh ở đâu ?
Alexander Shprygin UEFA
Pha “lừa bóng” ly kỳ của Alex là đề tài nóng hổi trong những ngày này, đặc biệt là trong bối cảnh hooligan đang trở thành mối lo ngại số 1 tại Euro 2016. Trong trận cầu Anh - Slovakia ở Saint-Étienne mới đây, người viết đã có dịp chứng kiến sự hiện diện dày đặc của lực lượng bảo vệ trên khán đài, đứng xếp hàng dày đặc giữa các lối đi. Đây là lần đầu tiên mà lực lượng bảo vệ sử dụng chiến thuật “pressing” toàn khán đài như vậy kể từ đầu giải, cho thấy sự cảnh giác đã được đẩy lên tới đỉnh điểm.
Một chuyện không mấy liên quan nhưng cũng cho thấy một kẽ hở an ninh đáng ngại. Hồi tuần trước, một kẻ khủng bố có tên Larossi Abballa đã giết hai cảnh sát ở ngoại ô Paris. Điều đáng nói là kẻ này từng bị điều tra về tội tham gia tuyển mộ các tay súng thánh chiến. Bằng cách nào một kẻ có quá khứ quan hệ gần gũi với khủng bố như vậy có thể ra tay trong một dịp mà cả nước Pháp giới nghiêm như thế, quả thật có hơi khó hiểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.